Nửa buồn ở ốc đảo Hồng Lam

Thứ bảy - 10/06/2017 03:14
Nằm giữa dòng sông, “ốc đảo” Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) cứ chấp chới giữa bờ “văn minh”. Bao năm qua ốc đảo này vẫn mơ một chiếc cầu, để nối với thế giới bên ngoài chứ không phải “lụy đò”. Nhưng điều đó chỉ còn là mơ ước.

Sấp ngửa giữa đôi bờ


Chúng tôi về thăm ốc đảo Hồng Lam vào đúng mùa mưa lũ. Đứng bên này sông, nhìn sang bên kia, thôn Hồng Lam nằm lạc lõng giữa biển nước mênh mông. Những con nước dữ từ đầu nguồn cứ ùn ùn đổ về mang theo phù sa và kèm theo cả nhiều hiểm nguy mới. Chiếc đò vẫn là phương tiện đi lại duy nhất của người dân “ốc đảo” vào mùa lũ. Men theo con đường nhỏ, chúng tôi về với những hộ gia đình nơi xóm nghèo. Đường vào ốc đảo mùa nước lớn cứ hoang vắng buồn. Có lẽ, giữa trời mưa gió bão bùng này thì cũng không còn mấy ai ham ra triền sông mò cua, bắt ốc. Dù mang tiếng mảnh đất ngã ba sông Lam trĩu nặng phù sa bồi đắp, nhưng Hồng Lam còn lắm cằn cỗi và hoang sơ. Mấy chục năm đã trôi qua, cuộc sống đã lắm đổi thay, song Hồng Lam ngày ấy và bây giờ vẫn thế! Cuộc sống lam lũ miền sông nước với cái nghèo, cái khó vẫn cứ ám ảnh người dân nơi đây.

Con đò này là “cầu nối” duy nhất giữa Hồng Lam với thế giới bên ngoài.


Hai nghề trồng cói làm chiếu và trồng lạc là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày và chuyện học hành của người dân trên đảo. Nhưng rồi, nghề cói cũng trở nên mong manh, nghề trồng lạc cũng trở nên khốn khó. Thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt. Những mỏm đất nhỏ ven sông trồng lạc cũng trở nên hiu quạnh. Nhiều người muốn thoát nghèo đã bỏ xứ đi làm ăn xa, mong sao khấm khá hơn. Anh Võ Được (49 tuổi) một người dân ốc đảo nắc nỏm: “Nhiều lúc người dân ốc đảo đi khám chữa bệnh hay bị đau ốm thất thường muốn chuyển qua trạm xá xã hoặc bệnh viện huyện phải chờ đợi, chầu chực rất lâu mới có chuyến đò sang sông. Vào buổi tối hay mùa lũ thì cũng đành “bó tay”!”.


Ốc đảo này có diện tích khoảng 300ha, 210 hộ với 650 nhân khẩu. Cách đây chừng hơn hai mươi năm, dân số của ốc đảo này khá đông đúc, nhưng sau trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988, người dân bắt đầu di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía nam làm ăn. Hiện tại, dân số thôn chỉ còn khoảng hơn 1/3 so với trước. Trong số đó, chỉ còn lại rất ít thanh niên ở lại. Nhìn bâng quơ vào làng, con đường làng lấm láp bụi cát và bùn lầy vì đợt lũ vừa qua vẫn chưa dọn hết, anh Được chua chát: “Thanh niên trai tráng trong làng đã “Nam tiến” hết cả rồi! Ở nhà thì lấy cái chi mà ăn. Giờ trong làng chỉ có người già và trẻ con thôi!”. Rồi anh nhẩm tính, tỷ lệ thanh niên trong làng có lẽ chỉ còn chừng 5%, số còn lại là trẻ con và người trên 50 tuổi trụ lại, vì không thể đi đâu được.


Mấy chục năm qua, người dân ốc đảo này chỉ biết bám víu vào việc trồng cói và lạc. Nhưng cách trở đò giang, việc ra vào thôn chỉ trông chờ duy nhất vào con đò ngang nên việc vận chuyển hàng hóa nặng và cồng kềnh, hay muốn làm một công trình nào cũng rất khó khăn vì chi phí vận chuyển cao. Đó là nguyên nhân chính của việc hàng loạt thanh niên nơi đây phải ly hương để tìm kế sinh nhai.


Làng vốn đã hiu hắt lại dần vắng bóng người theo từng tháng, từng năm, nên chợ vốn đã ít người bán, nay lại càng hiếm người mua. Cả ốc đảo chỉ có một điểm chợ duy nhất ngay đầu lối vào, được dựng sơ sài bằng chiếc sạp nhỏ, lợp tấm bạt rách tướp để bán đủ thứ. Chợ này do một chị phụ nữ tên Giáo ở bên ngoài hằng ngày đưa hàng vào đây bán. “Tiệm tạp hóa” duy nhất của người dân chỉ bán những thứ “tối cần thiết” như gạo và mắm muối. Ngoài ra không có bất cứ dịch vụ nào. Người dân muốn xem văn nghệ, hay các dịch vụ giải trí khác chỉ còn biết vào đất liền. Mà mùa mưa lũ như thế này thì gần như không thể đi lại được. Thế nên Hồng Lam ốc đảo gần như biệt lập với bên ngoài vào mỗi mùa mưa lũ. Gia đình ông Võ Đức Cương (71 tuổi) đã nhiều đời sống trên ốc đảo, nhưng nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi gia đình ông. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày thôn nghèo sẽ có cầu, có nước sạch, có thu nhập từ nghề cói và trồng lạc ổn định.


Cây cầu và ước mơ đổi đời


Tuy nhà nghèo, nhưng những đứa trẻ trên ốc đảo vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Phân hiệu trường cấp 1 tọa lạc giữa thôn dẫu ngày một vắng dần bóng học sinh, nhưng chưa bao giờ đóng cửa. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên tại điểm trường Hồng Lam chia sẻ: “Điểm trường này giờ chỉ còn có 15 em theo học 4 lớp (không có lớp 1), trường mẫu giáo của thôn cũng chỉ có 12 cháu, nhưng hơn lúc nào hết chúng tôi vẫn luôn mong cái chữ đến với lũ trẻ ở ốc đảo này!”. Nhà cô giáo Loan ở phía bên kia bờ sông, nên mỗi ngày cô phải đi đò để đến trường. Có những khi nước lớn, đò tròng trành không sang được bờ là cô Loan phải ở lại. Cô Loan bộc bạch rằng mấy năm về trước, trường cũng đông học sinh. Nhưng vài năm trở lại đây, sĩ số học sinh cứ “rơi rụng” dần, bây giờ có khối lớp chỉ có 4 học sinh. Nhưng vì lũ trẻ ham chữ, vì lòng yêu nghề nên các cô vẫn đến đây hằng ngày để dạy dỗ. Vất vả nhất là khi lũ về, có khi nước ngang cổ vẫn phải vượt thuyền vào trường chuyển trang thiết bị, rồi quét dọn sau lũ và điểm danh học sinh. Sợ nhất vẫn là chuyện con nước lớn cuốn học sinh đi mất.

“Chợ” duy nhất trên ốc đảo nhưng ít khi được họp.


Một cây cầu bắc qua sông phục vụ nhu cầu đi lại là ước nguyện lớn nhất của bà con xóm đảo. Có nối liền với bờ thì Hồng Lam mới có cơ hội phát triển và xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho hay: “Nhất định trong thời gian không xa, bằng lòng kiên trì, người dân có thể hy vọng sẽ đến ngày có một cây cầu kiên cố bắc qua sông Lam, nối “ốc đảo” thế giới bên ngoài!” Nhưng chờ đợi đến bao giờ, khi người dân vẫn hằng ngày phải vật lộn với con sóng để đi lại với “nền văn minh” bên ngoài?! Những phận đời sống vùng sông nước, nỗi day dứt về cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đuổi làng quê thanh bình này. Người dân nơi đây đã hiểu lắm nỗi khổ cực và lam lũ của những người sống giữa lòng nước lũ. Nhưng họ vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn...

Theo Tin tức

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây