Đó là những chuyện kỳ lạ đang gây xôn xao ở bản Thường Sung, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình).
Chuyện tình vọng phu bên mó nước
Hai mó nước “âm dương” chảy ra từ trong khe đá ngay dưới chân núi thuộc bản Thường Sung, xã Kỳ Phú. Những bí ẩn về mó nước này được gắn với câu chuyện tình giữa một sơn nữ và vị tướng Cao Sơn ở thời Hùng Vương thứ 18.
Cụ Quách Đức Thập kể lại câu chuyện
Cụ Bùi Công Đặng (82 tuổi), người bản Thường Sung cho biết: Theo các cụ kể lại, ngày xưa vào thời Hùng vương, vua cho mở hội thi võ để chọn người hiền tài đánh giặc giữ làng. Trong bản Thường Sung có một chàng trai tên là Cao Sơn, người cao lớn và giỏi võ. Chàng đem lòng thương yêu một sơn nữ sắc đẹp nghiêng trời tên là Ả Trắng. Trước khi đi thi võ chàng đã cùng nàng thề non, hẹn biển chờ đến ngày trở lại mới kết duyên.
Sau một thời gian cô gái ở nhà nghe tin người yêu đỗ quan to được phong thần. Tuy nhiên, khi nàng cứ chờ đợi hết năm lại đến năm mà vẫn không thấy tin tức nào về chàng trai, nàng nghĩ chàng Cao Sơn đã phụ tình không còn nhớ đến mình nữa. Vì buồn tủi, vô vọng nàng đã bỏ bản vào rừng biệt tăm từ đó và cũng không ai biết nàng đi đâu. Dân bản nơi đây cho rằng sơn nữ đã tự vẫn gần mó nước.
Đỗ quan võ, Cao Sơn được phong tướng và nguyện ra biên ải giúp vua dẹp giặc. Khi thắng giặc trở về bản, chàng trai tìm lại nàng Ả Trắng. Nghe tin nàng đã vào rừng biệt tăm, không còn quay về nữa, Cao Sơn vội lần theo gót chân cô gái men theo cánh rừng tìm. Khi đi đến mó nước phía cuối bản thì bỗng nhiên xuất hiện một con quạ đen đậu trên cành cây sữa kêu lên những tiếng rợn người. Chàng đã linh cảm điều không hay đã xảy ra với người yêu mình. Để chứng minh sự chung thủy, chàng trai đã kết liễu đời mình ngay tại đó.
Nhiều năm sau, dân bản phát hiện hai mó nước với một bên là nguồn nước nóng ấm, mó bên cạnh nước lại mát lạnh. Người dân nơi đây cho rằng họ đã hóa thành hai nguồn nước nóng, lạnh và đã ví hai mó nước này như hai thái cực âm dương. Vì vậy, nguồn gốc tên gọi mó nước “âm dương” và những câu chuyện lạ cũng xuất hiện từ đó.
Những câu chuyện rùng rợn
Cụ Quách Đức Thập (80 tuổi), một người dân sống tại đây kể rằng: “Bên cạnh mó nước âm dương có một cây hoa sữa đã già cỗi, là chỗ trú ngụ của bầy quạ và các loài chim khác. Cách đây đã gần hai chục năm, ông Riêu người bản Thường Sung đã đập nát tổ quạ trên cành vì bực tức tiếng kêu của chúng. Nhưng không may trong lúc trèo xuống, ông bỗng cảm nhận được một luồng khí lạnh ập tới. Vì sợ hãi, bủn rủn chân tay nên ông bị ngã xuống làm què cả hai chân. Không lâu sau ông ốm nặng, nằm liệt giường rồi qua đời.
Cụ Thập đưa chúng tôi xem miếu thờ sơn nữ Hoa Trắng
Khoảng vài năm sau bản này lại xảy ra chuyện kỳ lạ, huyền bí có liên quan đến bầy quạ và mó nước âm dương. Một hôm có con quạ đen ở đâu bay đến bắt mất con vịt của nhà ông Quách Văn Kính, cha con họ đuổi theo thì con quạ đó đậu ngay trên cành cây sữa cạnh miếu (nơi người dân thờ cúng tướng Cao Sơn và nàng Ả Trắng). Khi giương nỏ bắn trúng con quạ rơi xuống đất, cha con ông liền đem về nhà làm thịt ăn.
Tuy nhiên, được mấy hôm sau ông Kính đau bụng quằn quại. Vợ ông cuống quýt đi tìm thầy lang xin thuốc chữa nhưng không khỏi. Vài hôm sau ông qua đời. Còn đứa con ông Kính cũng trở nên điên dại, nói năng linh tinh. Bỗng một hôm bà mẹ đi chợ ở nhà không có ai trông con, lúc bà trở về đã thấy thằng con chết ở dưới ao trước nhà. Người dân cho rằng, cha con ông Kính đã xúc phạm đến thần linh nên bị trừng phạt”.
Cụ Thập cho biết thêm, vào năm 1996 có quyết định thành lập Công ty nước khoáng Cúc Phương thì xảy ra một sự kiện. Khi công nhân đưa máy khoan vào giếng thì chẳng may xe chở máy khoan bị sa lầy. Công ty phải đưa vào 4 xe tải để kéo nhưng vẫn không tài nào kéo chiếc máy lên bờ. Chính tay ông Thập cùng một số công nhân đã bắt hai con gà trắng đưa vào miếu để cúng thần Cao Sơn và nàng Ả Trắng, sau đó họ mới đưa được chiếc máy khoan lên.
Ngay hôm sau, ông Trương Quang Xanh, đội trưởng thi công xây dựng ở công ty đã cho người đào và di chuyển miếu ra chỗ khác. Ngay sáng hôm sau, ông Xanh chết một cách đột ngột không rõ nguyên nhân. Dân làng thấy vậy cho rằng, ông Xanh trước khi di dời miếu đã không dâng lễ cúng Cao Sơn và nàng Ả Trắng nên bị trừng phạt.
Giải mã bí ẩn
Từ khi có hai ngôi miếu thần, dân làng lấy đó làm nơi thờ cúng, sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng. Những năm nào dân làng bị hạn hán, người dân lại tổ chức làm lễ cầu mưa, rước tượng Cao Sơn đi khắp các đồng ruộng quanh bản. Lễ rước diễn ra từ 4 đến 5 ngày có khi cả tuần, đến khi mây đen kéo về ùn ùn, sấm sét nổ vang cả bầu trời, nước trút xuống xối xả thì mới kết thúc. Người dân cho rằng, vào những năm đó dân trong bản lại trúng mùa lớn.
Chúng tôi đã tìm gặp anh Quách Công Thu, Phó chủ tịch xã Kỳ Phú để hỏi những thắc mắc về chuyện này. Anh cho biết: “Chuyện hai mó nước nóng và lạnh ở bản Thường Sung là có thật. Còn hai ngôi miếu thờ nàng Ả Trắng và thần Cao Sơn đã có từ rất lâu. Truyền thuyết về câu chuyện này tôi cũng đã được nghe qua, nhiều câu chuyện lắm nhưng cũng chỉ được truyền miệng từ đời xưa. Còn những cái chết bí ẩn tôi cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Để tìm hiểu thực hư về hai ngôi miếu thiêng chúng tôi cũng tìm đến nhà anh Trưởng bản Quách Văn Đức. Anh Cho biết: “Thường Sung là một vùng đất thiêng của làng xã. Mọi chuyện truyền tai nhau đều mang yếu tố tâm linh. Hai mó nước cũng là một biểu tượng mang yếu tố văn hóa làng bản, đến giờ hai mó nước đó không còn nữa, vì dân làng chúng tôi đã nhường cho Công ty nước khoáng làm công trình xây dựng”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn