Người dân tấp nập chọn đồ vàng mã cúng Táo quân |
Vào ngày lễ linh thiêng, trọng đại này, trên bàn thờ của mỗi gia đình ngoài mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu, nước, đèn nến, hoa tươi, mâm ngũ quả tươi… thì một thành tố không thể thiếu được đó chính là vàng mã. Sau khi bày lễ, thắp hương, khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã. Đây là quan niệm có từ xa xưa của nhân dân Việt Nam mong sao các đấng tối cao, sinh thành… đều có thể thụ hưởng lễ vật.
Những ngày cận tết Táo quân, chúng tôi tìm đến các quầy bán hàng vàng mã chợ Hà Tĩnh – trung tâm mua sắm lớn nhất của người dân Hà Tĩnh. Vào thời điểm này, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, nhộn nhịp. Nhà nhà, người người đi sắm vàng mã… với mong ước ngày cúng Táo quân thật trọn vẹn, và cầu mong một năm sức khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa. “Phú quý sinh lế nghĩa”. Ngày nay khi xã hội càng phát triển, đời sống ngày một đủ đầy, văn minh, người dân dành nhiều sự quan tâm hơn cho ngày lễ tết. Ai cũng mong cho ngày lễ thật đủ đầy, để báo đáp các đấng bề trên.
Chị Trần Thị Hồng (phường Thạch Quý – TP. Hà Tĩnh) tâm sự: “Hôm nay, tôi lo lắng đi chợ từ rất sớm để chuẩn bị đồ cúng cho ngày mai, nhưng xếp hàng mãi mà vẫn chưa đến lượt mua đồ vàng mã. Cũng như những người con Việt Nam, gia đình tôi cũng chuẩn bị tấm lòng thành kính để dâng lên tổ tiên, các vị thần, mong sao cho năm mới thật an lành, hạnh phúc”.Thật khó khăn lắm chúng tôi mới có cơ hội để có thể trò chuyện với những người bán hàng, bởi khách hàng quá đông. Bà Sen, một người bán hàng mã rất lâu năm cho biết: “Ngày mai là lễ cúng Táo quân nên những ngày gần đây, nhất là hôm qua và sáng nay, người mua hàng mã rất đông. Hàng chúng tôi có tới 5 người phục vụ mà không kịp để bán”.
Vàng mã không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình trong những ngày lễ, tết |
Mặc dù lượng khách hàng có giảm so với năm ngoái nhưng nhìn chung sức mua của người dân vẫn khá lớn. Bộ đồ Táo quân và cá chép vàng là sự lựa chọn hàng đầu của mỗi gia đình trong ngày cúng 23 tháng Chạp. Theo phong tục cổ truyền, người Việt Nam quan niệm ông Táo và cá chép chính là linh hồn của ngày lễ trọng đại này. Ngoài bộ đồ Táo quân và cá chép vàng, trong bộ cúng vàng mã còn có đinh vàng, tiền vàng. Rồi bộ đồ cúng gia tiên – ông bà, bộ cúng thần tài, thần lộc…Giá cả của các mặt hàng thời điểm này nhìn chung có tăng so với những ngày bình thường trong năm, nhưng mức tăng cũng không đáng kể. Các mặt hàng vàng mã phong phú và đa dạng.
Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ một quầy hàng vàng mã chia sẻ: “Chúng tôi bán hàng vàng mã, một loại hàng đặc biệt nên luôn lấy chữ Tâm làm đầu, chứ không mong giàu sang, phú quý mà mong cho ai nấy đều bình yên. Đồ vàng mã cúng ngày Táo quân rất đa dạng, nhiều mẫu giá. Còn sức mua phụ thuộc vào thị hiếu của từng người, có người mua đầy đủ đồ lễ, nhưng cũng có nhiều gia đình chỉ mua đồ cúng Táo quân”.
Vàng mã là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình trong những ngày lễ, tết biểu hiện tấm lòng thành kính nhất của mỗi con người Việt Nam. Đây cũng chính là một nét đẹp văn hóa, nét đẹp nhân văn của người Việt, để hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.
Theo THU PHƯƠNG Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn