4 năm “màn trời chiếu đất”
Khó ai có thể nghĩ rằng, “căn nhà” cạnh dòng sông Tô Lịch (Hà Nội), chỉ là những tấm bạt được dựng lên, móc vào cành cây lại có người sinh sống.
Tìm gặp chủ nhân của những mảnh bạt ấy trong một ngày rét buốt cuối năm, mặc dù mới hơn 19 giờ, chúng tôi thấy lều đã tối thui, không đèn đóm. Chiếc lều của ông nằm im ỉm trong lùm cây.
Gọi vài câu, một ông già thò đầu ra khỏi tấm bạt rách tả tơi vui vẻ giơ tay chào. Gia chủ tự giới thiệu là Trương Ngọc Tuấn năm nay 67 tuổi, là cựu lính bộ đội Trường Sơn và đã 4 cái Tết ông ở đây, sinh hoạt trong căn lều tạm rách nát, liêu xiêu này.
“Cả dãy này, tôi ở đây đầu tiên. Trước là lính Trường Sơn và tham gia đoàn văn công Hà Nội, tôi về hưu gần 10 năm nay không có nhà mà ở. Sáng nào tôi cũng đi bới chai lọ trong thùng rác bán được vài đồng mua gạo nấu cơm, cháo ăn qua ngày”, ông Tuấn thật thà chia sẻ.
Vừa nói, ông vừa chỉ cho tôi “gánh hàng” chai lọ để bên cạnh lều mà hôm nay ông không bán được cho đồng nát. Nói rồi, đôi bàn tay đen kịt nhanh nhẹn thò vào túi áo, ông Tuấn rút ra tờ 2.000 đồng, khoe đó là tài sản duy nhất.
“Chiều nay tôi nấu cháo, may được bà bạn ở Cầu Giấy cho khúc xương. Mình ngần này tuổi không ăn được nhiều, hôm nào giỏi lắm mới được miệng bát. Có những hôm, tôi được người nhà chùa mang cho hộp cơm chay” – tay ông chỉ vào xoong cháo nhỏ rồi nói.
Nhìn nồi cháo lổn nhổn, đặc sệt chưa nhừ kỹ được nấu trong nồi hoen cũ mà ông nhặt được ở đâu đó, chúng tôi không khỏi xót lòng.
Thương chiếc xe đạp bị mất
Vừa dứt lời, ông chỉ ngay vào bộ quần áo cũ kỹ, hoen bẩn đang mặc trên người nói: “Quần áo tôi toàn được “tài trợ” đấy, nhiều người qua đây cho tôi vài bộ. Nói thật với cháu, tôi mới tắm trước lúc trời rét mấy tháng nay. Khổ, làm gì có chỗ tắm, tôi đi tắm nhờ người dân, còn quần áo thì mang ra Hồ Tây giặt rồi đem về đây phơi. Thế mà còn bị lấy mất”.
Hàng ngày, từ mờ sáng khi đèn đường bắt đầu tắt, ông Tuấn lọ mọ bắt đầu công việc của mình. Ông đi dọc các tuyến phố tìm nhặt chai lọ ở thùng rác để về bán cho người đồng nát. Đến tối khi đèn lên, ông về “ngôi nhà” của mình nấu cơm và ngủ nghỉ.
Hỏi về thu nhập của ông có được mấy chục một ngày không, ông lắc đầu cười nói: “Làm gì được, nếu thế thì tốt quá, hôm nào tôi làm hăng được ba chuyến thì được 6 - 7 nghìn đồng, có hôm chẳng được đồng nào. Chuyến nào nhiều, họ trả 3 – 4 nghìn đồng. Nhiều hôm buổi sáng tôi đi làm nhưng không ăn vì nếu ăn phở đắt quá từ 15 -20 nghìn đồng. Chỉ có hôm nào kiếm được kha khá thì ăn bát cháo lòng 5 - 6 nghìn đồng, còn 1 nghìn đồng để uống nước”.
Ông Tuấn vui vẻ kể về chiến tích đi bộ khắp nơi trong thành phố để kiếm sống. Người đàn ông này có vẻ trầm xuống khi nói về chiếc xe đạp. "Thương chiếc xe đạp, hơn 1 năm trước tôi vào chợ nhặt rác thì bị mất", lời ông Tuấn.
“Người tôi khỏe lắm, không bệnh tật gì, tôi có thể đi bộ từ đây đến bốt Phùng (đường Phan Đình Phùng), ngã tư Nhổn là bình thường. Ngoại trừ cái bệnh hay đau người do di chứng sốt rét thời chiến tranh thôi”, ông Tuấn chia sẻ.
Rồi ông vanh vách kể cho tôi từ câu chuyện các con đường, những cây cầu trong thành phố đang xây dựng dở cho đến hồi ức, kỷ niệm thời chiến tranh mà ông từng tham gia.
Cuộc sống không đèn điện, không nước, không có căn nhà kiên cố để ở, mọi đồ vật, tài sản mà ông có đều là những thứ ông được cho hay nhặt được. Vậy mà, suốt 4 năm qua, ông vẫn sống ở đó một mình.
Khi tôi hỏi về Tết, ông lạc quan cười nói: “Trời cho tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi vẫn đón Tết ở đây, tự nấu ăn, bếp củi đầy đủ hết rồi”.
Thắc mắc về những người con, người thân của ông, ông lặng lẽ cho biết, ông có hai người con, một trai một gái. Con trai có cửa hàng ở Đội Cấn, giờ đang ở dưới Hà Đông, còn cô con gái đã đi lấy chồng.
“Đã lâu lắm rồi tôi không thấy chúng nó đến nữa. Vài tháng trước, hai vợ chồng con gái tôi đến đây cho 50 nghìn đồng và chai bia. Tôi làm gì có nhà mà về, tôi bán lấy tiền chia cho con trai, con gái hết rồi. Khổ cái là con gái tôi ở với bố mẹ chồng, nó bảo tôi về mấy lần nhưng tôi không về. Còn con trai ở xa quá!”, ông rưng rưng kể lại.
Theo lời ông Tuấn, tết năm ngoái con gái ông cũng qua đây đưa cho ông cái bánh chưng, ít gạo nếp, gạo tẻ, giò chả và hai chai bia Hà Nội để ăn tết.
Hỏi về vợ ông, giọng ông thay đổi, có vẻ tức giận, ông tiếp lời: “Rất buồn, nghe chuyện này tôi cũng phải rớt nước mắt. Tôi buồn, tóc tôi bạc trắng vì vợ tôi đi với thằng khác. Giờ chuyện này qua rồi, tôi phải gạt sang một bên để vượt qua tất cả”.
Cố lấy lại không khí vui vẻ, ông khoe chúng tôi khung tranh nhỏ mà ông được cho. Ông Tuấn kể đây là bức tranh vẽ người Hàn Quốc. “Đây này, sống như thế này nhưng tôi vẫn rất yêu nghệ thuật, ca hát chứ phải không đâu”, ông lạc quan nói.
Sống vất vả là thế nhưng đến tuổi này, sống trong cảnh “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” suốt 4 năm nay, ông Tuấn chỉ mong muốn đến lúc chết không phiền toái đến ai.
“Năm cũng về cuối, chẳng mấy nữa là Tết, chẳng biết về nhà ai, mà mình về sao được. Tôi từng nói với con tôi rằng, nếu tôi nằm xuống con đến thăm được là mừng, nếu thoi thóp thở thì đưa tôi đi hỏa thiêu, không phải làm phiền toái đến ai làm gì…”, ông tâm sự.
Sương bắt đầu xuống, tôi xin phép chào tạm biệt ông để về. Ngước nhìn mái tóc đã bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ, đôi tay đen kịt của ông, tôi xót xa nghĩ rằng đáng lý ở cái tuổi này ông được nghỉ ngơi, được hưởng phúc từ con cháu, nhưng…
Dọc đường về, tôi miên man nghĩ không biết rằng, ông Tuấn sẽ chống chọi như thế nào với thời tiết giá rét này khi nhiệt độ 7 – 8 độ khi màn đêm buông xuống.
Theo Thiên Di Trí thức trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn