Huyện giải thích việc điều động gần 100 người bảo vệ thi công mỏ đá cho DN

Thứ bảy - 10/06/2017 00:47
Liên quan đến việc Chủ tịch huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ký quyết định số 2504 ngày 8/10/2013 điều gần 100 cán bộ bảo vệ một doanh nghiệp khai thác mỏ đá tại xã Kỳ Liên (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) để rộng đường dư luận nhóm Pv đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh để làm sáng tỏ vấn đề này.
Chưa nhận tiền đền bù nhưng rừng bà Phương đã bị cạo trắng. Khó hiểu hơn là Chủ tịch huyện lại ký quyết định điều gần 100 người đến bảo vệ thi công


Sợ nguy hiểm nên phải bảo vệ thi công

Theo đó, vào ngày 8/10/2013, Hội đồng BT – HT – TĐC huyện Kỳ Anh ra thông báo về việc tổ chức bảo vệ thi công đối với các hộ dân không chấp hành chủ trương thu hồi đất, bồi thường GPMB dự án khai thác và chế biến đá xây dựng của Cty CP Việt Gia – Song Hui tại khu vực núi Đá Mài xã Kỳ Liên.

Đồng thời, cũng ngay trong ngày 8/10 UBND huyện Kỳ Anh có QĐ số 2504/QĐ – UBND do ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện ký về việc điều động lực lượng bảo vệ thi công đường vào mỏ đá Việt Gia – Song Hui 

Ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, người trực tiếp ký Quyết định 2504 ngày 8/10/ 2013 về việc điều động lực lượng bảo vệ thi công đường vào cho mỏ đá Việt Gia – Song Hui giải thích: “Về việc điều động lực lượng bảo vệ cho doanh nghiệp, chúng tôi có nhận được báo cáo từ doanh nghiệp, chính quyền xã về việc có một số đối tượng lạ mặt ngăn cản, đe dọa lực lượng thi công, sợ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của đơn vị nên chúng tôi mới có điều động lực lượng chỉ nhằm mục đích bảo vệ”. 

Khi PV đặt câu hỏi: “Liệu khi có đối tượng lạ mặt đe dọa, ngăn cản đơn vị thi công thì chính quyền từ xã đến huyện có lập biên bản tại hiện trương hay không?. Đồng thời xin được xem biên bản về việc đó. 

Tuy nhiên ông Bổng cũng như các vị lãnh đạo huyện lập luận: “Chúng tôi không lập biên bản vì những người đó mới chỉ đe dọa chứ chưa hành động!”

Như vậy, Quyết định 2504 ngày 8/10 mà Chủ tịch UBND huyện ký về việc điều động 30 chiến sĩ công an huyện (gồm có thêm Phó trưởng Công an huyện), xe đặc chủng và các công cụ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, 35 người thuộc UBND xã Kỳ Liên gồm có (công an viên, cơ động mạnh)  hàng chục các cán bộ, phòng , ban , y bác sỹ, đài truyền hình huyện… để bảo vệ thi công cho mỏ đá bắt đầu từ nghi vấn có đối tượng lạ mặt đe dọa !? 

Thêm nữa, mặc dù tuy là lực lượng bảo vệ đông này do đích thân ông Chủ tịch huyện điều, nhưng mọi khoản chi phí tiền nong “ bảo vệ” do Cty CP Việt Gia – Song Hui lo liệu và đặc biệt hơn quyết định này không giới hạn về thời gian.

Ông Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh nói: “Việc UBND huyện Kỳ Anh ban hành Quyết định 2504 là hoàn toàn đúng pháp luật. Chúng tôi căn cứ vào nghị định 38/2005/NĐ - CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng trong đó có việc “bảo vệ thi công”. 

Nhưng khi PV đặt vấn đề trong nghị định 38 hoàn toàn không có cái gọi là “Quyết định bảo vệ thi công”, thì ông Sơn nói: “Nhà nước có thẩm quyền làm việc này, căn cứ vào thực tế tại Kỳ Anh từ 2008 đến này có nhiều vụ cưỡng chế, khi cưỡng chế có nhiều yếu tố kích động có những vụ có đến hàng trăm người tham gia vì vậy chúng tôi cần phải lường trước”. 

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cũng thừa nhận phía DN Việt Gia – Sông Hui không có văn bản đề nghị UBND huyện Kỳ Anh điều động giúp đơn vị này bảo vệ mà chỉ là để phòng ngừa?! 

Liên quan đến vấn đề DN tự trả tiền lo kinh phí cho đoàn bảo vệ thi công, ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện nói:  “Cái này do anh em làm thêm cả buổi trưa nên họ giúp thêm ít tiền và chưa có tính toán cụ thể kinh phí”. 

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện tại ở khu vực núi đá Mài xã thuộc xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) Cty Việt Gia – Song Hui được cấp tới 2 giấy phép khai thác khoáng sản. 

Giấy thứ nhất được ông Võ Kim Cự (Phó Chủ tịch tỉnh lúc đó) cấp ngày 11/11/2009 cấp 4,5 ha. Trong khi mỏ đá này chưa thể thực hiện được thì vào ngày 22/7/2011, ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch tỉnh lại ký quyết định cấp phép mỏ đá rộng 15,4 ha ngay tại khu vực này. 

Trong 2 mỏ này thì chỉ có mỏ thứ nhất là có quyết định thu hồi đất. 

Tuy nhiên, có một điều lạ, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh không hề hay biết việc Cty Việt Gia – Song Hui có tới 2 giấy phép cấp mỏ. 

Mỏ đá nằm ở khoảnh 1 hay khoảnh 2?

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó chủ tịch huyện Kỳ Anh nói chỉ mới làm GPMB cho mỏ thứ 1, còn mỏ thứ 2 chưa hề biết đến. 

Một điểm rất đáng chú ý nữa, trong các hồ sơ liên quan đến việc cấp mỏ đá thứ nhất đều ghi rõ khu đất rừng bị thu hồi thuộc khoảnh 2, tiểu khu 389A.

Tuy nhiên, thực tế trên hồ sơ của bà Lê Thị Phượng (chủ hộ nhận hợp đồng trồng rừng 40 năm) thì khu đất rừng thuộc khoảnh 1PK1, tiểu khu 389A. Các giấy mời gia đình bà lên làm việc cũng ghi rõ khoảnh đất của bà là khoảnh 1PK1.

Theo như giải thích của lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thì 1PK1 có nghĩa là phân khoảnh 1 của khoảnh 1. Về tên gọi thì 1PK1 và khoảnh 2 khác nhau hoàn toàn.

Lãnh đạo UBND huyện cũng như phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh đều không biết tới sự sai lệch về mặt hồ sơ này.

Giải thích sự vênh này, đại diện BQL rừng phòng hộ có mặt trong buổi làm việc nói rằng từng có điều chỉnh về tên gọi của các lô khoảnh tại khu vực này. Tuy nhiên vị đại diện này không đưa ra được văn bản chứng minh.

Theo Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây