Xã Mỹ Lộc thuê doanh nghiệp tư nhân "cải tạo mặt bằng" để doanh nghiệp khai thác đất bỏ tiền túi. Ảnh: Văn Thức
Theo quy định, để hình thành một địa điểm khai thác đất thì phải qua nhiều thủ tục, hồ sơ, phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh sau khi đã thăm dò trữ lượng, đánh giá tác động môi trường và có quy hoạch cụ thể, chi tiết. Tất cả đều phải phù hợp với quy hoạch của địa phương nơi mỏ đất đó được cấp phép.
Nhưng một thức tế tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh là các địa điểm khai thác đất được mọc một cách tràn lan như nấm sau mưa, muốn có một địa điểm lấy đất không khó và chỉ cần có kinh phí và máy móc. Một người có thể có vài "mỏ" đất, các mỏ đất chui nhiều gấp nhiều lần so với những địa điểm được quy hoạch. Các địa phương như Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà …là một trong những địa phương có hiện tượng tài nguyên bị "chảy máu" nghiêm trọng nhất. Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn Can Lộc, hiện nay có trên chục địa điểm khai thác đất "chui" nằm rải rác ở các xã như Thượng Lộc, Đồng Lộc, Phú Lộc, Mỹ Lộc, tại đây công tác quản lý của chính quyền các xã này dường như là "vô hại" đối với các chủ đầu nậu đất nếu không muốn nói đã có sự "tiếp tay" cho "đất tặc" lộng hành.
Sáng 6/12, có mặt tại khu vực xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe đang xếp hàng chờ để vào "ăn đất", chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất, đến hơn 11h trưa lượng xe ghé vào mỏ này vẫn không hề giảm.
Thanh tra sở TN&MT Hà Tĩnh và Cảnh sát môi trường Hà Tĩnh lập biên bản đình chỉ khai thác đất trái phép. Ảnh: Văn Thức
Theo tìm hiểu địa điểm khai thác đất này đã được huyện đồng ý và xã Mỹ Lộc thuê tư nhân để "cải tạo" mặt bằng, vô hình chung lợi đôi đường, vừa được khai thác đất bán lấy tiền vừa được xã trả tiền. Trước đó, vào năm 2010 UBND xã Mỹ Lộc, Hội đồng đấu giá đất huyện Can Lộc đã tiến hành bán đấu giá 6 lô đất trên sườn đồi cho 5 hộ dân ở cùng xã, mặc dù tiền đấu giá đã nhận nhưng mãi đến nay (2013) chưa một hộ dân nào được ở trên mảnh đất mà mình đã mua. Áp lực bàn giao mặt bằng cho người dân đã buộc huyện Can Lộc, xã Mỹ lộc phải "vượt rào", vừa mất tiền thuê doanh nghiệp "Cải tạo" mặt bằng với giá tiền hơn 140 triệu đồng (chuyện thật như đùa chỉ có ở Can Lộc - PV), mặt khác chính quyền địa phương đã "tiếp tay" cho doanh nghiệp công khai bán "chui" tài nguyên của nhà nước. Bởi vì khi thuê doanh nghiệp đưa máy vào để cải tạo mặt bằng, có hợp đồng giữa hai bên, tuy nhiên trong hợp đồng không nêu rõ doanh nghiệp phải làm như thế nào, không có một hướng dẫn cụ thể nào được đưa ra, sơ hở này đã vô hình chung "cho không" doanh nghiệp số tiền mà họ có được từ việc bán đất trái phép.
Văn bản UBND xã Mỹ Lộc thuê "cải tạo mặt bằng". Ảnh: Văn Thức
Vào lúc 11h45 ngày 6/12, sau khi nhận được phản ánh của phóng viên về tình trạng khai thác không phép đang diễn ra trên địa bàn huyện Can Lộc, đại diện Thanh tra Sở TNMT, Phòng Cảnh sát Môi trường công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời có mặt để tiến hành lập biên bản xử lý đối với trường hợp nói trên. Điều đáng nói là khi đoàn tiến hành lập biển bản đã gọi điện cho đại diện chính quyền địa phương xã Mỹ Lộc, đại diện phòng TNMT huyện Can Lộc để chứng kiến và giao trách nhiệm thì tất cả đều từ chối có mặt bởi vì trời đã quá trưa, đã hết giờ làm việc và "bận"!.
Thiết nghĩ, việc chính quyền địa phương xã Mỹ Lộc và huyện Can Lộc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản như trên cần được UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét.
Đến ngày 9/12, đang bị đình chỉ nhưng doanh nghiệp vẫn khai thác đất. Ảnh: Văn Thức
Mặc dù đã bị đình chỉ khai thác đất từ ngày 6/10, nhưng đến ngày 9/10, đơn vị khai thác vẫn ngang nhiên xúc đất đi bán. Khi hỏi vì sao đang bị đình chỉ mà vẫn khai thác đất bán thì chủ khai thác cho biết xã vẫn cho bán.
Còn tại Thượng Lộc, dưới hình thức cải tạo vườn đồi UBND xã Thượng Lộc đã đồng ý cho nhiều doanh nghiệp khai thác đất trái phép một thời gian dài, đứng đằng sau đó là UBND huyện Can Lộc "tiếp sức", tại xóm Nam Phong, xóm Bắc Phong của xã này có trê 3 điểm khai thác đất không phép, tất cả đều "núp" dưới bóng "cải tạo" vườn đồi để phát triển kinh tế. Điều đáng nói là cả xã và huyện đều không hiểu từ cải tạo là như thế nào, đất vẫn được đưa đi bán khắp nơi, vườn đồi thì trở nên thê thảm hơn trước và sau khi cải tạo xong thì tất cả đều bị bỏ hoang, tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài trên địa bàn xã Thượng Lộc thế nhưng đến nay vẫn chưa hề có một chuyển biến tích cực nào.
Vợ ông Tú công an huyện Can Lộc "cải tạo vườn" trong thời gian dài. Ảnh: Văn Thức
Tại xóm Đông Phong có một “mỏ đất” chui hoạt động một cách rầm rộ, khai tác tan hoang một vùng đồi nham nhở ít gặp phải sự cản trở nào.
Ông Nguyễn Viết Chuân, PCT UBND xã Thượng Lộc cho biết: Mỏ đất đó của bà Nguyễn Thị Minh Lý (vợ anh Tú đội cảnh sát kinh tế, công an huyện Can Lộc) khai thác, đã thông báo nhiều lần hộ dân này nghỉ nhiều lần nhưng mà lỳ không nghỉ.
Ông Nguyễn Xuân Hán, cán bộ địa chính xã Thượng Lộc cho biết: Một số chổ xin cải tạo vườn đang khảo sát. Đặc biệt chổ máy xúc Tú – Lý trước đây xã không muốn cho lấy nhưng mà vẫn cứ lấy. Gia đình ông cũng từng “cải tạo vườn” nay trồng cây lên khu vườn rồi. Muốn cơ quan chức năng dẹp những chổ nào khai thác đất không đúng quy định.
Mặc dù biết máy xúc của gia đình bà Lý (ông Tú) khai thác và được PV cho xem video clip nhưng cán bộ địa chính xã vẫn không hề phản ứng gì, vẫn không có biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn.
Không chỉ Can Lộc mà nhiều địa phương khác cũng xẩy ra tình trạng tương tự. Nhưng đến nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hề có một "biện pháp mạnh" nào để chấn chỉnh tình hình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau để nói về tình trạng "cháy máu" tài nguyên ở Hà Tĩnh.
Theo Văn Thức Dân tin
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn