Gặp người tự nguyện hiến gan, thận để cứu người

Thứ bảy - 10/06/2017 02:38
Ở nhà trông con, nuôi lợn, chăn gà nhưng người đàn ông gần 40 tuổi giác ngộ sâu sắc về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng cứu người. Anh đã hiến một quả thận cho một người không quen biết và có ý định sẽ tiếp tục hiến gan trong thời gian tới nếu đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe, kỹ thuật.
“San sẻ sự sống là quý giá nhất” 

Tối 29/12 tại BV Việt Đức, Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm mục đích tuyên truyền ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng.

Tại chương trình, nhân vật gây chú ý nhất là một người đàn ông đã tự nguyện hiến một quả thận cho một người không hề quen biết.

Anh là Phạm Văn Thọ, đến từ xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ về việc hiến tạng của mình, anh nói: “Nếu có điều kiện về sức khỏe, hãy san sẻ sự sống của mình cho người khác. Đó là điều quý giá nhất”.  
Anh Phạm Văn Thọ

Theo chia sẻ của anh Thọ, khi hiến tạng anh hoàn toàn tự nguyện, không báo cho ai biết và cũng không cần biết ai sẽ được nhận tạng của mình. “Tôi muốn cái sự cho đi của mình được rốt ráo, hoàn thiện. Nếu mình cho họ mà còn phân biệt, còn tính toán, còn trông đợi sự hàm ơn hay đáp trả điều gì thì việc cho đó chưa hữu ích”, anh nói.
  
Anh Thọ cho biết, trước đây mình cũng đã từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, có những thời điểm như lạc lối. Lúc đó anh đã vào chùa nương nhờ cửa Phật, được giáo lý đạo Phật giác ngộ. 

“Tôi hiểu được rằng “người thọ thí là ân nhân của người bố thí”, tức người nhận là ân nhân của người cho. Nếu mình đủ khả năng làm được một việc tốt thì mình hãy làm đi, nếu cứ sợ thế này thế khác thì chắc chắn không thể làm gì được.

Phần thân thể của mình khi chết đi sẽ thối nát, chẳng để làm gì, hãy tận dụng, phát huy khi có thể”, anh nói. 

Những lời chia sẻ của anh khiến cả hội trường tán thưởng nhiệt liệt. Người đàn ông gần 40 tuổi từng trải qua nhiều thăng trầm nói với giọng điệu dứt khoát, mạnh mẽ. Anh thừa nhận “để người ta ý thức được ý nghĩa của việc san sẻ sự sống, san sẻ tình nghĩa, như việc cho tạng, là khó lắm, nhất là trong lúc đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay”.
  
Nhưng anh khẳng định khi điều kiện cho phép (con lớn hơn, không phải lo lắng vấn đề sức khỏe để lao động kiếm tiền) thì anh sẽ hiến tiếp một phần lá gan của mình. 

“Tôi muốn là người đầu tiên hiến 2 tạng trong cơ thể để xem sự sống sẽ thế nào” – anh nói. Khi biết chuyện anh hiến tạng, người thân trong gia đình khá sốc, còn người ngoài thì cho rằng anh “có vấn đề”.

Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định kể từ thời điểm “hoàn lương”, đặc biệt là sau khi cho đi một phần trong cơ thể mình, anh cảm thấy “mình như thanh sắt vụn được cho vào lò rèn giữa thành con dao sắc có ích cho đời”. 

Kể từ khi hiến một quả thận đến nay, anh Thọ cho biết sức khỏe anh bình thường, ổn định.
  
Nguồn tạng khan hiếm
  
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, việc ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới khoảng 40 năm nên kinh nghiệm ít hơn, tuy nhiên, điều đáng chú ý là Việt Nam đã thực hiện được nhiều ca khó và ghép được đồng bộ các bộ phận (dự kiến đến 2015 sẽ ghép hết được các bộ phận).
  
Cho tới thời điểm này, BV đã tiến hành ghép thận cho trên 200 ca (trong đó có 40 người được ghép từ người cho chết não), 7 ca ghép tim và 19 ca ghép gan (trong đó có 16 ca từ người cho chết não). 
Nhu cầu ghép tạng ở VN là rất lớn (Ảnh: website BV Việt Đức)

Hiện nay, nhu cầu ghép tạng đang rất lớn nhưng nguồn cung tạng thì có thể nói là rất ít. Theo thống kê, chỉ tính riêng bệnh nhân bị mù do bệnh lý giác mạc cần ghép giác mạc đã là khoảng 300 ngàn người, mỗi năm lại có thêm 15 ngàn người phát sinh.
  
Do chưa có danh sách chờ ghép tạng quốc gia nên con số thống kê chính xác, đầy đủ về các lĩnh vực ghép tạng chưa được công bố song có điều có thể khẳng định là nhu cầu thực tế hiện rất lớn (họ đều chờ được ghép tạng để có thể “hồi sinh” cuộc sống thêm một lần nữa).
  
Trong khi đó, nguồn cung tạng khan hiếm do những yếu tố về văn hóa, tâm linh. Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, mỗi năm có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông, họ hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không phải dễ dàng để thuyết phục gia đình đồng ý hiến tạng.
  
Hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh truyền thông về công tác hiến tạng để có thể tăng nguồn mô, tạng được hiến và ghép cho những bệnh nhân có nhu cầu như một giải pháp cuối cùng. Có mặt tại buổi lễ, ông Vũ Đình Huỳnh – một bệnh nhân được ghép gan tại bệnh viện Việt Đức – rưng rưng kể về sự “tái sinh” của mình: “Tôi may mắn được nhận tạng và ca ghép thành công, tôi như được sinh ra thêm một lần nữa trong cuộc đời này”.
  
Theo Cẩm Quyên Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây