Câu chuyện thứ 2 về sinh con nhờ tinh trùng của chồng đã mất

Thứ bảy - 10/06/2017 02:39
Trong thời gian hai vợ chồng đang điều trị hiếm muộn, người chồng đột tử qua đời. Ôm nỗi đau mất chồng, nhưng người phụ nữ đó vẫn giữ quyết tâm có được đứa con với người đàn ông mình yêu thương.

Quyết định táo bạo

Câu chuyện được Tiến sĩ – bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kể lại. Cách đây vài năm, bác sỹ Vệ nhận điều trị hiếm muộn cho một cặp vợ chồng quê Thanh Hóa, đang sinh sống ở Cộng Hòa Séc (người vợ tên V., SN 1984). Sống với nhau ở nước ngoài, hiếm muộn con, đôi vợ chồng đã quay về Việt Nam để chạy chữa.

Trong thời giai này, chồng chị V. đã gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng của bệnh viện rồi hai vợ chồng trở lại Séc. Điều không may đã xảy ra khi chồng chị V. đột ngột qua đời.


Hai cháu bé được sinh ra bằng tinh trùng lấy từ tử thi

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, khát khao được có con với người đàn ông mình hết lòng yêu thương đã khiến chị V. đi đến một quyết định táo bạo. Chị V. chợt nhớ đến việc chồng chị từng gửi tinh trùng ở Ngân hàng tinh trùng tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nên đã gọi điện về kiểm tra.

Biết được quyết định của chị V., nhiều người trong gia đình chị, cả bên ngoại và bên nhà chồng đều không đồng ý. Một số người không tin chị có thể có con với chồng, bởi khi chồng chị còn sống, việc chạy chữa còn khó khăn, huống hồ giờ anh đã mãi ra đi. Cũng có người muốn chị V. đi tìm hạnh phúc và có con với người đàn ông khác...

Gạt đi mọi ngăn cản, chị V. đã bay về Việt Nam để thực hiện nguyện vọng có con với người chồng xấu số. Và điều chị mong muốn đã thành hiện thực. Đến nay con chị V. đã được 5 tháng tuổi. Chị V. thấy hạnh phúc hơn khi lúc này gia đình chị đã không còn phản đối quyết định táo bạo của chị.

Luật pháp có cho phép việc có con với người đã khuất?

Trao đổi với VietNamNet về việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có qui định nào cấm người vợ sinh con từ phương pháp lấy tinh trùng của người chồng quá cố để thực hiện.

Như vậy ở đây được hiểu, công dân có thể được thực hiện các hành vi mà pháp luật không cấm. Mặt khác, vấn đề này nó cũng không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt nam.

Ông Thơm cho biết thêm: Căn cứ Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình về Quyền nhận cha, mẹ thì: Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

Cũng theo ông Thơm: Đây là vấn đề đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, do đó việc khai sinh cho các cháu cũng sẽ phải qua nhiều thủ tục pháp lý để có thể đảm bảo phần ghi trên Giấy khai sinh có đủ cả tên người bố và người mẹ.

Do người bố đã chết trước khi con ra đời nhiều năm. Thông thường người phụ nữ sinh con 9 tháng 10 ngày. Như vậy về nguyên tắc thông thường, sau nhiều năm kể từ khi chồng chết thì đương nhiên quan hệ hôn nhân với người chồng đã chấm dứt về mặt pháp lý.

Do đó, để khai sinh cho các cháu bé là con chung của vợ chồng, có thể phải được sự công nhận của Tòa án, nếu người vợ có yêu cầu khai sinh cho con có tên người cha. Bởi lẽ, con chung của vợ chồng phải được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.

Nếu người mẹ đi đăng ký khai sinh cho con mà không ghi tên người cha thì UBND phường, xã sẽ tiến hành khai sinh theo thủ tục thông thường như con ngoài giá thú.

T.Nhung Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây