Đi qua khung cửa hẹp - Kỳ 1: Bi kịch của một cô giáo

Thứ bảy - 10/06/2017 02:16
Chị Nguyễn Thị Minh Hồng (33 tuổi) bị nhiễm HIV từ chồng trong một cuộc hôn nhân sắp đặt và nó đã lôi tuột chị vào một vòng xoáy đầy tủi hờn và gian truân.

Chị ngồi đó với khuôn mặt khắc khổ in hằn những nỗi đau quá khứ. Năm năm đã trôi qua, nhưng những gì đã xảy ra vẫn khiến chị sợ hãi mỗi khi nhắc đến.

Không thể tin được

Học xong sư phạm, Hồng về làm cô giáo mầm non ở một trường mẫu giáo. Năm 27 tuổi, thấy mình cũng đã lớn tuổi và muốn mẹ vui lòng, chị đồng ý về làm vợ một người đàn ông lớn hơn chị 15 tuổi theo mai mối của mẹ. Ngờ đâu đó là khởi đầu cho tấn bi kịch.

Về nhà chồng chẳng bao lâu, chị tìm được một chồng băng đĩa của chồng, hoảng hồn khi thấy trong đó toàn những cảnh ân ái của những cặp đồng tính nam. Bao nhiêu đêm chị sợ hãi khi tận mắt thấy anh tự giải quyết nhu cầu riêng khi vợ vẫn nằm bên cạnh. Chị đã ngờ ngợ.

Càng tủi thân hơn khi chồng lại chẳng có chút tình cảm yêu thương. Có những ngày chị bị sốt, nằm bẹp trên giường, nhờ chồng đi mua vài thứ nhưng anh không đi. Một mình chị thoi thóp trên giường bệnh mấy ngày liền không ai chăm sóc.

Đến một ngày chị đọc được những tin nhắn mùi mẫn anh nhắn cho một người đàn ông khác. Chị đã hiểu ra chồng lấy vợ để che mắt thiên hạ và muốn sinh cho mẹ một đứa con.

HIV không có nghĩa là chết!

Một người nhiễm HIV ở độ tuổi 25, nếu được điều trị tốt và sống lành mạnh, điều độ thì có thể sống đến hơn 70 tuổi, tức là có tuổi thọ gần tương tự người bình thường.

Do đó ngày nay nhiễm HIV không còn là “bản án tử hình” nữa, HIV/AIDS đã trở thành bệnh mãn tính có thể kiểm soát được, tương tự bệnh huyết áp cao, đái tháo đường...

Sự chuyển biến có thể nói là kỳ diệu đó là nhờ ARV - loại thuốc kháng virút HIV, làm giảm sự sinh sôi của nó trong cơ thể.

Ở Việt Nam, ARV đã được đưa vào điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS từ năm 2005.

Đối với người nhiễm HIV, khi được điều trị ARV sớm, hệ miễn dịch sẽ không bị virút HIV phá hủy nên người nhiễm sẽ không chuyển thành bệnh nhân AIDS và bị tử vong do AIDS.

Mặt khác, khi được điều trị sớm, hệ miễn dịch được bảo vệ nên người nhiễm hầu như không bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

BS Nguyễn Trường Giang (chủ tịch Hội y tế công cộng TP.HCM)

Đau đớn, chị về nhà kể cho cha mẹ nghe hết nỗi khổ chất chứa trong lòng. Cha mẹ biết chuyện thương chị lắm, chẳng cần nghĩ đến thanh danh hay những lời dị nghị, sợ con gái tiếp tục ở đó có con sẽ thêm khổ nên đưa chị về nhà.

Chị theo mẹ về nhà, vẫn tiếp tục làm cô giáo, đã nghĩ rằng mình cứ sống cuộc đời lặng lẽ như thế bên cha mẹ già.

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Cơ thể chị càng ngày càng hốc hác, trên người nổi nhiều vết sần da nhưng chị chỉ nghĩ mình bị sùi mào gà.

Một lần nghe chị gái bảo dạo này chân chị ốm quá “nhìn giống bị HIV”, đi đường thấy biển treo phòng khám HIV của Chân trời mới, chị đánh liều đi xét nghiệm. Trong lòng chỉ nghĩ mình đi khám cho yên tâm chứ không thể nhiễm HIV được vì trước nay chị vốn sống lành mạnh.

Cái kết quả dương tính đánh chị ngã quỵ. Suốt hai ngày sau đó chị chỉ nghĩ tới cái chết, lấy cớ mình bị bệnh, một mình chị ở trong phòng không ăn không uống.

Nhưng trong một giây phút, chị bỗng bình tâm hơn. Chị tự nhủ trước giờ chị luôn sống tốt, tại sao lại phải chết vì căn bệnh đó. Chị không thể đầu hàng như vậy được. Chị giấu gia đình tham gia nhóm Tự Lực gần nhà để hiểu thêm về căn bệnh, tự chăm sóc mình và phòng tránh cho mọi người.

Yêu thương của cha

Về nhà được một năm, mẹ chị lại nhắc lấy chồng. Lần này, với tất cả tủi hờn chất chứa, chị nói hết với mẹ.

“Lúc đó mẹ chợt lặng đi và vào giường nằm, mắt bà đỏ hoe”, chị kể. Chị cố gắng giải thích cho bà hiểu bị bệnh này không hẳn là chết và cũng không dễ lây. Chị mang bao nhiêu tài liệu, tờ rơi về cho cả nhà đọc nhưng vẫn nhận ra sự xa cách của mẹ và vợ chồng chị gái.

Chị đau đớn, tủi hờn nhưng nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người bị gia đình đẩy ra đường. Và bên cạnh chị vẫn còn có cha, từ ngày biết chị bệnh ông vẫn yêu thương và còn ân cần hỏi han chị nhiều hơn khiến bão lòng chị nhẹ bớt.

Vài tháng sau chị đổ bệnh, nổi hạch khắp người và nhập viện hơn một tháng. Bác sĩ bảo chị không còn sống được bao lâu, phải xét nghiệm tủy nên đã rút tủy khiến chị gần như hôn mê ba ngày liền.

Thật ra đó chỉ là cách ông làm chị yếu đi để thuyết phục gia đình đưa chị ra ngoài chữa trị và sẽ kê đơn thuốc với giá 6 triệu đồng/tháng, một cái giá rất đắt khi mà thuốc kháng virút ARV lúc đó được phát miễn phí.

May mắn là một bác sĩ nữ phát hiện, khuyên gia đình chị nên ở lại bệnh viện. Chị được đánh thuốc lao kết hợp thuốc kháng virút ARV và dần bình phục.

Những ngày sau đó, dù khỏe lại, chị vẫn cảm thấy sợ, bản thân không dám tiếp xúc với trẻ con nên nghỉ làm ở trường. Chị vẫn tham gia nhóm Tự Lực và chia sẻ câu chuyện của mình. Biết chị từng là giáo viên, nhóm đã giới thiệu chị làm công việc chăm sóc trẻ chịu ảnh hưởng bởi HIV tại Bệnh viện quận 3.

Chị tìm thấy niềm vui để sống tiếp với công việc mới. Mỗi khi xong việc về nhà, cha và em gái vẫn gần gũi và thương chị hết lòng. Chị cảm nhận được yêu thương cha dành cho chị và lấy đó làm niềm tin để sống.

Hằng ngày chăm sóc những bà mẹ, đón những em bé may mắn khỏe mạnh chào đời, chị vẫn khao khát làm mẹ. Với những kiến thức về căn bệnh, chị biết người nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nếu tuân thủ đúng yêu cầu.

Ở nơi làm việc, chị quen một người đồng cảnh ngộ và mang thai với anh. Gia đình chị và gia đình anh biết chuyện, làm đủ áp lực để chị bỏ đứa trẻ.

Mẹ anh dựa vào bệnh cao huyết áp để làm áp lực với anh. Nhưng điều chị không ngờ anh lại vì mẹ đến mức không dám đứng ra bảo vệ con.

Bầu bì, sức khỏe không được tốt, chị một mình chống chọi. Cha thương chị nhưng ông đã về hưu không giúp được tiền bạc, nhưng chị biết ơn vì ông luôn là người bảo vệ, nâng đỡ tinh thần cho chị.

Lương chỉ 2-3 triệu đồng một tháng, đến ngày sinh chị vẫn dành dụm được 10 triệu đồng. Cha đứa bé thỉnh thoảng vẫn trốn mẹ đến thăm mẹ con chị nhưng bản thân chị không chịu nổi một con người như vậy. Chị cấm hẳn anh đến tìm hai mẹ con. Con chị mồ côi cha.

Nhưng tủi hờn nào đã dừng lại. Người chị gái sinh con chỉ hai tháng sau đó. Cả chị gái và mẹ chị đều lo đứa bé không được an toàn khi mẹ con chị ở chung, sợ hai đứa bé chơi với nhau sẽ lây nhiễm nên bảo chị đi thuê nhà ở ngoài để sinh con.

“Lúc đó đau đớn lắm. Sự kỳ thị của người ngoài thật ra không đáng sợ bằng sự kỳ thị của chính những người ruột thịt”, mắt chị đỏ hoe. Nhưng cha chị không thế, ông tức giận, điều mà trước nay ông ít khi thể hiện. Ông đứng ra bảo vệ mẹ con chị.

Con gái chị sinh ra, được uống thuốc phòng ngừa đầy đủ từ trong bụng mẹ nên không bị bệnh. Ngày nhận kết quả xét nghiệm âm tính của con, chị và cha hạnh phúc không cầm nổi nước mắt. Chị đưa kết quả cho mẹ và chị gái xem nhưng chị nhận ra điều đó vẫn chẳng thay đổi được gì.

“Những ngày thơ bé của con, sức khỏe tôi yếu ớt, cha là người ẵm bồng, thay tã, giặt tã cho bé. Ông là người cha thứ hai của con gái tôi”, chị rơm rớm nước mắt. Khi tất cả mọi người đã quay lưng thì may mắn chị vẫn còn một chỗ dựa nơi người cha già. Bên cạnh chị còn có cô em gái đã lấy chồng nhưng cũng ra sức bênh vực chị mỗi khi về nhà.

Con gái chị nay đã tròn tuổi. Cô bé xinh xắn và khỏe mạnh. Để lo cho con, ngoài công việc chăm sóc trẻ bị nhiễm ở Bệnh viện quận 3, chị cũng xoay đủ đường. Chị kê mấy cái bàn, cái ghế trước cửa trung tâm nơi chị làm tư vấn buổi chiều bán thêm cà phê, nhận theo dõi, hướng dẫn cai nghiện cho những người cai nghiện tại nhà.

Chị tự nhủ chị vẫn còn tình yêu thương của cha và có con gái để dành yêu thương của mình cho con. Chị sẽ sống cho cả ba người.

Theo VŨ THỦY tuổi trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây