“Bài ca đường tránh” và danh dự của ngành giao thông

Thứ bảy - 10/06/2017 02:14
Liên tục các tuyến đường tránh qua các đô thị miền Trung bị xuống cấp trầm trọng sau chỉ một vài năm đưa vào khai thác đã và đang đặt ra vấn đề nghi ngại về trình độ quản lý ngành cũng như chất lượng thi công công trình hiện nay.

 Những tuyến đường này, phần lớn là ngắn; nhưng với việc quản lý chất lượng kém, thi công cẩu thả đã tạo ra những bài ca dài: xuống cấp, ổ voi ổ gà, bong tróc, sụt lún…

Chỉ tính sơ tại các đô thị Bắc miền Trung như Vinh, TP.Hà Tĩnh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình), TP.Huế; đô thị nào cũng có tuyến đường tránh, nhưng đường tránh nào cũng xuống cấp thảm hại.

Tháng 9 năm nay, tuyến đường tránh qua TP.Huế đã khánh thành sau hơn một năm thi công nâng cấp mở rộng. Tuyến đường này dài gần 36 km được khởi công năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2003. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sử dụng, đường đã xuống cấp thảm hại, được mệnh danh là tuyến đường kinh hãi nhất của cánh tài xế bắc nam.

Tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, rằng: “Tôi chưa thấy tuyến đường nào mà hư hỏng tồi tệ như tuyến đường này. Làm hỏng thì tất nhiên phải sửa. Còn hỏng vì nguyên nhân nào, do quá tải trọng, do thi công kém, giám sát kém hay do thiết kế... thì phải rút ra để sau này chúng ta quản lý tốt hơn. Phải không anh Thăng? Hôm nay, tôi đặt ra cho anh một bài toán kiểm điểm vì sao mà nó hư hỏng đến tàn khốc như vậy, để làm rõ và kiểm điểm nghiêm túc”.

Phó thủ tướng cũng cho rằng đây là công trình mà ngành giao thông “trả nợ cho danh dự của mình”.

Nhưng thưa với "tư lệnh" ngành giao thông rằng, có lẽ không phải! Cái “nợ danh dự” của ngành giao thông còn nhiều lắm. Từ Huế nhìn ra, liên tiếp các tuyến đường tránh qua các đô thị khác được xây dựng và liên tiếp…xuống cấp.

Tại TP.Đồng Hới, tuyến đường tránh dài hơn 19 km với tổng vốn đầu tư dự án là gần 660 tỉ đồng được khởi công vào năm 2005 và hoàn thành vào năm 2010. Nhưng chỉ sau một năm sử dụng, tuyến đường trên đã bắt đầu xuống cấp, bong tróc, sụt lún. Đến thời điểm hiện tại, công ty TNHH BOT đường tránh Đồng Hới vẫn đang tiến hành sửa chữa theo kiểu cuốn chiếu.

Cũng không ngoại lệ, các tuyến đường tránh qua TP.Hà Tĩnh, TP.Vinh cũng chung những "bài ca" xuống cấp, sụt lún, bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Việc lưu thông, vận tải qua những tuyến đường này gặp quá nhiều khó khăn và tốn kém từ xăng dầu cho đến hao tổn; chưa nói là những nguy cơ về tai nạn liên tục rình rập.

Trong khi đó, phí bảo trì đường bộ và những thứ phí liên quan liên tục đánh vào người dân nhưng chất lượng đường bộ phục vụ lại hoàn toàn tỉ lệ nghịch, chỉ cần qua con mắt nhãn tiền cũng trông thấy.

Còn về trách nhiệm, cũng cần phải xem lại khi mà Phó giám đốc công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà, ông Tưởng Hùng Vương -đơn vị chủ đầu tư tuyến đường tránh dài 16 km qua TP.Hà Tĩnh- tỏ ra quá vô trách nhiệm khi nói rằng: “Nguyên nhân đường xuống cấp thì tôi chịu, không biết!”.

Với 16 km đường trên tổng vốn gần 460 tỉ đồng nhưng chỉ sau gần 4 năm khai thác đã “nát như tương”. Việc đầu tư để có một chất lượng xây dựng, trách nhiệm quản lý như vậy là không thể chấp nhận được!

Và biết đâu, việc như người dân hay nói là các nhà thầu bây giờ đã tính đến mức xây dựng đểu làm sao chỉ cần hết thời gian bảo hành là công trình xuống cấp rồi để mặc đó, lại đúng thì sao?

Vì vậy, “bài toán kiểm điểm vì sao mà nó hư hỏng đến tàn khốc như vậy, để làm rõ và kiểm điểm nghiêm túc” nhằm rút ra để sau này quản lý tốt hơn mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành giao thông cần được lưu ý triệt để. Và, cái “danh dự của ngành giao thông” còn nợ dài khi bài ca đường tránh xuống cấp trầm trọng vẫn liên tục vang lên! 


Theo Thạch Châu một thế giới

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây