Đau lòng hơn, gã đã vô tình truyền cho vợ trong những ngày còn giang hồ tứ chiếng. Trở về xã hội, mang “thần chết” trong cơ thể, gã không gục gã mà tự mình đứng dậy, vượt qua mặc cảm cũng như sự dày vò bệnh tật, trở thành đội trưởng, thủ lĩnh của đội quân “hoàn lương” ở cửa ngõ giao thương sầm uất bậc nhất miền Tây Hà Tĩnh này.
|
Anh Trần Quốc Chiến trong căn nhà khang trang của mình |
Nhiễm HIV, truyền “thần chết” cho vợ
Gã là Trần Quốc Chiến (SN 1975) trú xóm Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cách đây khoảng 10 năm về trước, nhắc đến Chiến “Tân”, khắp vùng cửa khẩu này ai ai cũng lắc đầu khiếp vía. Khi đó, Trần Quốc Chiến đang là thủ lĩnh của một băng nhóm choai choai, vô công rồi nghề, chuyên tụ tập đàn đúm ăn chơi và gây ra nhiều vụ trấn cướp tai tiếng.
Gã nhớ lại, sinh ra trong nghèo khó, học hành đứt đoạn, lớn lên đúng vào thời kỳ cửa khẩu Cầu Treo bắt đầu mở cửa giao thương phát triển nên gã nhanh chóng sa ngã trước dòng xoáy tiền bạc. Bắt đầu từ việc tụ tập bạn bè, anh em để sớm tối la cà, rượu chè rồi quậy tưng vùng biên. Năm 20 tuổi, Chiến cưới vợ, đó là cô gái làng đẹp nhất, nhì xã Sơn Kim. Mối tình ấy đã đi suốt cuộc đời gã, cứu rỗi gã cả những lúc tuyệt vọng nhất.
Cưới vợ xong, Chiến vẫn làm “thủ lĩnh” của một băng nhóm chuyên quậy phá, trộm cắp và trấn cướp của các xe hàng lưu thông qua cửa khẩu. Gã được đàn em cung phụng như vua, dâng cả ma túy để sử dụng. Lúc bấy giờ, ma túy ở vùng biên này tràn lan, mua dễ như mua rau ở chợ.
Cũng bắt đầu từ đó, Chiến ngày càng lún sâu vào con đường nghiệp ngập, mặc gia đình và vợ con khuyên can. “Ma túy nhiều nhưng nghiện nặng như tôi hồi đó thì hút hít một thời gian cũng khánh kiệt gia sản. Để có tiền thỏa mãn, tôi đã chỉ đạo đàn em dưới trướng tổ chức những cuộc trấn cướp lớn và táo tợn dọc Quốc lộ 8A và khu vực lân cận cửa khẩu. Năm 1998, khi đang thực hiện một vụ cướp với số lượng tài sản chiếm được khá nhiều thì bị Công an bắt và bị kết án tù, đàn em cũng vì thế mà dần tan rã”, Chiến nhớ lại.
Phục thiện, trở thành đội trưởng đội bốc vác
Vào tù, Trần Quốc Chiến ngã quỵ khi biết mình đã bị nhiễm HIV từ khi còn ở ngoài xã hội. Đau đớn hơn, vợ gã cũng đã lây nhiễm căn bệnh này từ chồng. Những ngày trong tù, Chiến suy sụp hoàn toàn, có lúc ngỡ đã “đi” rồi. Nhưng nỗi ân hận giày vò đã níu kéo gã ở lại, quyết tâm cải tạo, quyết tâm sống để trở về chuộc lỗi với vợ con. Bởi vậy, sau khi mãn hạn tù, gã đã tìm đến các chiến sĩ thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo nhờ giúp đỡ. Biết hoàn cảnh của vợ chồng gã, các anh đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ.
Cùng với việc giúp cho thuốc ARV để hai vợ chồng uống đều đặn nhằm ngăn chặn sự phát triển của virut HIV, việc cai nghiện ma túy cho gã cũng là mối quan tâm lớn. Trần Quốc Chiến là con nghiện đầu tiên trên địa bàn được sử dụng bài thuốc cắt cơn ma túy được điều chế công phu từ dân gian, kết hợp Tây y, nên sau 2 năm kiên trì bền bỉ, gã đã nói “không” với “nàng tiên nâu”.
Sau khi cai nghiện thành công, sức khỏe gã nhanh chóng bình phục nên được giao phụ trách đội bốc vác hàng hóa tại cửa khẩu. Đến năm 2000, Chiến được giao làm Đội trưởng đội này, quản lý những thành viên đều là những người tù tội, nghiện ngập nay đang trong quá trình làm lại cuộc đời, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nâng đỡ. Từ bấy đến nay, hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, tích cóp để xây dựng nên một cơ ngơi khá khang trang, ba đứa con của gã đều khôn lớn, học hành giỏi giang.
Trần Quốc Chiến tâm sự, mặc dù cả hai vợ chồng đều mang trong mình căn bệnh HIV, có thể sẽ “đi” bất cứ lúc nào, nhưng nhờ có lối sống nghiêm khắc, uống thuốc đầy đủ nên sức khỏe luôn ổn định. Đặc biệt, chính gã là người đã đưa vợ vào con đường chết nhưng chị nhà chưa một lần than trách hay hờn giận chồng. Ngược lại, lúc khó khăn nhất, chính chị đã ở bên cạnh động viên, an ủi để gã bước qua giông gió phận người.
Kể về công việc thường ngày của mình ở Đội bốc vác tự quản tại khu vực cửa khẩu Cầu Treo, Trần Quốc Chiến tâm sự, đó là một công việc đầy nặng nhọc và lắm cám dỗ, nhưng mọi người đều cần mẫn làm những công việc hằng ngày của mình, từ dọn dẹp bến bãi, khuân vác hàng hóa đến “cõng” hàng thuê cho các chủ xe mà không hề nề hà, kêu ca. Đội bốc vác này được thành lập bởi Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tập trung những mảnh đời đã một thời lầm lỡ. Ngày trước, “nghề” chính của họ là trộm cắp, nghiện ngập, đâm thuê chém mướn, thậm chí mang vác hàng quốc cấm qua bên kia biên giới.
Không chỉ mình Chiến nhiễm HIV, nghiện ma túy mà nhiều thành viên khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Đến nay, đội bốc vác này đã hoạt động quy củ được hơn 10 năm. Từ khi ra đời đến nay, đã có nhiều mảnh đời lầm lạc được cứu giúp, vấn nạn nghiện ngập, trộm cắp, cướp giật ở khu vực cửa khẩu Cầu Treo cũng biến mất. Tình hình an ninh trật tự vùng biên này nhờ thế mà luôn đảm bảo ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương giữa hai đất nước Việt - Lào.
Theo Công an Nghệ An