Đằng sau vụ 4 công an bị dân nhốt

Thứ bảy - 10/06/2017 04:16
Dù dự án Công viên Vĩnh hằng ở Hà Tĩnh mới chỉ triển khai trên giấy nhưng đã bị người dân kịch liệt phản đối. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, Chánh văn phòng UBND huyện nói rằng, cơ bản nhất, “dân không muốn đưa ma nơi khác chôn trên đất xã mình”.
Phản đối từ trong “trứng nước”

Dự án được nói đến là công trình Công viên Vĩnh hằng Bắc Sơn, đã được quy hoạch xây dựng tại Đồng Cù Lao, xã Bắc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh).

Theo tính toán ban đầu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hà Tĩnh thì công viên này quy hoạch theo mô hình khép kín trong 38,68 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 386,8 tỉ đồng.

Địa điểm Đồng Cù Lao, nơi được tỉnh chọn sẽ xây dựng công viên vĩnh hằng đã bị người dân phản đối ngay khi mới có chủ trương. Ảnh: Văn Đức.

Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, chủ yếu xây dựng các hạng mục như hàng rào, bãi đỗ xe, khu nhà tang lễ; giai đoạn 2 từ năm 2015-2018, triển khai các hạng mục còn lại và đưa vào hoạt động.

"Tỉnh có văn bản giao nhiệm vụ lập quy hoạch công tác GPMB gửi huyện Thạch Hà và xã Bắc Sơn và tổ chức thực hiện lập dự án chi tiết để cắm mốc. Tuy nhiên đây chỉ mới là kế hoạch chứ chưa thực hiện" - ông Hồ Huy Thành, GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN&MT) nói.

Tuy nhiên, khi biết được thông tin, hàng trăm người dân thôn Trung Sơn cùng một số thôn khác thuộc xã Bắc Sơn đã kéo lên xã phản đối rất nhiều lần. Thậm chí, nhiều cuộc phản ứng tiêu cực đã gây ra đổ máu.

"Khi tỉnh hay huyện về đối thoại, giải thích rõ ích lợi của việc xây dựng nghĩa trang thì người dân đã vội vàng phản đối. Họ ào lên rồi lấy toàn bộ giấy tờ, sổ sách liên quan xé nát. Công tác tuyên truyền, vận động dường như chẳng tác động tới người dân" - ông Đoàn Tiến Đạt, CVP UBND huyện Thạch Hà cho biết. 

Hình ảnh nhà cửa, tài sản của cán bộ xã Bắc Sơn tan nát khi người dân thôn Trung Sơn quá khích tột độ. Ảnh: Duy Quang.

Việc phản đối của người dân thôn Trung Sơn đã lên tới đỉnh điểm, chiều 10/4, công an thực hiện lệnh bắt Trương Văn Trường (SN 1984), nguyên là trưởng thôn Trung Sơn. Nhiều người dân đã tập trung, không những không cho công an thực thi nhiệm vụ mà người dân còn bắt giữ, đánh đập 4 công an.

Tình thế buộc Công an tỉnh phải điều động hơn 100 chiến sĩ CSCĐ để giải cứu.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, vào tối cùng ngày, hàng trăm người dân lại bị kích động, đập phá tài sản tại trụ sở UBND xã Bắc Sơn, đốt xe, dùng đá ném vào nhà một số cán bộ xã như nhà của chủ tịch, bí thư, cán bộ đoàn, công an xã.

Trong chiều 10/4, đã có hai người dân thôn Trung Sơn bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ “bắt giữ người trái pháp luật và gây gối trật tự công cộng”.

Không muốn “đem ma nơi khác về chôn”

Trước đó, những ý kiến bức xúc của người dân thôn Trung Sơn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trả lời cụ thể.

Theo Sở TN&MT, về ý kiến “dự án không hợp với lòng dân bởi diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn (13,5 ha), dân thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống”, thì có thể lấy quỹ đất chưa giao (133,5 ha) để bồi thường.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Bắc Sơn còn 96,21 ha đất chưa sủ dụng và 26,68 ha đất đồi núi chưa sử dụng có khả năng đưa vào làm nông nghiệp nhằm bù lại phần đất đã chuyển sang quy hoạch công viên.

Cơ quan chức năng xác định, có một số đối tượng đã kích động, o ép người dân tham gia biểu tình, gây rối. Ảnh: Văn Đức.

Thứ hai, người dân lo ngại “cảnh quan môi trường không an tâm; dự án này được thực thi thì một dãy công trình (khu chăn nuôi lợn siêu nạc, trại giam Xuân Hà và công viên Vĩnh hằng) sẽ án ngữ mọi ngả đường nối thông với miền xuôi và TP.Hà Tĩnh”.

Theo trả lời của Sở TN&MT, hiện người dân xã Bắc Sơn đi lại không chỉ mỗi con đường đề cập, và phía tỉnh cũng phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Tỉnh lộ 21 – tuyến số 2, từ đường Hàm Nghi kéo dài đấu nối đến KM 8+600, có đi qua xã Bắc Sơn nên việc đi lại của dân sẽ nhanh, thuận lợi hơn.

Vấn đề tiếp theo người dân có ý kiến, “về tâm linh mồ mả cha ông phải dời dọn, công viên Vĩnh hằng trùm lên nghĩa trang của xã, mai sau người dân Bắc Sơn qua đời phải đi mua đất”.

Vấn đề này, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh nói rằng, khi người dân xã Bắc Sơn qua đời, sẽ không phải mua đất, được chính quyền xã cấp đất an táng theo quy định hiện hành.

Về vấn đề địa giới hành chính giữa hai xã Bắc Sơn và Thạch Lưu 79 ha chưa được giải quyết thì UBND huyện Thạch Hà cho biết, chưa đủ căn cứ pháp lý để xem xét điều chỉnh đường địa giới hành chính.

Và huyện sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo giải quyết khi tỉnh triển khai thực hiện quyết định số 513 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, những nội dung trả lời trên không được người dân chấp thuận. Hai bên, chính quyền và người dân vẫn không tìm được tiếng nói chung, các cuộc họp đều thất bại.

Chúng tôi có hỏi lại ông Đạt, CVP UBND huyện Thạch Hà, “vì sao dự án mới chưa triển khai mà người dân lại bức xúc đến mức quá khích dẫn tới sự việc nghiêm trọng như vậy?”.

Ông Đạt chia sẻ, sở dĩ người dân chống đối một cách cực đoan như vậy là do họ ngộ nhận về quyền sở hữu đất đai, hai là bị một số đối tượng o ép kích động. Và bản chất vẫn là “dân không muốn đem ma nơi khác.
Theo Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây