Nước mía sạch nhưng tay chủ quán bẩn
Dạo qua một vòng các trường THPT ở trung tâm thành phố như trường Marie Curie, trường Lê Quý Đôn, trường chuyên Lê Hồng Phong... dễ dàng nhận thấy ở khu vực trước cổng trường luôn tập trung số lượng lớn những quán nước giải khát và xe trái cây lưu động, thu hút khá nhiều học sinh đến thưởng thức. Tuy nhiên, với tần suất phục vụ khách hàng nhiều lần trong ngày, không ít chủ quán vì vấn đề lợi nhuận đã bỏ qua khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, biến các món uống yêu thích của teen trở thành những mối hiểm họa khôn lường.
Nước mía là một trong những thức uống được ưa chuộng nhất trong mùa nóng vì tác dụng giải khát hiệu quả, cách chế biến nhanh gọn, trực tiếp và giá thành rẻ.
Trên các con đường tập trung các trường Đại học, trường THPT, các quán nước mía “siêu sạch” ngày càng mọc lên rầm rộ, với giá chỉ từ 7- 10 nghìn/cốc. Gọi là “siêu sạch” nhưng trên thực tế, ở phần đông các quán, người chế biến lại làm thủ công từ công đoạn xay nước mía đến cho nước đá vào ly nhựa hoàn toàn đều bằng tay trần. Khâu nhập nguyên phẩm lại còn kinh hoàng hơn, khi hầu hết loại mía được các chủ quán thu mua đều là mía trắng, còn nguyên gốc rễ và bám đầy bụi bẩn. Mía được cạo vỏ qua loa, cột thành từng bó đem đến giao cho các quán, sau đó cũng chỉ được làm sạch bằng cách nhúng vào nước lấy lệ rồi cho vào máy xay phục vụ khách hàng.
Không những thế, để tiết kiệm thời gian, nhiều quán còn xay sẵn nước mía rồi đặt vào bình đá ướp lạnh, dẫu biết rằng sẽ làm giảm đi nhiều chất lượng của thành phẩm, và cứ thế để sang ngày hôm sau bán tiếp nếu còn dư.
Đồ uống vỉa hè được chế biến rất mất về sinh.
Ngọc Anh, sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên kể: “Hôm đó thi thể dục, trời nóng quá nên nhóm phân công mình ra trước cổng trường mua vài ly nước mía. Lúc bán, cô chủ quán chỉ việc đổ bình nước mía xay sẵn vào từng ly, còn mình nghĩ như thế cho tiện lợi. Đến khi đem về, vừa uống được vài ngụm, cả bọn đã nôn thốc vì nước chua lè, lại có mùi thum thủm như nước hoa quả để lâu ngày. Một lần là cạch đến già, may mà buổi thi hôm ấy không ai bị làm sao...”.
Ngay cả những món giải khát tưởng chừng như vô hại như trái cây ướp lạnh thì vấn đề vệ sinh vẫn không bớt phức tạp đi là mấy. Các loại trái cây như mận, xoài, lê, dưa gang,... đang vào mùa nên giá thành khá rẻ, được cắt gọt sẵn và bày bán khá nhiều trên các xe đẩy dọc các con phố. Tuy nhiên, để giữ cho trái cây được tươi lâu, rất ít xe đẩy gọt cẳt sẵn trái cây trước khi đem bán, mà thông thường chỉ mang theo vài thùng nước trên xe, và hàng chục kí trái cây bán ra mỗi ngày chỉ được gọt rửa trong những thùng nước đó một cách sơ sài, đại khái trước khi được cho vào bịch đá và trao tận tay người mua.
Thậm chí, nước dừa - món nước giải khát khoái khẩu và ngỡ như an toàn tuyệt đối thì vẫn có thể là nguy cơ đáng lo ngại. Dừa sau khi gọt vỏ thường có màu vàng xỉn cũ kỹ, trông không đẹp mắt. Để giúp dừa có màu tươi mới, người bán thường nhúng dừa vào một thùng hóa chất tẩy trắng từ 5 – 10 phút, sau đó vớt ra để ráo và mang đi tiêu thụ. Dừa sau khi ngâm hóa chất xong sẽ trở nên trắng mướt hấp dẫn. Lớp xơ xốp của dừa có tác dụng giữ nước rất lâu, và cứ thế hóa chất sẽ từ từ ngấm vào bên trong. Những trái dừa độc hại như thế bán với giá từ 15 đến 20 nghìn và hằng ngày vẫn được người tiêu dùng hồn nhiên mua uống.
Ngoài ra, loại nước đá mà các hàng quán giải khát vỉa hè dùng kèm khi chế biến nước giải khát thường là đá cây – loại đá chỉ để ướp thực phẩm và được khuyên là hạn chế sử dụng trong ăn uống. Việc sử dụng nước đá không đúng nguồn gốc là một trong những nguy cơ dẫn đến bùng phát bệnh tả mỗi dịp hè đến. Một chủ quán nước trước trường ĐH KHXH&NV chỉ cười xởi lởi giải thích: “Nếu dùng đá sạch chuyên để ăn uống thì chi phí cho một ly nước giải khát sẽ cao hơn rất nhiều, nhưng nếu nâng giá thì sợ khách thấy đắt đỏ sẽ lập tức chuyển sang quán khác, nên đành phải dùng đá cây...”.
Những ngày nắng nóng thường khiến người tiêu dùng dễ dãi hơn trong việc lựa chọn các món giải khát cũng như ít lưu tâm đến những vấn đề an toàn thực phẩm. Khiến các bệnh về tiêu hóa tăng mạnh mỗi dịp hè về. Do đó, để tự bảo vệ mình người tiêu dùng nên đề phòng hạn chế những món uống ở nơi bán dạo, vỉa hè, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, đồng thời tránh xa những địa điểm thiếu điều kiện vệ sinh trong ăn uống.
Và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Hiểm họa được báo trước
Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước uống vỉa hè là rất lớn. Nhưng vì khả năng tiến triển thành bệnh nhiều khi lại không diễn ra ngay lập tức nên người dân có tâm lý chủ quan.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 64 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.485 bệnh nhân, trong đó có 15 người đã tử vong. Riêng trong tháng 6, trên cả nước đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 375 người ngộ độc, trong đó có 329 người phải nhập viện. Cũng theo thống kê của Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia, 35%- 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, các loại nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng các loại hóa chất, đường hóa học, phẩm màu độc hại… đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Đây chính là mầm mống của căn bệnh ung thư nếu người dân sử dụng lâu dài.
"Người lớn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đường phố, nhất là ăn uống tại các hàng quán vỉa hè. Trẻ em cần được sử dụng nước lọc tinh khiết khi ở nhà cũng như tới trường học vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn hiện hữu. Uống nước ở các quán vỉa hè có thể gây ngộ độc thực phẩm, dẫn đến tử vong", chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo.
Theo Ngọc Phạm (Người đưa tin)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn