Bé gái 9 tuổi nhà nghèo cận gần 20 đi-ốp viết chữ đẹp

Thứ bảy - 10/06/2017 08:03
Bố mẹ ly dị, cô bé 9 tuổi cận gần 20 đi-ốp Hoàng Yến Nhi đang ở với bà nội trong căn nhà nhỏ hơn 11 mét vuông ở Phúc Xá, Hà Nội.

Cận gần 20 độ, nặng 21 cân

Gặp cô bé Hoàng Yến Nhi khoác ba lô từ phòng học về khu ký túc xá Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, em nở nụ cười tươi rói khoe với bà nội hôm nay được 10 điểm môn chính tả và được cô giáo khen viết chữ đẹp.

Yến Nhi (9 tuổi) với cặp kính dầy gần 20 đi -ốp.

Trên khuôn mặt ngây thơ gầy gò của Nhi là chiếc kính gần 20 đi-ốp em đeo hàng ngày để có thể thấy được đường, chữ viết…Sinh năm 2005, Yến Nhi bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh (hay còn gọi là hỏng đáy mắt). Khi bắt đầu đi học Nhi về kể với bà không thấy chữ viết trên bảng mặc dù ngồi bàn đầu, bà dẫn Nhi đo mắt, cắt kính nhưng một thời gian sau mắt Nhi càng ngày kém dần đi không thấy rõ.

Vì vậy hết lớp 2 Yến Nhi bà nội em – bà Đỗ Thị Thơm (65 tuổi) xin chuyển em từ Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (Phúc Xá, Bà Đình) sang Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội (trường hòa nhập học sinh khiếm thị và sáng mắt) để tiếp tục con đường học. Hiện nay, Nhi đang học lớp 4A2 của trường.

 

 

Nét chữ của Yến Nhi mặc dù em được diện vào học sinh khiếm thị.

Ngày gửi Nhi vào trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được nhà trường hỗ trợ tiền học phí, tiền ở ký túc xá, bà Thơm mừng lắm. Cô Nguyễn Thanh Hương, giữ vai trò quản lý học sinh khiếm thị nhà trường cho biết: “Em Hoàng Yến Nhi được xếp vào học sinh khiếm thị của trường vì mắt em nhìn rất kém. Hiện nay em học chữ sáng bình thường, điều đặc biệt là chữ em rất đẹp. Được biết, hoàn cảnh em rất khó khăn, bố mẹ bỏ nhau em phải ở bà nội nên nhà trường đã tạo điều kiện cho em ăn ở trong khu ký túc xá”.

Từ ngày Nhi đi học xa nhà, bà Thơm nhớ cháu lắm, chẳng yên tâm nên cách 1 -2 ngày bà đi xe buýt từ Long Biên sang bên trường để thăm nom, nhìn mặt cháu rồi mới dám về. Cuối tuần, bà lại lóc cóc đạp xe hơn 6 cây số đèo Nhi về căn nhà 11 mét vuông ở Phúc Xá.

 

Cách 1-2 ngày bà Thơm tranh thủ sau giờ làm thuê đến chăm nom cháu gái ở trường.

Khó khăn là vậy, nhưng mỗi lần nhắc đến Nhi bà vui vẻ tự hào khoe:“Cháu nó viết chữ đẹp lắm cô ạ, 3 năm liền đều đạt học sinh giỏi đấy”.

Đang trò chuyện với chúng tôi, bà Thơm bất giác quay sang nhìn cháu xót xa nói tiếp: “9 tuổi mà Nhi chỉ có 20,21 cân thôi cô ạ, gầy đếm được từng xương sườn một. Mỗi lần thấy cháu cúi đầu, dí sát mắt xuống cuốn vở tập viết, ngồi học chưa đầy 5 -10 phút cháu mỏi mắt lại bỏ kính ra dụi dụi, nước mắt chảy tôi lại thương nghĩ sao số cháu khổ quá!”.

 

 

Nhi ở với bà nội từ khi còn học mẫu giáo, bố mẹ Nhi trước kia làm nghề tự do, bán báo, đánh giày nay đây mai đó chẳng mấy khi về nhà với con cái…Kinh tế không đủ lo cuộc sống hàng ngày, vợ chồng xảy ra xích mích, nợ nần chồng chất. Bố mẹ Nhi ly hôn từ năm 2013 và bỏ mặc Nhi ở với bà nội trong căn nhà nhỏ chật hẹp ở Phúc Xá (Ba Đình)

Cuộc sống khó khăn là vậy, suốt hai năm qua hai bà cháu dựa vào nhau để sống bằng mấy đồng ít ỏi làm thuê giúp việc của bà Thơm.

Gần 70 tuổi làm thuê…nuôi cháu ăn học         

Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Thơm vẫn nai lưng lau dọn nhà cửa thuê hàng ngày để có 1 triệu – 1,5 triệu trang trải chi phí sinh hoạt của hai bà cháu. “Mỗi tháng đóng 850 nghìn đồng tiền ăn cho Nhi ở trường chưa kể tiền sách vở, bút. Chi tiêu dè xẻn, tiết kiệm mới đủ được”, bà Thơm kể.

“Giờ cứ cố đi làm được ngày nào hay ngày ấy, có thế nào ăn vậy, miễn sao Nhi được đi học như bạn bè. Mắt cháu đã như thế rồi, thương nó quá cô ạ!”, nói đến đây bà Thơm thở dài, mắt đượm buồn.

Từ khi Nhi còn nhỏ, bà với bác của Nhi (bác mới mất cách đây vài tháng) dồn tiền cõng em đến hết bệnh viện Việt Xô, BV Mắt Trung ương, BV Mắt quốc tế để cứu đôi mắt sáng. Nhưng tia hy vọng ấy dần tắt khi bác sỹ nói em bị hỏng đáy mắt, không thể mổ được nữa. Từ đó đến nay, chiếc kính dầy cộp gần 20 đi- ôp là “đôi mắt” giúp em vui chơi, học tập, sinh hoạt.

Chiếc kính dầy cộp hàng ngày Yến Nhi phải đeo gần 20 đi ốp.

“Tôi nghe nói mổ laser giúp giảm bớt độ cận đi nhưng tốn nhiều tiền lắm, mấy chục triệu cơ. Số tiền như vậy thì tôi chịu, bó tay rồi, chẳng có đủ tiền mà mổ cho cháu. Mà cháu bị hỏng đáy mắt rồi, không mổ được nữa đâu”, bà Thơm tâm sự nghẹn ngào.

Tranh thủ thời gian buổi chiều hơn 1 tiếng sau giờ làm, bà Thơm đến trường đợi cháu đi học về gặp cho đỡ nhớ rồi lại bắt buýt về nhà. Ở cái tuổi này, bà Thơm chỉ ước nguyện duy nhất là mong cháu gái có được đôi mắt sáng như bình thường, biết chữ để học lấy cái nghề.

Nhiều lúc thấy cháu dụi mắt, chảy nước mắt bà Thơm lại xót xa.

“Sau này tôi già yếu chẳng ai chăm sóc Nhi nữa, mắt nó như vậy tôi chẳng yên tâm được, chỉ lo đời nó khổ khi tôi chết đi. Giờ ngày nào còn khỏe mạnh thì làm thuê để dành dụm cho cháu đi học”, bà Thơm xúc động tâm sự.

theo Đại Lộ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây