Dự thảo Nghị định ghi rõ các hành vi vi phạm pháp luật như: bán sản phẩm bia (bia hơi, bia hộp, bia chai) cho người có biểu hiện say bia, say rượu; bán bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú...
Ông Trần Xuân Nhuệ - Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình, đã có cuộc trao đổi với phóng viên về dự thảo nghị định này.
Ông Trần Xuân Nhuệ - Phó Giám đốc Sở Công thương. |
Dự thảo của Bộ Công thương đề cập tới việc cấm bán bia cho các đối tượng như: người say, phụ nữ đang mang thai hay đang cho con bú. Ông có nhận xét gì về đề xuất trên?
Tôi hoàn toàn tán thành đề xuất trên. Ngoài ra, tôi xin bổ sung rằng Bộ Công thương cũng nên quy định về thời gian bán bia rượu. Không nên để các quán bia hoạt động thâu đêm suốt sáng vì như thế không đảm bảo về mặt an ninh. Chưa kể, khi người ta uống nhiều bia rượu rồi đi lại trên đường rất dễ xảy ra tai nạn.
Với phụ nữ có thai, nếu uống nhiều rượu bia, hay tụ tập với những người thích bia rượu cũng không tốt. Do vậy, nếu chưa có cơ sở để cấm thì cũng nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền để họ không vi phạm các quy định đó.
Theo ông, cơ sở để xác định người say, trẻ em, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú là gì?
Thường thì để xác định nồng độ cồn trong máu xem người ta đã say hay chưa, mới chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông làm được và dựa trên các quy định đã có, họ mới có thể xử phạt các đối tượng có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép.
Còn với lực lượng quản lý thị trường, chúng tôi chỉ mới thông qua công tác tuyên truyền để hạn chế tình trạng bán bia rượu cho người say. Do vậy, dự thảo nghị định của Bộ Công thương tới đây cũng cần nêu rõ ở mức độ nào bị coi là đã say, nếu uống thêm sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thể trạng của người ta.
Nếu không có các quy định cụ thể thì những người bán bia chỉ có thể dựa vào cảm tính để đoán biết xem người kia có thuộc 1 trong 3 đối tượng bị cấm hay không. Tùy thể trạng của mỗi người, nhưng có người uống từ 2 – 3 cốc đã say mềm, chuếnh choáng. Khi đó chủ quán không nên bán thêm bia cho người ta bởi nếu cứ bán cho họ uống đến say, xảy ra hậu quả xấu, chính người bán sẽ phải chịu trách nhiệm.
Với phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, tôi nghĩ muốn xác định chỉ có thể dựa vào cảm quan chứ không thể nào biết chính xác tuyệt đối được. Nói cách khác, phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu, có lẽ chỉ khi vào bệnh viện, bác sĩ mới phát hiện ra. Nhiều người chỉ khi mang thai ở tháng thứ 4, thứ 5 trở đi người khác mới nhìn thấy.
Bằng cảm quan, người bán hàng cũng có thể nhận biết đối tượng trẻ em, nhưng với những cháu ở độ tuổi 17 – 18 tuổi thì cũng khó nhận biết. Vì vậy, cần tăng cường vận động, tuyên truyền để người ta tự giác là chính.
Tương tự, muốn xác định phụ nữ đang cho con bú cũng chỉ có thể dựa vào cảm quan. Nếu họ gọn gàng, khó nhận biết thì đành phải chấp nhận thôi.
“Xác định các đối tượng trên bằng cảm quan và nếu khó nhận biết thì đành phải chấp nhận”. Nói như vậy chẳng phải chính những người làm luật, thực thi pháp luật đang tạo kẽ hở cho người ta vi phạm?
Thế nên các nhà làm luật mới cần phải nghiên cứu thêm, tính toán cho kỹ về việc này. Trước hết, theo tôi nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng kể cả người trung tuổi và người cao tuổi không nên uống nhiều rượu bia.
Cấm bán bia ở vỉa hè vì sẽ gây cản trở giao thông, mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị (Ảnh minh họa).
Vậy ông nghĩ sao về việc cấm bán bia ở vỉa hè?
Đúng là phải có quy hoạch, phải cấm bán bia ở vỉa hè vì kiểu kinh doanh đó không những gây cản trở giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Dù khó thực hiện ngay, nhưng về lâu dài cũng nên đưa việc bán bia vào các quán ở những vị trí cụ thể để dễ kiểm soát, quản lý thay vì các quán cóc tự do mọc lổm nhổm ở vỉa hè.
Ông nhận thấy chúng ta đang gặp khó khăn gì trong việc kiểm soát các quán bia vỉa hè?
Chức năng của lực lượng quản lý thị trường chủ yếu là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý. Việc quản lý các quán bia vỉa hè là nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương.
Sở dĩ các quán bia vỉa hè vẫn tồn tại là do sự lơ là, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Họ chưa làm kiên quyết nên người dân vẫn chưa tuân thủ luật.
Vậy nếu muốn dẹp các quán bia vỉa hè, theo ông phải làm gì?
Các lực lượng chức năng cần thể hiện thái độ kiên quyết, trước hết là tuyên truyền để người dân không vi phạm. Ngoài ra, muốn dẹp các quán bia vỉa hè, chính quyền địa phương các cấp phải tổ chức lực lượng ngăn cản, không cho phép người dân tự do mở quán cóc vỉa hè như thế.
Cần thiết thì phải xử phạt buộc người ta phải chấp hành, đồng thời giao cho người có trách nhiệm quản lý địa bàn thường xuyên theo dõi, giám sát thực tế.
Ông nghĩ sao về quy định dán tem bia?
Đó là quy định đúng đắn nhằm đảm bảo chất lượng bia. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, nhiều doanh nghiệp than rằng nếu dán tem như thế chi phí sẽ rất lớn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Nếu chi phí quá lớn, các doanh nghiệp có thể hạch toán vào chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Khi đó, người tiêu dùng có thể sẽ hạn chế sử dụng bia cũng là tốt.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn