Nguy hiểm hơn, đối tượng cướp giật tại TP.HCM không chỉ ẩn nấp, chờ đợi, mà sẵn sàng giết người để cướp tài sản tại những cung đường vắng, cũng như ngang nhiên cướp giật tài sản trên những tuyến đường đông người. Với phương châm "vắng cướp, đông giật", tội phạm cướp giật tại TP.HCM đã khiến không ít người mất của, thậm chí là mất mạng...
Cận cảnh những cung đường cướp giật
Từ lâu, tình trạng cướp giật đường phố đã trở thành vấn nạn nhức nhối đối với người dân TP.HCM. Các đối tượng "ăn hàng" đơn lẻ và những băng nhóm cướp giật có tổ chức bất chấp khu vực trung tâm hay ngoại thành, có cơ hội là chúng ra tay. Đáng sợ hơn, những đối tượng này ngày càng trở nên lộng hành, manh động. Nếu như các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều khách du lịch trở thành "thiên đường" của nạn cướp giật thì những cung đường vắng như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh,... lại là điểm đến của những tên có máu cướp đêm. Theo phản ánh của người dân, khi lưu thông qua những cung đường vắng vào các thời điểm đêm khuya, rạng sáng hết sức nguy hiểm. Nơi đây từng được cảnh báo như những tuyến "ăn hàng" thường xuyên của kẻ cướp. Cụ thể, tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn thuộc phường An Lạc (Q.Bình Tân) từng được xem như địa bàn nóng về nạn trộm, cướp. Có thời điểm, để hạn chế tình trạng trên, cơ quan chức năng phải đặt biển cảnh báo: "Đường tối vắng, chú ý nguy hiểm" và lưu ý người dân hạn chế lưu thông trên tuyến đường này vào đêm khuya.
Ghi nhận thực tế, dọc hai bên đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh đều còn nhiều khu đất trống, công trường thi công dang dở,... Những địa điểm trên vô tình trở thành "thánh địa" của các đối tượng lang thang, trộm cướp, ma túy, thậm chí thành nơi ẩn nấp của các tay cướp đêm. Đặc biệt trên những cung đường này có rất nhiều cầu vượt với hệ thống gầm cầu có diện tích lớn, nơi tập trung của con nghiện, thành phần bất hảo. ông Bùi Mạnh Tâm (51 tuổi, ngụ P.An Lạc) cho biết: "Vào ban đêm, đoạn này rất vắng, trước đây từng xảy ra nhiều vụ cướp, thậm chí có người bị cướp giết luôn. Vì đường rộng, thẳng, lại nhiều chỗ vắng, trống nên bọn trộm cướp dễ dàng ẩn nấp, ra tay rồi tẩu thoát. Hai, ba năm trước, đường này từng trở thành điểm nóng về nạn cướp đêm, bây giờ công an làm mạnh tay nên giảm nhiều rồi".
Ghi nhận thông tin trên, Trung tá Huỳnh Văn Phượng, Trưởng Công an P. An Lạc cho biết: "Trước đây đúng là đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn chạy qua phường có xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn. Các vụ việc thường xảy ra vào thời điểm sự cố mất điện. Do trời tối, đường vắng, dễ tẩu thoát nên các đối tượng tội phạm thường xuyên tụ tập săn hàng. Tôi nhớ trong đó có một vụ nạn nhân bị giết trên đường ngay sau khi bị cướp. Thông thường, thủ đoạn của bọn tội phạm này là theo dõi con mồi. Đến những đoạn đường tối, vắng, chúng ép xe nạn nhân vào lề, dùng hung khí cưỡng ép cướp tài sản. Nếu gặp phản ứng, chúng có thể hạ sát để trốn chạy. Do đường lớn, nhiều khu vực đất trống, cơ sở xây dựng dang dở,... nên tội phạm rất dễ tẩu thoát". Một trong những nguyên nhân biến tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và những tuyến đường vành đai vùng ven TP.HCM trở thành điểm nóng trong mắt người dân, là do có sự tồn tại của nhiều bến xe. Mặc dù, cơ quan Công an P. An Lạc cho biết đã chuyển hóa thành công bến xe trên. Tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng, đây là nơi tìm đến của các con nghiện, thành phần bất hảo.
Đại lộ Võ Văn Kiệt được xem là một “điểm nóng” về nạn cướp giật.
Những con nghiện lang bạt thành...kẻ cướp
Theo đại diện Công an Q.Bình Tân, nếu như trên những cung đường vắng, tội phạm thực hiện các vụ cướp manh động, thì ngay tại các trục đường chính đông đúc, chúng sẵn sàng giật đồ một cách táo tợn. Ghi nhận từ Công an Q. Bình Tân chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn đã xảy ra 334 vụ cướp, cướp giật, trong đó xảy ra 50 vụ cướp giật, tăng hai vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý hơn, chỉ tính riêng P.An Lạc đã xảy ra 29 vụ, trong đó có bốn vụ cướp giật. Những số liệu trên cho thấy, tình trạng cướp giật trên địa bàn vẫn hết sức phức tạp.
Lý giải vấn nạn trên, Trung tá Phượng cho rằng phần lớn các đối tượng tham gia cướp giật đều là người nghiện ma túy, đối tượng có tiền án tiền sự. Các đối tượng nghiện đa phần không nhà không cửa. Họ đi lang bạt hết địa phương này đến địa phương khác. Gặp cơn thèm thuốc, các đối tượng này chọn cách cướp giật để có tiền thỏa mãn cơn đói thuốc. Bà Đặng Thị Hồng (53 tuổi, ngụ P.An Lạc, Q. Bình Tân) cho biết, phường có hai địa điểm trở thành "thánh địa" cho các đối tượng cướp giật, móc túi là công viên Phú Lâm và bến xe Miền Tây. Công viên Phú Lâm là điểm đen khó giải quyết, vì thuộc sự quản lý của Q.6 và Q. Bình Tân, nên lực lượng đôi bên không theo sát.
Theo Trung tá Phượng, trên đường lang bạt của mình, con nghiện thường có xu hướng "tấp vào" hai địa điểm là những khu vực trống như công viên, hoặc nơi đông đúc, lộn xộn như bến xe, chợ, trung tâm thương mại,... Tại các địa điểm như trên, con nghiện, đối tượng chuyên cướp giật dễ dàng ẩn mình ở công viên, hoặc trà trộn ở các khu vực đông đúc để tìm sơ hở rồi ra tay cướp. Trên các tuyến đường, chúng có thể đi theo cặp, theo nhóm hoặc hoạt động đơn lẻ. Tuy nhiên, khi ra tay thường rất nhanh vì đã theo dõi kỹ và nghiên cứu các đường thoát thân khi bị truy đuổi.
Rong ruổi trên tuyến đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân, Q.6), Cộng Hòa (Q. Tân Bình), Quang Trung (Q. Gò Vấp) chúng tôi phần nào hình dùng được lý do các đối tượng cướp giật thường xuyên chọn lựa. Ngoài là một tuyến đường lớn, đông đúc người tham gia giao thông, đa số những tuyến đường này thường nối liền các tụ điểm ưa thích của bọn tội phạm cướp giật. Như tuyến Kinh Dương Vương nối liền bến xe Miền Tây từng nổi tiếng nhức nhối một thời với khu vực bệnh viện Triều An, công viên Phú Lâm, chợ An Lạc, bến xe Chợ Lớn,... tất cả đều là thiên đường cho cướp giật rình rập, theo dõi con mồi.
Theo đội xe ôm tự quản tại bến xe, các đối tượng trên thường chú ý những hành khách từ quê lên còn bỡ ngỡ, hớ hênh. Lợi dụng chỗ đông người, bọn cướp giật, móc túi, nhanh chóng trà trộn ra tay rồi biến mất trong biển người. Trong những trường hợp như vậy, nạn nhân thường không kịp định thần, và hầu như không đến cơ quan chức năng trình báo.
Nỗi đau mất mạng vì cướp giật đường phố Vào 22h đêm 24/8, chị Võ Thị Ngọc Liên (29 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM, nhân viên thu ngân một quán bar ở quận 1) điều khiển xe gắn máy đi làm. Khi đến giao lộ Tân Khai - Hương lộ 2 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), chị Liên bị hai thanh niên đi trên xe gắn máy ép sát, giật chiếc ba lô đang đeo. Tuy không cướp được tài sản, nhưng hành động của chúng đã khiến nạn nhân ngã xuống đường. Chưa kịp đứng lên, chị Liên bị chiếc taxi 7 chỗ từ phía sau chạy đến đâm trực diện bất tỉnh tại chỗ. Tài xế taxi sau đó phóng đi, bỏ mặc nạn nhân giữa đường. Qua điều tra, đến ngày 28/8/2014, Công an quận Bình Tân đã bắt giữ băng cướp gây nên cái chết của chị Liên. Băng cướp này gồm Danh Lâm (24 tuổi), Trương Tấn Thọ (21 tuổi, cùng ngụ quận Bình Tân), Sơn Ngọc Hậu (19 tuổi) và Dương Phú Lợi (27 tuổi, cùng ở tỉnh Bạc Liêu). Sau khi bị bắt, băng này khai tất cả đều nghiện hút, đã gây ra nhiều vụ cướp giật ở các quận, huyện tại TP.HCM. Khoảng 11h ngày 14/4/2013, khi đang lưu thông trên Quốc lộ 22, ông Trần Văn Thanh và bà Nguyễn Thị Phấn bị một nhóm cướp áp sát và giật túi xách. Hậu quả của cú giật mạnh khiến hai người này bị chấn thương nặng và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, bà Phấn đã tử vong và ông Thanh bị thương tật nặng. Vụ án đến nay nhắc lại vẫn khiến người dân hoang mang. Hay vụ án xảy ra vào 17/9/2012 trên đường Cộng Hoà (Q. Tân Bình, TP.HCM) đã gây ra cái chết thương tâm của một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và làm một chiến sỹ công an bị thương, gây phẫn nộ người dân cả nước vào thời điểm đó. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn