Mập mờ việc phân luồng, tuyến

Đại diện bến xe tư nhân, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - cho biết đã bỏ ra hơn 80 tỉ đồng để đầu tư xây dựng bến xe Nước Ngầm, nhưng không biết lúc nào mới thu hồi được vốn. Cũng theo ông Lập, bến xe Nước Ngầm thành lập từ năm 2005, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ bến xe này có chuyện quá tải. “Chúng tôi chỉ luôn đạt từ 1/2 - 1/3 công suất so với thực tế”, ông Lập nói.

Theo ông Lập, Tổng cục Đường bộ thực hiện cắt tuyến từ xe Hà Tĩnh, Nghệ An đang chạy từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà Sở GTVT lại điều chuyển các xe chạy tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình, trong khi đó chưa hề công bố tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An ở bến xe Mỹ Đình. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.

Thừa nhận việc phân luồng, tuyến hiện nay là chưa có quy hoạch, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - thẳng thắn nhận lỗi do không tham mưu cho thành phố. Đi thẳng vào vấn đề việc định hướng luồng tuyến gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông Linh cho rằng quy hoạch luồng tuyến ở HN còn khó khăn vì quỹ đất cho bến xe còn ít nên quy hoạch bến bãi đang được thực hiện đều bị thay đổi vì nhiều lý do.

Còn theo ông Trần Minh Thành - Tổng Giám đốc Cty cổ phần bến xe Nghệ An - cho rằng hiện các bến xe tư nhân đang gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra. Đầu vào tức là một xe muốn được khai thác tuyến, được vào bến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Tức là bến xe không có quyền đưa xe về bến hoạt động, đồng nghĩa với việc không thể tự tạo cơ chế thu hút hay cạnh tranh mà vẫn phải lệ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước.

Đầu ra là giá dịch vụ. Đúng ra các đơn vị kinh doanh dịch vụ được tự xây dựng giá, rồi niêm yết công khai, có báo cáo với Sở Tài Chính, Sở GTVT, Cục Thuế… địa phương nơi đóng địa bàn là có thể đưa ra mức giá phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp. Thế nhưng, hiện các bến xe lại không được phép làm điều này, bởi vướng quy định trong luật Giao thông đường bộ, cụ thể: giá dịch vụ do UBND tỉnh quyết định. Như vậy tức là không cho nhà đầu tư chủ động quyền đưa ra giá dịch vụ phù hợp với cơ sở hạ tầng họ đã đầu tư, địa bàn đã đầu tư thì thực sự khó với nhà đầu.

“Rất dễ tạo cơ chế xin cho, chạy đi chạy lại”

Từ việc phân luồng, tuyến đang xảy ra cạnh tranh không lành mạnh từ các bến xe, Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng: Đây là vấn đề bất cập nhất của cơ quan quản lý tuyến. Nếu có quy hoạch luồng tuyến, trên cơ sở kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch mạng lưới tuyến, mới thu hút được các nhà đầu tư. Điều quan trọng là quy hoạch mạng lưới bến xe, mạng lưới tuyến. Cùng với đó là cơ chế chính sách hợp lý thì việc xã hội hóa mới đạt được mục tiêu. Thiếu những quy hoạch trên là rào cản lớn. “Đây là việc nằm trong thẩm quyền, hoàn toàn có thể làm được, tránh để dư luận nghi kỵ. Khi quy hoạch được hoàn thành sẽ công khai, thậm chí đấu thầu luồng tuyến chứ không phải cấp phép, cho chạy thử như hiện nay. Có như thế, mới giải quyết được vấn đề và cần làm sớm trong thời gian tới”, Thứ trưởng Thọ nói.

Đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - thẳng thắn nói rằng Quy hoạch bến xe hay luồng tuyến phải rất cụ thể, không thể là định hướng. Càng cụ thể, minh bạch càng tạo điều kiện thuận lợi cho bến xe xã hội hoá.