Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Thứ sáu - 09/06/2017 22:01
Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên tiếp tục lên * Mưa, lũ gây thiệt hại nặng tại các tỉnh Tây Nguyên Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, trong hai ngày qua (tính đến 19 giờ ngày 18-9) ở tỉnh Hà Tĩnh, khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 150 đến 300 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 416 mm; Nam Ðông (Thừa Thiên - Huế) 387 mm; TP Ðà Nẵng 340 mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 392 mm; Ea Hleo (Ðác Lắc) 357 mm... Ở đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 5, giật cấp 7; đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; đảo Phú Quý gió mạnh cấp 7, giật cấp 8...

Tối qua, sau khi đi vào khu vực biển Trung Trung Bộ, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

 

Ngư dân làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đưa ghe thúng lên bờ phòng tránh bão số 8.

Hồi 22 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ vĩ bắc; 108,6 độ kinh đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Ðến 10 giờ ngày 19-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,1 độ vĩ bắc; 107,2 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

 Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Ðà Nẵng gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; cần đề phòng nước biển dâng từ 1,5 đến 2m. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Ðịnh và bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to; riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai có mưa to đến rất to.

 Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động.  

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục lên, các sông ở Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên xuống chậm và có khả năng lên lại. Sáng nay, mực nước trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức báo động (BÐ) 2 đến BÐ3, các sông ở Thừa Thiên - Huế dao động ở mức BÐ1-BÐ2.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam còn tiếp tục lên và ở mức cao, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên lại. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.

Ngày 18-9, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 67/CÐ-TW, điện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Ðác Lắc, Ðác Nông, Lâm Ðồng, Gia Lai; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thực hiện nghiêm túc các Công điện 65/CÐ-TW và 66/CÐ-TW.

Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động. Tăng cường công tác tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thông báo cho các chủ công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, chủ các phương tiện vận tải thủy, chủ các khu vực khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Tổ chức lực lượng ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB T.Ư, tính đến 6 giờ ngày 18-9, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng tiếp tục thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 43.184 phương tiện, lồng bè với 188.450 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Tại Bắc Cạn, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến quốc lộ 3 chạy qua địa phận huyện Chợ Mới có hơn chục điểm sạt lở. Tuyến tỉnh lộ 257 từ thị xã Bắc Cạn đi Chợ Ðồn cũng có gần 20 điểm sạt lở. Ðiểm sạt lở tại km 18 + 800, thuộc địa phận thôn Nà Coọng, xã Dương Phong (huyện Bạch Thông) đã gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Công ty Quản lý đường bộ Bắc Cạn đã tập trung khắc phục nhưng tiến độ còn chậm.

Tại Ðà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB, dân quân tự vệ đang khẩn trương giúp đỡ ngư dân neo đậu, chằng, chống tàu thuyền để bảo đảm an toàn. Sở Công thương chuẩn bị hàng hóa dự trữ, ứng phó kịp thời, linh hoạt tình trạng lũ ngập sâu nhiều ngày phải cứu trợ.

Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến đường lên bốn xã vùng biên Tây Giang, gồm Gary, Tr’hy, Ch’ơm và Axan tạm thời bị cô lập do bị sạt lở nhiều điểm. Tại huyện Nam Giang, nước lũ đã cuốn trôi anh Alăng Mốp (20 tuổi) vào khoảng 8 giờ sáng ngày 17-9 khi đang băng qua sông Thanh. Chính quyền địa phương đã tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy nạn nhân. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 8, tỉnh tổ chức họp khẩn để triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 8. Sở Giáo dục và Ðào tạo thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 18-9. Tỉnh khuyến cáo người dân nhanh chóng thu hoạch 2.274 ha lúa hè thu còn lại đề phòng lũ lụt. Sở Công thương dự trữ những mặt hàng thiết yếu để cung ứng cho nhân dân.

Tại Quảng Ngãi, mưa to đã gây sạt lở nhiều tuyến đường. Tại dốc Ông Phó (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây) thuộc tỉnh lộ 623 đã xảy ra hai điểm sạt lở. Tuyến đường Ðông Trường Sơn đang thi công đoạn từ Sơn Dung qua Sơn Long cũng đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Hiện trên địa bàn huyện có bảy điểm dân cư có nguy cơ bị sạt lở núi và lũ quét gồm 108 hộ với 414 nhân khẩu. Tại xã Trà Xinh, huyện Tây Trà cũng có hai điểm bị sạt lở, đường lầy lội, đi lại rất khó khăn. Tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống bão; sử dụng các phương tiện thông tin phối hợp với các địa phương, gia đình giữ vững liên lạc với tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển (nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa), hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn. Ðồng thời hướng dẫn người dân neo, chằng, chống nhà và lên phương án di dời các hộ ở các vùng xung yếu.

Tại Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường TP Ðông Hà như: Hàm Nghi, Hùng Vương, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi. Tại xã Triệu Lăng và Triệu Vân, mưa lớn đã làm vỡ đê phân thủy gây ngập lụt 200 nhà dân, trường học THCS, trạm y tế. Tại huyện Vĩnh Linh, ngày 18-9, một cơn lốc xoáy có sức gió mạnh đi qua địa bàn thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái làm tốc mái 18 nhà dân, trong đó có bảy nhà bị hư hỏng nặng, rất may không có thiệt hại về người. Tại thôn Phú Tài, xã Triệu Ðại và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, lốc xoáy cũng làm 14 nhà dân bị hư hỏng, trong đó có bốn nhà bị tốc mái hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt cứu trợ, giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng Biên phòng tỉnh đang phối hợp với người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà huy động nhân lực làm 150m kè chống sạt lở tại đoạn xung yếu nhất bờ biển. Vùng thấp trũng huyện Quảng Ðiền dự trữ đủ 30 tấn gạo, 10 nghìn gói mì ăn liền, 1.000 lít xăng, dầu, 10 nghìn bao tải đựng đất, 100 rọ thép để ứng phó kịp thời khi có lụt bão xảy ra. Tỉnh di dời khẩn cấp 51 hộ dân xóm Ghềnh - Cồn Ðâu (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) vào nơi tránh trú bão an toàn.

Tại Bình Ðịnh, đến sáng 18-9, toàn tỉnh có 7.351 tàu với 42.301 người đánh bắt trên các ngư trường. Trong đó, 4.605 tàu với 22.045 người đã neo đậu, hoạt động ven bờ. Tất cả tàu cá đang hoạt động trên biển đều đã nhận được tin về cơn bão số 8 và chủ động di chuyển ra khỏi vị trí nguy hiểm và thường xuyên giữ liên lạc với các đài thông tin và gia đình. Ngoài ra, nông dân các địa phương đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ thu và lúa vụ 3 để tránh bão.

 Tại huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Ðặc biệt, tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr mực nước suối dâng cao, gần 200 hộ dân ở vùng trũng tại các thôn Ðoàn Kết, Yên Hưng, Yên Bình... bị ngập lụt, trong đó có nhiều nhà bị hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông nội thôn bị tắc nghẽn. Huyện đã huy động các lực lượng chức năng về các địa phương giúp đỡ người dân sửa chữa lại nhà cửa, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để ứng phó kịp thời. Tại Kon Tum, bão số 8 đã gây ảnh hưởng đến các huyện: Kon Plông, Sa Thầy, Kon Rẫy, Ðăk Tô. Tại huyện Kon Rẫy, bão gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng; Tỉnh lộ 677, kênh thủy lợi bị hư hại, sạt lở; Trường mầm non ở làng Kon Nhênh xã Ðác Ruồng bị sập mái. Huyện Ðác Tô phải di dời khẩn cấp 15 hộ dân ở xã Ðăk Rơ Nga lên vùng cao tránh bão; đập Ya Ve ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy bị xói lở. Tỉnh đã thành lập ba đoàn công tác đặc biệt để kiểm tra tất cả các công trình trọng điểm. Ðồng thời huy động mọi lực lượng để di dời khẩn cấp 217 hộ dân trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Ðăk Ðrinh về khu tái định cư mới. Tại Ðác Lắc, mực nước các sông trong tỉnh đang lên và xuất hiện lũ. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện mực nước đã qua tràn. Tại các huyện Ea H’Leo, Krông Buk và Ea Súp, mưa lũ đã gây ngập trên diện rộng, cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu. Thiệt hại nặng nhất là ở thị trấn Ea Drăn, mưa lũ đã cuối trôi sáu ngôi nhà, sập ba nhà và 57 nhà ngập úng. Xã Ea Khal có bốn nhà dân bị cuốn trôi; cầu sắt Ea Wy đi qua Cư A Mung và cầu Bình Sơn đi qua thôn 1A (xã Ea Wy) bị cuốn trôi. Tại huyện Ea Súp, có 50 người dân (38 người xã Cư Kbang và 12 người xã Ea Rốc) đi làm rẫy do nước suối lên nhanh không kịp về đã bị cô lập. Ban chỉ huy PCLB và Giảm nhẹ thiên tai huyện Ea Súp đã tổ chức lực lượng ứng cứu và đưa về nơi an toàn 37 người, hiện còn 13 người chưa tiếp cận được.

Theo Trạm Thú y huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, nửa đầu tháng 9 năm nay, đã có hàng chục con gia súc bị chết rải rác tại các xã: Sơn Lập, Sơn Lộ, Thượng Hà và trung tâm huyện Bảo Lạc. Trạm Thú y huyện đã tăng cường công tác kiểm dịch tại chợ trâu bò thị trấn, cử cán bộ xuống xác minh vùng dịch, phun thuốc khử trùng, hướng dẫn bà con khoanh vùng dập dịch.

Chiều 18-9, Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC)  triển khai khẩn cấp phương án phòng, chống cơn bão số 8, chuẩn bị đủ phương tiện, nhiên liệu, lương thực, thuốc men..., tổ chức trực 24/24 giờ đến khi bão tan. EVNCPC tập trung cao độ chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai phương án phòng, chống lụt, bão để đối phó, xử lý kịp thời các tình huống,  bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân; bảo đảm điện phục vụ bơm tiêu úng. Công ty Lưới điện cao thế miền trung và các đơn vị liên kết là các công ty cổ phần thủy điện đang tích cực kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn để vận hành hồ chứa theo quy trình. Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện đang tăng cường kiểm tra nhằm sớm phát hiện khu vực ngập úng, sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột điện, trạm biến áp để có phương án xử lý kịp thời.

Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó cơn bão số 8 tại các vị trí trạm biến áp, đường dây 220 kV, 500 kV quan trọng trên địa bàn các tỉnh bắc miền trung và một phần Tây Nguyên. Trước thời điểm bão số 8 đổ bộ, PTC2 đã hoàn thành sửa chữa, duy tu hệ thống lưới điện. Hiện, các đội quản lý đường dây đang tích cực kiểm tra tuyến, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; hoàn thành nạo vét mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, gia cố đường công vụ... Tại các trạm biến áp, các đơn vị đã khẩn trương che chắn tủ, bảng điều khiển, chèn mái....

Học sinh Ðà Nẵng nghỉ học tránh bão

Ngày 18-9, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Ðà Nẵng Lê Trung Chinh ký công văn khẩn gửi Phòng Giáo dục các quận, huyện về việc chuẩn bị phòng, chống bão số 8. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh này chỉ đạo cho toàn bộ học sinh 12 trường trên địa bàn huyện Hòa Vang nghỉ học ngay từ trưa 18-9. Ðây là huyện có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày

19-9, học sinh toàn TP Ðà Nẵng sẽ được nghỉ học để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, tất cả các trường học lên phương án chằng, chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho và các công trình xây dựng khác; bảo vệ cơ sở vật chất, di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; đề phòng chập mạch điện, bảo đảm an toàn về điện...

Theo Nhân Dân

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây