35 quy định quản lý, hàng giả hàng nhái vẫn "làm loạn"

Thứ bảy - 10/06/2017 09:52
"Cứ sản phẩm nào mới ra mắt, tạo dựng được 1 chút thương hiệu là chỉ 1, 2 tháng sau đã có hàng nhái tràn lan khắp thị trường".
Đó là phát biểu của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP)  trong hội thảo cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái khi đến tết Nguyên Đán ngày 23/12.


Sản xuất hàng giả, nhái đã thành ngành công nghiêp

Theo ông Bảo, nếu như trong những năm 80 của thế kỷ XX, buôn bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ phẩm như nước hoa, hàng da, đồng hồ… và phần lớn dành cho khách du lịch thì từ đầu thập niên 90 đến nay, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm.

"Sản xuất hàng giả, hàng nhái đã trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn và diễn biến hết sức phức tạp" - ông Bảo nhận định.

Theo thông tin từ Tổ chức Hải quan thế giới, Tổng giao dịch hàng hóa trên thị trường thế giới năm 2010 (giá trị hàng hóa lưu chuyển hai chiều) đạt 37.000 tỷ USD, nhưng trong đó có tới 2.000 tỷ USD là giá trị làm giả. Tính trung bình, cứ 10 sản phẩm thì có 1 sản phẩm bị làm giả. Hàng năm, nước Mỹ thiệt hại 250 tỷ USD và Đức mất 70.000 việc làm cũng vì tệ nạn nói trên.

Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng đang có chiều hướng gia tăng khá nghiêm trọng, đặc biệt là vào thời gian trước, trong và sau tết Nguyên Đán. Trong đó, mặt hàng được làm giả nhiều nhất chính là mỹ phẩm, sau đó là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, nước giải khát….

Vị Chủ tịch VATAP nói: “Cứ sản phẩm nào mới ra mắt, tạo dựng được 1 chút thương hiệu là chỉ 1, 2 tháng sau đã có hàng nhái tràn lan khắp thị trường. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của nhà sản xuất cũng như quyền lợi của người tiêu dùng”.

Về thông tin tỷ lệ rượu giả, rượu nhái trên thị trường những năm trước lên tới 40 – 50%, ông Bảo cho biết, nói như thế là không đúng bản chất của sự việc.

Theo ông Bảo: “Chính chúng tôi là đơn vị chuyên môn nhiều lúc còn nhầm lẫn, bởi vì ở thời đó, những loại rượu nào Nhà nước yêu cầu dán tem mà không có tem theo quy định thì đều bị liệt vào hàng giả. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài về không nộp thuế, sau đó đem bán ra thị trường. Đây không phải là hàng giả mà là hàng gian lận thuế. Do đó, cũng cần phải được giải quyết triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính”.

Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh minh họa)

Ông Đỗ Hồng Hải, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết thêm, chỉ trong năm 2012, trên cả nước đã thu giữ, tiêu hủy 59.671 chai rượu, 378.087 sản phẩm bia, nước giải khát các loại. Trong năm 2013, số lượng bia rượu giả, nhập lậu bị thu giữ ít hơn, nhưng số vụ bị bắt lại nhiều hơn và có tính chất nghiêm trọng hơn.

35 quy định về hàng giả vẫn loạn

Theo ông Lê Thế Bảo, vấn nạn hàng giả, hàng nhái  tại Việt Nam đang diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực sản xuất, ngành hàng, cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp để kiểm tra, xử phạt nhưng tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ chính hệ thống luật pháp, quản lý của các bộ ngành, thái độ của các doanh nghiệp cũng như ý thức của người dân.

“Nếu tôi nhớ không nhầm, thì chúng ta có tới 35 quy định về quản lý hàng giả, hàng nhái. Nhiều như thế nhưng mà vẫn loạn. Chẳng hạn, theo quy định, Bộ Y tế sẽ quản lý về sản phẩm nước đóng chai, trong khi Bộ Công thương sẽ quản lý về mặt hàng nước giải khát. Về bản chất, 2 loại này là 1, nhưng mỗi Bộ lại có những quy định quản lý khác nhau, trách nhiệm cuối cùng chẳng biết ai phải lãnh”.

Bên cạnh đó, do mức thu nhập người dân còn thấp, trong khi nhu cầu mua sắm, làm đẹp, sử dụng những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thì lại không hề nhỏ nên dẫn đến tình trạng dùng hàng nhái, hàng giả.

"Tiền không đủ, tất yếu sẽ dẫn tới việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tăng cao. Chúng ta kêu gọi người dân không tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, nhưng cũng phải làm sao để tăng mức thu nhập của người dân, đồng thời giảm giá thành sản phẩm, có như thế mới giải quyết được vấn đề” - ông Bảo có ý kiến.

Trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu lớn cũng vô cùng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập hẳn bộ phận chuyên trách theo dõi hàng giả, hàng nhái, thậm chí còn tổ chức phối hợp với lực lượng thực thi ở nước ngoài để triệt phá các ổ nhóm làm hàng lậu, hàng giả.

Theo ông Đỗ Hồng Hải, hiện nay, một hướng làm mới đang được một số doanh nghiệp triển khai, đó là việc đầu tư xây dựng và tuyển chọn hệ thống cửa hàng đại lý chính thức của mình. Khi tham gia, những cửa hàng này phải ký cam kết chỉ nhập và buôn bán những sản phẩm chính hãng, không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, tuân thủ các quy định pháp luật về trưng bày, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu kho để đả bảo chất lượng sản phẩm được tốt nhất….

"Chính vì thế, để mua những sản phẩm chính hãng, khách hàng nên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng này để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình" - ông Hải gợi ý.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp đối với công việc này.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 389/ QĐ- TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố Ban chỉ đạo 127. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban chỉ đạo 389 đã tích cực truy quyét, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Thiện An Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây