Sau 200 năm, khán giả vẫn rơi lệ khi xem một nàng Kiều trên sân khấu cải lương

Thứ năm - 25/11/2021 14:09
Số phận truân chuyên của nàng Kiều một lần nữa được tái hiện trên sân khấu cải lương. Sau 200 năm, người đời vẫn khóc thương cho số phận của một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng xã hội phong kiến vùi dập, đọa đầy.
Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở "Nguyễn cầm ca-Kiều", do nhà văn Nguyễn Hiếu cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn.

Không đi hết diễn tiến của câu chuyện, "Nguyễn cầm ca-Kiều" tập trung vào phân đoạn là Kiều-Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều-Thúc Sinh và Kiều-Từ Hải.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã mang tới một tư duy cũng như dàn dựng hiện đại. Thiết kế sân khấu chủ yếu dựa vào hình ảnh 4 cây đàn với tạo hình tượng trưng cho những chi tiết đẹp nhất trên cơ thể của người phụ nữ, để tạo nên những khoảng không gian khác nhau trong từng phân cảnh.
 
22021112509
Hoạn Thư không đánh ghen ầm ĩ mà vẫn khiến Kiều phải tự rút lui

Đặc biệt, ở vở diễn này, đạo diễn khai thác sâu vào cái tứ tiếng đàn trong Truyện Kiều. Cuộc đời truân chuyên của Kiều được thể hiện qua mỗi lần tiếng đàn của Kiều cất lên. Tiếng đàn của Kiều khi bên Kim Trọng thì vô cùng trong sáng, bên Thúc Sinh thì bức bối nhầy nhụa, bên Hồ Tôn Hiến thì day dứt… Tiếng đàn của Kiều đã đánh thức Từ Hải đang chết đứng để ôm ấp, che chở thương xót cho sự nông nổi của Kiều.

Có lẽ, Hoàng Quỳnh Mai muốn vở diễn khép lại với một cái kết nhân hậu hơn so với nguyên tác, một xử lý khá táo bạo khi tiếng đàn của nàng Kiều đã khiến Từ Hải không còn chết đứng mà từ từ ngồi xuống, ôm lấy nàng Kiều.
 
22021112509a
Vai diễn Tú Bà gây ấn tượng với khán giả bởi lối diễn xuất tự nhiên

Chia sẻ về xử lý sân khấu này, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, quê gốc của chị ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là quê hương của cụ Nguyễn Du. Ngay từ nhỏ những câu thơ Kiều và câu chuyện trầm luân của nàng Kiều đã thấm sâu vào kí ức của chị. Ngay từ khi biết cảm nhận Truyện Kiều cho tới sau này khi theo con đường nghệ thuật, chị cũng vẫn luôn khao khát làm sao để Từ Hải phải sống, mong muốn có một cái kết có hậu cho cái đẹp và cái thiện. Nếu như Từ Hải không chết thì nàng Kiều sẽ được nâng niu, ôm ấp cả cuộc đời, không còn hồng nhan bạc phận nữa.

Có thể nói, đạo diễn và các nghệ sĩ của sân khấu cải lương đã thể hiện những ưu thế nổi trội của nghệ thuật cải lương, đặc biệt là tận dụng chất thơ vốn dĩ đã rất gần với cải lương của tác phẩm.
 
22021112509b
Kiều bên Từ Hải "Chết đứng"

Bên cạnh dàn diễn viễn chính như Như Quỳnh (Thúy Kiều), Minh Hải (Từ Hải), các diễn viên phụ thể hiện vai Tú Bà, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến... cũng rất thành công, tạo ra màu sắc riêng cho vai diễn.

Với một cốt truyện đã quen thuộc với người xem và được nhiều loại hình như kịch nói, múa rối, phim truyện... dàn dựng, lần dựng này của Nhà hát Cải lương Việt Nam gặp không ít áp lực. Tuy nhiên, bằng việc lựa chọn hình thức thể hiện hấp dẫn và đi vào một tứ hay trong Truyện Kiều, vở cải lương này vẫn khiến khán giả rơi lệ sau 200 năm. Điều này cho thấy, cái hay của một tác phẩm nghệ thuật không chỉ phụ thuộc ở cốt truyện, kịch bản mà còn ở cách dàn dựng và sự tài năng của dàn diễn viên.
Theo anninhthudo.vn


Link gốc: https://anninhthudo.vn/sau-200-nam-khan-gia-van-roi-le-khi-xem-mot-nang-kieu-tren-san-khau-cai-luong-post487667.antd

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây