“Bến cô liêu” Huy Cận

Thứ bảy - 06/11/2021 18:28
Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng, được biết đến từ phong trào Thơ Mới. Không những sáng tạo văn học nghệ thuật, ông còn là một chính khách.
 
22021110606 1
“Bến cô liêu” Huy Cận

Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, sau thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình Huy Cận gốc Nho học, nghèo, làm nông. Một nguồn tin khác cho rằng, Huy Cận sinh năm 1917.

Huy Cận từng vào Huế học, đậu tú tài Pháp, sau ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Huy Cận sớm gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Ông cũng từng tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó).

Ông làm thơ từ sớm, cũng như có thơ đăng báo sớm. Con đường văn học của Huy Cận có vẻ “xuôi chèo mát mái”, dường như không gặp một trở ngại nào, kể cả con đường công danh của ông.

Huy Cận từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).
 
22021110606 2

Huy Cận (trái) và Xuân Diệu là đôi bạn thân nổi tiếng trong giới văn học Việt Nam.

Sự nghiệp thơ của Huy Cận có thể chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thời phong trào Thơ Mới, và sau giai đoạn này. Ở giai đoạn sau phong trào Thơ Mới, thơ Huy Cận vui tươi hơn, đi cùng nhịp với đời sống của nhân dân, cho thấy sự mới mẻ, hân hoan.

Tuy nhiên, dường như độc giả vẫn hay thường tưởng lại những bài thơ hồi Huy Cận làm trong phong trào Thơ Mới. Đó là những bài thơ buồn da diết, khó tả. Và đó dường như cũng là tâm trạng chung của những người thơ khi ấy. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn riêng, nỗi buồn cùng sông nước, nỗi buồn điệp điệp. Huy Cận đã tạo ra một bến cô liêu riêng cho mình.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.


Đó là bài thơ Tràng giang nổi tiếng của Huy Cận. Ông đã vẽ nên một khung cảnh buồn thê lương. Cảnh rất tĩnh, nhưng lòng luôn động. Dường như tất cả những hình ảnh để diễn tả nỗi buồn đều được ông đưa vào bài thơ này, với những từ: vãn chợ chiều, trời lên sâu, bèo giạt, bóng chiều sa, lòng quê, hoàng hôn…

Một nỗi buồn dằng dặc, nỗi buồn không tên, nỗi buồn không cần một cớ nào. Huy Cận đã tạo dựng một bến cô liêu buồn vô hạn thời tuổi trẻ. Đó là một trong nhiều bài mang nét buồn riêng Huy Cận, mà sau này ta rất khó gặp lại. Nỗi buồn đó dường như đã qua đi một thời.

Sau này, thơ Huy Cận đã vui tươi, tràn sức sống, ca ngợi cuộc sống. Điều này dường như là tâm trạng chung của nhiều nhà thơ khác khi đất nước đã thanh bình, tiến lên một cuộc sống ấm êm, sung túc hơn. Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, cuộc sống hối hả của ngư dân được diễn ra với sự lạc quan, yêu đời.

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.


Lúc này, tâm tâm trạng nhà thơ không còn mang nỗi buồn riêng, mà đã hoà chung vào niềm vui đất nước. Đó là sự biết ơn đối với thiên nhiên, chứ không còn mượn thiên nhiên để nói lên nỗi buồn như trước đây.

Đánh giá về Huy Cận, Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng: “Cù Huy Cận không chỉ là một nhà thơ. Ông là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị-xã hội với những dấu ấn quan trọng. Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, nhà thơ đã trực tiếp góp mặt trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đồng hành cùng nhiều bước ngoặt quan trọng của lịch sử dân tộc”.

Với những cống hiến lớn cho văn học nghệ thuật, Huy Cận từng được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới, được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996). Được biết, đã có đường phố đặt tên ông, như ở Đồng Hới. Tên ông cũng được đặt cho một Trường Trung hoc phổ thông ở thành phố Hà Tĩnh.

(*Loạt bài tôn vinh các cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh)
Theo sao.baophapluat.vn


Link gốc: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/ben-co-lieu-huy-can-32719/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây