Những bộ phim kinh điển của Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ năm - 06/07/2017 09:11
"Em bé Hà Nội", "Biệt động Sài Gòn" hay "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" là những tác phẩm điện ảnh kinh điển được Hãng phim truyện Việt Nam, thương hiệu số 4 Thụy Khuê sản xuất.
Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi – Phạm Hiếu Dân) là bộ phim đánh dấu sự ra đời của nền phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim kể về mối tình của Hoài và Vận yêu nhau trong chiến tranh Việt-Pháp. Sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ, do hai miền Nam - Bắc tạm thời phân chia theo Hiệp định Genève 1954.

Vợ chồng A Phủ (đạo diễn Mai Lộc – Hoàng Thái) là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài viết năm 1952. phim lôi cuốn người xem bằng cốt truyện, hấp dẫn sinh động, hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc và phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Phim từng được gửi đi chiếu tại LHP Moscow năm 1961 và đoạt Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973. 

Chim vàng khuyên là phim tốt nghiệp của  2 đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ. Câu chuyện trong phim xảy ra tại một vùng du kích ở miền Nam Việt Nam vào khoảng những năm 1950. Phim được trao giải đặc biệt dành cho phim ngắn của LHP Quốc tế Tiệp Khắc năm 1962. Đó cũng là giải thưởng lớn Quốc tế đầu tiên mà một phim Việt Nam giành được. Ngoài ra, phim cũng đoạt Bông Sen Vàng trong LHP Việt Nam lần thứ 2 (1973).

Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với diễn xuất của NSND Trà Giang. Câu chuyện trong phim xảy ra tại Nam Bộ vào hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong một trận càn, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp, chị toan tự tử nhưng nghe tiếng khóc chị đã quyết sống và đi theo cách mạng. Phim được trao giải Bông Sen Vàng trong LHP Việt Nam lần thứ 2 (1973).

Đến hẹn lại lên (đạo diễn Trần Vũ) được mở đầu bằng cảnh hai nhân vật chính là Nết và An gặp nhau tại Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ nhưng sự kiện chính của phim đưa người xem về thời gian trước cách mạng tháng 8 tại miền quê quan họ. Phim có 2 tuyến nhân vật chính diện và phản diện, đan xen vào nhau tạo nên sự chặt chẽ, sinh động và hấp dẫn. Phim mang lại giải thưởng đạo diễn xuất sắc cho Trần Vũ trong LHP Việt Nam lần 3. 

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) là phim 2 tập đầu tiên của phim truyện Việt Nam. Tác phẩm có sức sống lâu bền bởi phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc ta, mà tiêu biểu trong phim là hình ảnh chị Dịu kiên cường bất khuất, đã hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để góp hết sức mình cho cuộc giải phóng dân tộc. Phim đoạt giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Liên Xô tại LHP Quốc tế Moscow 1973.

 

 

Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh) khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, sau sau Giáng Sinh và đợt dội bom B52 của quân đội Mỹ. Ngọc Hà, một em bé 12 tuổi, phải kiếm tìm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình. Phim đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần 3 năm 1975. 

Biệt Động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân) là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975. Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.Biệt động Sài Gòn còn là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 80 cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và thu hút khán giả - từng là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và luôn được yêu thích suốt hơn 20 năm qua.

Làng Vũ Đại ngày ấy (Đạo diễn Phạm Văn Khoa) là một tác phẩm điện ảnh trung thành với nguyên tác văn học. Các nhà làm phim đã cho khán giả thấy một Chí Phèo bằng xương, bằng thịt, bị lưu manh hóa và một Thị Nở - xấu như ma chê quỷ hờn và một Bá Kiến gian hung, xảo quyệt. Phim cũng xây dựng không gian túp lều của lão Hạc với cái chết đầy cay đắng. Phim giành giải đặc biệt tại LHP lần 6 năm 1983.

Đêm hội Long Trì là một bộ phim dã sử của đạo diễn Hải Ninh, công chiếu năm 1989. Đây là một thành công của điện ảnh thời kỳ đổi mới quy tụ dàn diễn viên xuất sắc nhất thập niên cuối thế kỷ XX, bối cảnh công phu trên nền câu chuyện vốn đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mô tả đầy lôi cuốn với những mưu mô chốn cung đình. 

Bao giờ cho đến tháng 10 (đạo diễn Đặng Nhật Minh) là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền hình CNN bầu chọn. Đây là một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một trong những bộ phim thành công nhất của điện ảnh Việt Nam khi lấy nhân vật chính là người phụ nữ và góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tầm hồn người phụ nữ Việt. Phim giành nhiều giải thưởng danh giá như Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, giải đặc biệt của LHP Châu Á – Thái Bình Dương năm 1989, LHP Quốc tế Hawaii năm 1985.

Theo Zing.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây