Dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Cùng dự có bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và nước bạn Lào.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Katherine Muller-Marin nhấn mạnh: “Là một nhà tư tưởng độc lập và sáng tạo, Nguyễn Du đã khắc họa nền văn hóa Việt Nam một cách khéo léo và đặc sắc qua các tác phẩm và tập thơ của ông. Tầm ảnh hưởng của ông sâu đậm và bền bỉ đến mức cho đến ngày nay người ta vẫn thường trích dẫn các tác phẩm của ông để chuyển tải cảm xúc và bày tỏ hoàn cảnh của mình”.
Thành phố Hà Tĩnh tối hôm nay mưa và lạnh nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về Quảng trường trung tâm để dự Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới. Trong lễ kỷ niệm, với những sáng tác, bài hát và hoạt cảnh về Đại thi hào Nguyễn Du và quê hương Hà Tĩnh đã tái hiện hình ảnh Nguyễn Du tài hoa, nhân hậu, một thi nhân vĩ đại. Đêm kỷ niệm mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem cũng là hoạt động cuối khép lại Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Nguyễn Du, nhưng dư âm của nó sẽ còn vang vọng khẳng định những giá trị xuyên thời đại mà Nguyễn Du để lại.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tiếng thơ ai động đất trời". Ảnh: Trần Hoài |
Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Nguyễn Du vừa qua trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã diễn ra nhiều chuỗi hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 250 Ngày sinh Nguyễn Du như: Chung kết hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du bằng hình thức sân khấu hóa, liên hoan đàn hát dân ca các tỉnh Bắc Trung Bộ và châu thổ sông Hồng, biểu diễn trò Kiều, trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Du, trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du... Nổi bật về quy mô tổ chức sâu rộng là liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca khu vực Đồng bằng Bắc Trung Bộ và châu thổ sông Hồng. Tham gia chương trình có 10 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, CLB Dân ca làng Mộc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Với chủ đề "Tiếng tơ Tiên Điền", các tiết mục liên hoan nghệ thuật quần chúng với nhiều loại hình khác nhau đã được hơn 250 diễn viên thể hiện sinh động. Với sự chuẩn bị khá chu đáo, các đoàn nghệ thuật quần chúng đã mang đến quê hương Đại thi hào Nguyễn Du những tiết mục ca trù, quan họ, chầu văn, hát xẩm, hò vè, ví, giặm… đặc sắc, mang đậm chất văn hóa dân gian của từng địa phương, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và người dân Hà Tĩnh. Đây là dịp để giới thiệu, tôn vinh những giá trị di sản do Đại thi hào Nguyễn Du, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền để lại. Đồng thời, liên hoan cũng là cơ hội để các diễn viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chung kết Hội thi “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” bằng hình thức sân khấu hóa của các trường THCS và THPT đã diễn ra sôi nổi. Hội thi nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị di sản của "Truyện Kiều" và Nguyễn Du. Em Nguyễn Thảo Trang, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có mặt trong lễ kỷ niệm, chia sẻ: “Em rất tự hào khi là một người con sinh ra, lớn lên trên quê hương cụ Nguyễn Du. Vừa qua, đội tuyển trường chúng em tham dự cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du bằng hình thức sân khấu hóa đã giành giải nhất. Đây như một món quà tri ân của chúng em nhân 250 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Du”.
Hội ngộ về văn hóa và Truyện Kiều
Tại Nghi Xuân, quê hương Nguyễn Du, trong Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Nguyễn Du, du khách có cơ hội được thưởng thức trò Kiều do chính những người dân chân chất, mộc mạc trong CLB trò Kiều Tiên Điền dàn dựng và thể hiện. Đây là loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ "Truyện Kiều", bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó lời ca được pha trộn giữa ca Huế, tuồng, chèo, ngâm, lẩy Kiều với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, hát ca trù. Tuy trò Kiều được kết hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng nội dung cốt lõi vẫn xoay quanh "Truyện Kiều". Lời ca, tiếng hát trò Kiều lúc ai oán, thê lương, lúc sâu cay, thâm thúy đem lại nhiều cung bậc cảm xúc như những thước phim sinh động tái hiện câu chuyện về Kim-Vân-Kiều.
Ông Nguyễn Mậu, Trưởng tộc họ Nguyễn Tiên Điền (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) hôm nay cũng về dự lễ. Năm nay ông gần 70 tuổi, nhưng đã có 45 năm say mê gắn bó với trò Kiều. Ông được xem là “người nhóm lửa” bộ môn nghệ thuật trò Kiều trên quê hương Nguyễn Du trong những năm gần đây. Buổi đầu mới khôi phục CLB chỉ có 10 người, chủ yếu là con cháu và người dân trong vùng. Công tác sưu tầm kịch bản đã gặp rất nhiều khó khăn. Cả xóm không còn ai nhớ câu hát trò Kiều, kịch bản cũng bị mất mát, nhiều đoạn chưa đầy đủ. Ông Mậu cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phượng phải lặn lội đi khắp các địa phương để sưu tầm kịch bản nhưng chỉ tìm được một vài trích đoạn. Vợ chồng ông phải đến các gia đình là con em của đội trò Kiều ngày trước để tìm kiếm, sưu tầm, ghi chép kịch bản. Mỗi câu thơ sưu tầm và tự sáng tác được đều đối chiếu với nguyên tác "Truyện Kiều", so sánh các làn điệu một cách cẩn thận và “tự biên, tự diễn”. Từ năm 2013 đến nay, CLB trò Kiều Tiên Điền đã tổ chức biểu diễn một số trích đoạn phục vụ nhân dân, du khách và Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Nguyễn Du. Ông Mậu cho biết: “Không chỉ vợ chồng tôi say mê, gắn bó với trò Kiều mà các thành viên trong CLB đều rất nhiệt tình tham gia. Chúng tôi làm vì trách nhiệm là con cháu trên quê hương Nguyễn Du, vì lòng đam mê với trò Kiều”.
Điểm nhấn ấn tượng phải nói đến công trình nghệ thuật đồ sộ 154 bức vẽ sơn dầu khổ lớn thực hiện rất công phu trong vòng 3 năm, được trưng bày trong khuôn viên Khu lưu niệm Nguyễn Du, là tình cảm và tâm huyết của tập thể Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du. Bộ tranh minh họa phóng tác "Truyện Kiều" là một công trình hội đủ những yếu tố nội dung và nghệ thuật phục vụ quảng đại quần chúng trong dịp cả nước kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào. Đến dự lễ kỷ niệm, anh Lê Quang Thắng, giảng viên chuyên ngành mỹ thuật Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du, một trong những tác giả bộ tranh minh họa "Truyện Kiều" chia sẻ: “Mỗi câu lục bát trong "Truyện Kiều" đều thấm đẫm giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và đầy ắp tính tạo hình. Hình tượng trong thơ Nguyễn Du mang giá trị hữu hình, dẫu xa vời mà vẫn gần gũi, thân quen. Đó cũng lý do khơi nguồn sáng tạo để những người làm nghề cầm cọ đam mê”.
Những hội ngộ về văn hóa, về "Truyện Kiều" đã làm cho mảnh đất là “cái nôi” của tâm hồn Nguyễn Du, vốn đã thơ mộng nay càng “động đất trời”. Những thăng hoa của nghệ thuật mang tính dân gian cùng với tấm lòng tri ân sâu sắc đối với nhà thơ lớn của dân tộc, những niềm vui, nỗi buồn, những đau đáu của phận người từ hàng trăm năm trước, là ký ức, kỷ niệm của cả dân tộc từ thời đại của Nguyễn Du cho đến bây giờ, đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho mỗi người sống càng thêm thấm đẫm chất nhân văn…
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn