Những bản nhạc tươi mới, rộn ràng, tiếng cười nói hớn hở trong những ngôi nhà của bà con dân bản Rào Tre xua tan đi nhịp sống dềnh dàng, buồn tẻ mà trước đó thường ngày, khói thuốc lá nghi ngút choán lấy không gian.
Những đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết ở Rào Tre vẫn đang là nỗi ám ảnh, 1 vấn nạn khó có lời giải. Ảnh: Duy Tuấn |
Thì ra, hôm nay, dưới chân núi Ka Đay ở xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) mọi người đang chung vui hạnh phúc với cô dâu người Chứt là Hồ Thị Duyên (SN 1995) và chú rể người Kinh là Nguyễn Đình Nhân (SN 1997).
Đây là cuộc hôn nhân ngoại tộc thứ 2 của đồng bào người Chứt sau 25 năm hòa nhập với xã hội. Hơn nữa, hôn sự giữa Duyên và Nhân sẽ là sợi dây gắn kết tinh thần hòa hợp, đoàn kết thêm sâu sắc giữa 2 dân tộc và phần nào giảm thiểu được những nỗi lo về hôn nhân cận huyết.
Mối nhân duyên giữa họ được hình thành sau một năm hẹn hò. Nhưng định kiến, rào cản về sắc tộc khiến tình cảm của đôi bạn trẻ nhiều lần suýt đổ vỡ.
Không giấu nổi niềm vui, anh Minh - bộ đội biên phòng trạm Rào Tre (BĐBP) chia sẻ: “Anh em chúng tôi rất vui vì hai đứa đã có cuộc hôn nhân như mong muốn. Lúc đầu vì định kiến nên gia đình nhà trai không đồng ý, chúng tôi đã phải cắt cử người mời gia đình Nhân sang đồn biên phòng để giải thích với họ. Cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với đôi bạn trẻ".
Lời dặn đặc biệt ngày đưa dâu
Còn 30 phút nữa là đến giờ xin dâu của họ nhà trai, lúc này anh Tịnh xuất hiện, đặt tay lên bờ vai Duyên, như một 'người mẹ hiền' bảo ban con gái: “Về nhà chồng phải ngoan nghe con. Nhà chồng không phải như nhà mình đâu, nên con phải nghe lời mới sống hạnh phúc”.
Trung tá Dương Thanh Tịnh gửi gắm cô dâu cho nhà trai tại đám cưới diễn ra vào ngày 1/10 vừa qua |
Lời nói ân cần, chu đáo của trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng cắm bản ở Rào Tre dặn dò cô gái Chứt trước lúc lên xe hoa khiến nhiều người lầm tưởng rằng đó là... cha ruột của Duyên.
Bà con nơi đây rất “nghe” trung tá Tịnh, một cán bộ BP đã có thâm niên trên 15 năm sống với dân bản.
Dặn dò cô dâu xong, trung tá Tịnh bước ra ngoài hiên nhà, nhẹ nhàng cất tiếng: “Bây giờ sắp đến giờ họ nhà gái xin dâu rồi, lát nữa ai đi đưa dâu thì ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ vào nhé”.
Lúc này, trên khuôn mặt của đồng bào Chứt ai nấy đều ánh lên vẻ tươi vui và hạnh phúc.
Chậm rãi bước đến gần từng thanh niên thường ngày ngỗ nghịch, xoa đầu chúng rồi anh Tịnh nói: “Sang đó ăn đám cưới không được uống say đâu nhé. Phải lịch sự đấy”.
“Hôm nay bà đẹp thế, nhìn trẻ ra”. Anh Tịnh ôn tồn và khen ngợi những người phụ nữ ở bản. Họ nhoẻn miệng cười, thẹn thùng trước lời khen.
Hết dặn người này, tới người kia, rồi trung tá Tịnh quay lại nói với tôi: “Hôm nay cả bản họ rất vui, vì đây là cuộc hôn nhân thứ 2 giữa người Chứt và người Kinh. Khó khăn lắm mới có cuộc hôn nhân này đấy”.
“Hiện giờ có thêm một chàng trai người Kinh đang hẹn hò với một cô gái Chứt nữa rồi. Đây đúng là sự kiện đáng ăn mừng. Hi vọng tương lai không xa hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre không trở thành vấn nạn nữa”, anh Tịnh tiếp lời.
Dường như tại bản này, BĐBP không chỉ trở thành “ông tơ bà nguyệt”, se duyên cho các cặp trai gái. Mà ở bất kì cuộc hôn nhân nào của người Chứt, họ đều đóng vai trò là “thông gia bất đắc dĩ” với gia đình bên kia.
Anh Tịnh dí dỏm: “Chúng tôi phải từ tốn, dặn dò như con cháu. Đặc biệt, khi có cuộc hôn nhân nào thì anh em biên phòng đều dưới vai trò là thông gia, đứng ra lo liệu hôn sự cho đồng bào”.
Day dứt nỗi lo “anh em lấy nhau”
Trước đó, cuộc hôn nhân lịch sử ở Rào Tre lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 vừa qua, giữa cô gái người Chứt là Hồ Thanh Mai với chàng trai người Kinh là Lê Xuân Công.
Đó là sự kiện mở màn cho cuộc hôn nhân lịch sử lần thứ hai vào hôm nay giữa người cặp vợ chồng Duyên và Nhân.
Tín hiệu đáng mừng hơn là sắp tới sẽ có thêm một cuộc hôn nhân lần thứ 3 giữa người Chứt và người Kinh. Đây là những thành quả lớn lao của các chiến sĩ biên phòng ở bản, họ đã cống hiến không mệt mỏi vì đồng bào Chứt.
Nhưng trước những niềm vui khôn tả nói trên, thì vẫn còn đó những nỗi lo. Hiện cả bản có 17 nam thanh niên nhưng chỉ có 2 cô gái. Việc trai Kinh tìm đến yêu và lấy gái Chứt thì đã có 2 trường hợp. Tuy nhiên, để các chàng trai Chứt tìm được vợ người Kinh về đây quả là điều khó khăn và vô cùng nan giải.
“Để giải quyết vấn nạn hôn nhân cận huyết, phát triển cho bà con, cần tạo việc làm ổn định để họ sớm hòa nhập với người Kinh thông qua trao đổi hàng hóa. Đặc biệt là phải mở được con đường nối bản Chứt bên Quảng Bình. Khi có sự giao lưu thì người Chứt sẽ kiếm vợ kiếm chồng dễ dàng hơn. Không sẽ đứng trước nguy cơ diệt vong”, trung tá Tịnh nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn