Cuồng thần tượng vì bố mẹ không… “đặc biệt”

Thứ ba - 04/07/2017 02:35
(Hatinhnews) - “Việc giới trẻ phát cuồng vì thần tượng, la hét, bỏ ăn bỏ uống để chạy theo thần tượng là sản phẩm của một nền giáo dục chưa đến nơi đến chốn, đồng thời nó cũng thể hiện khoảng cách trong gia đình đang ngày càng nới rộng”.
Không thể đổ lỗi cho “thần tượng”

Vừa rồi thấy báo chí đưa tin có những bạn trẻ hâm mộ thần tượng đến mức bỏ ăn bỏ uống, đợi cả ngày đón thần tượng ở sân bay, rồi la hét, khóc lóc vật vã, thậm chí là ngất xỉu vì không được gặp thần tượng. Điều này có gì đặc biệt không chị?

Thật ra, giới trẻ thần tượng một ai đó là điều hết sức bình thường, nhưng đến mức đó thì thật sự không thể bình thường được nữa. Đó là hiện tượng “cuồng thần tượng”.

Theo chị, vì sao lại có hiện tượng đó?

Thứ nhất, giới trẻ là lứa tuổi nhìn nhận vấn đề chưa được chín chắn, cùng với tâm lý tuổi mới lớn muốn thể hiện mình do đó dễ dẫn đến thái quá. Thứ hai là tác dụng của truyền thông. Bạn cứ vào đọc các báo mạng hoặc trang điện tử dành cho giới trẻ sẽ thấy tràn ngập thông tin về các ca sĩ, diễn viên là ngôi sao trong nước và quốc tế.

Họ đi đâu, ăn gì, chơi gì, mặc gì... đều được truyền thông ghi lại hết cùng với những mỹ từ phong phú. Do đó, không thể tránh khỏi việc giới trẻ không chú ý đến họ. Một phần nữa là do tâm lý đám đông chi phối, bởi khi có hàng nghìn người cùng có những hành động thể hiện yêu chuộng thần tượng như la hét, khóc lóc thì mức độ của hành động ấy càng được tăng lên và khó kiểm soát, dẫn đến những cảnh tượng “cuồng” như thế.

Xét về mặt tâm lý thì điều đó có đáng lo không?

Có đấy. Vì tâm lý chung, khi người ta đã ái mộ ai đó đến mức phát cuồng rồi thì tất cả những hành động, cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc của “thần tượng” đều có ảnh hưởng nhất định đến họ. Nếu thần tượng làm tốt, làm đúng thì không sao, ngược lại sẽ rất nguy hiểm vì nó tạo cho chính người hâm mộ kia sự lệch lạc nào đó so với các chuẩn văn hóa.

Nhưng “thần tượng” cũng là con người mà chị?

Đúng thế. Tôi cũng không có ý đổ hết lỗi cho “thần tượng” và tôi thấy cũng không thể trách họ. Họ chỉ có tác động phần nào thôi.
ThS Nguyễn Thị Nhanh, Trung tâm Hỗ trợ tư vấn Tâm lý, Đại học KHXHNV Hà Nội.

Giáo dục chỉ mang tính định hướng

Chị vừa nói đến tác dụng của truyền thông trong việc khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên “cuồng thần tượng”. Tôi không thấy chị nhắc đến vai trò của gia đình và nhà trường?

Việc hình thành nhân cách của mỗi người do nhiều yếu tố quyết định. Có yếu tố gia đình, nhà trường, các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi thì vai trò của từng yếu tố là khác nhau. Ở độ tuổi 16 - 20 thì giáo dục ở gia đình, nhà trường thôi chưa đủ và cũng không thể cứng nhắc được mà thực sự cần vai trò của  truyền thông.

Nhưng truyền thông thì luôn hướng tới số đông, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin này, tờ báo nào càng đưa tin tức mà nhiều người quan tâm càng tốt, trong đó có việc các ca sĩ, diễn viên hàng ngôi sao ăn gì, chơi gì...?

Tôi tin, làm truyền thông cũng có người nọ người kia. Thêm nữa, Nhà nước cũng cần cụ thể hóa những quy định để truyền thông thực sự góp vai trò định hướng cho giới trẻ.

Đồng ý với chị là truyền thông cũng có vai trò quan trọng. Nhưng nếu các bạn thanh thiếu niên có cái nôi căn bản là sự giáo dục của gia đình và nhà trường trước đó vẫn tốt hơn chứ?

Đương nhiên rồi. Nhưng như tôi đã chỉ ra, khi các bạn trẻ lớn lên, những mối quan hệ đã mở rộng, được tiếp cận với truyền thông thì những cái nôi của sự giáo dục ấy trở nên chật chội hơn trong những thứ mà họ muốn tiếp cận. Và giáo dục chỉ mang tính định hướng chứ bố mẹ, thầy cô cũng không thể luôn theo sát các em.

Mải kiếm tiền mà quên con cái         

Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, sở dĩ giới trẻ “cuồng thần tượng” là không nhận được sự quan tâm đến nơi đến chốn của gia đình?

Tôi cho rằng điều đó là đúng, song nó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân mà tôi đã chỉ ra ở trên.

Nhưng thực tế thì bây giờ các bậc phụ huynh đang có nhiều hơn những mối bận tâm. Họ còn phải lo kiếm tiền nuôi con ăn học?

Không thể đổ lỗi cho việc vì bố mẹ quá bận được. Chính cái lý do ấy đang khiến cho khoảng cách trong gia đình ngày càng lớn, đẩy con cái ngày càng rời xa gia đình. Điều này một phần nào đó tạo nên tính tự lập song nó cũng khiến cho các con thu mình lại trong mối quan hệ với bố mẹ. Nguy hại hơn là nhiều khi những suy nghĩ, quyết định của con không có sự định hướng thì dễ phạm sai lầm. Ví như chuyện hâm mộ thần tượng đến mức thái quá.

Nghĩa là, vì không có sự định hướng do cha mẹ quá bận rộn nên một bộ phận bạn trẻ có thể bỏ ăn bỏ học để chạy theo thần tượng, biết rõ thần tượng sinh ngày nào, thích ăn gì... trong khi bố mẹ mình có khi chẳng nhận được sự quan tâm ấy cũng là điều... dễ hiểu?

Đúng thế. Bởi lẽ, cùng với tác động của truyền thông thì giới trẻ cũng đang dần định hình cá tính, muốn độc lập trong cách nghĩ, muốn thể hiện mình và xu hướng ngày càng tách khỏi gia đình để gia nhập các nhóm bạn bên ngoài. Khi họ yêu quý, thần tượng ca sĩ nào đó thì điều đương nhiên là họ sẽ tìm hiểu thông tin. Và thần tượng là các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh không mấy khi có cơ hội được gặp mặt.

Trong khi đó, bố mẹ là những người thân thiết, gặp thường xuyên đến nỗi thấy “có vẻ như chẳng có gì đặc biệt”.  Chính môi trường gia đình mà bố mẹ thường xuyên quan tâm, trao đổi với con cái sẽ hạn chế điều này và ngược lại. Đáng tiếc là bây giờ, nhiều bậc phụ huynh mải mê kiếm tiền mà quên mất việc trò chuyện cùng con.

Cha mẹ nên trò chuyện cùng con

Theo chị, giới trẻ có nên có thần tượng?

Không riêng gì giới trẻ đâu mà ngay cả những người trưởng thành cũng nên có. Bởi thần tượng không phải là cái gì cao sang hay phải là diễn viên, ca sĩ nào đó mà nhiều khi đó lại là chính cha mẹ, anh chị, bạn bè... Khi đã thần tượng ai đó rồi thì người ta cũng có động lực để mà phấn đấu.

Với những gia đình mà có con cái thần tượng ai đó đến mức “cuồng” thì các bậc cha mẹ cần phải làm gì, thưa chị?

Không có gì tốt hơn là cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện cùng con. Có thể trò chuyện trong bữa ăn, hoặc cùng con xem những tấm hình, bài báo viết về thần tượng của con để đưa ra những lời chia sẻ, khích lệ con cái, giúp chúng hiểu rằng cần phải làm gì. Bên cạnh đó, nhà trường, tổ chức đoàn, hội cũng cần tạo ra những hoạt động để thu hút các em tham gia, mở những buổi giáo dục kỹ năng sống cho các em. Và một yếu tố rất  quan trọng nữa là truyền thông phải mang tính giáo dục, định hướng cho các em.
Theo Bee.net.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây