Cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn "nóng" trong những năm gần đây. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa bao giờ "hạ nhiệt". Bởi lẽ, số lượng chỉ tiêu vào trường công có hạn, trong khi phần lớn phụ huynh lại mong con em được vào học tại các trường này.
Có thể nói, đỗ vào lớp 10 công lập là mục tiêu của nhiều thí sinh hiện nay vì phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Nếu không đủ điểm để đậu nguyện vọng 1 và 2 thì học sinh phải chấp nhận hướng sang một phương án khác như trường THPT tư thục.
Thực tế, việc dạy nghề với những đứa trẻ 15 tuổi vẫn chưa thực sự khiến phụ huynh yên tâm. Trong khi, những trường tư có uy tín lại không phải lựa chọn tối ưu cho con nhà nghèo vì mức học phí cao. Và vì thế, không có kỳ thi nào ở nước ta lại lấy đi nhiều nước mắt như cuộc đua vào lớp 10. Đây được xem là kỳ thi căng thẳng, áp lực đối với các cô cậu tuổi 15.
Khi tuyển sinh đại học có nhiều "cửa" để lựa chọn thì việc giành một suất vào lớp 10 trường công lập lại chỉ bó hẹp trong một kỳ thi. Vì tính cạnh tranh cao, vì tỷ lệ chọi lớn nên các em vô tình trở thành “ngựa chiến”. Nhiều em bị stress, căng thẳng, thậm chí ngất xỉu trong lúc ôn thi để có thể đỗ vào trường công top đầu. Có những học sinh phải học ngày vài “ca” để tận dụng tối đa thời gian. Cũng có nhiều em kết thúc lớp ôn thi vào 11h đêm rồi tiếp tục học online...
Bên cạnh việc thiếu chỗ học trường công thì áp lực của học sinh ở các kỳ thi trong nhiều năm gần đây còn do kỳ vọng của cha mẹ. Ở cái tuổi của các em, vốn đang háo hức khẳng định bản thân cũng như đặt ra quá nhiều kỳ vọng, nhiều ước mơ. Vậy nên, nếu thi trượt, với nhiều em như sụp đổ.
Đến thời điểm hiện tại, một số trường THPT đã công bố điểm thi, điểm chuẩn. Có bạn vào được ngôi trường cấp 3 như mong muốn, có bạn lỡ hẹn. Cảm giác hụt hẫng, thất vọng vì cơ hội vào được cánh cửa lớp 10 thật không dễ. Nhưng một kỳ thi không phải là tất cả, cũng không nói lên được năng lực của mỗi người.
Hãy xem đây như một cuộc thử sức của bạn trẻ, để mỗi người cùng hiểu rõ năng lực của bản thân. Và trên con đường chinh phục tri thức, mỗi người tự ngộ ra đã có gì và cần làm gì để hoàn thiện mình. Hành trình thử thách bản thân ấy giúp chúng ta trưởng thành hơn. Do vậy, đừng chỉ nhìn vào kết quả để đánh giá năng lực bản thân, cũng đừng vội thất vọng về chính mình.
Lúc này, việc quản lý cảm xúc một cách tích cực cũng vô cùng quan trọng. Có người từng nói: thất bại trong một kỳ thi không có nghĩa là thất bại trong cuộc đời. Thật vậy, điều quan trọng là chúng ta luôn đổi mới, thích ứng và học tập, nỗ lực không ngừng.
Nhưng thực tế, thất bại trong các kỳ thi thường khiến các thí sinh bị sang chấn tâm lý nếu không được hỗ trợ đúng cách, kịp thời. Do vậy, cha mẹ cũng cần cho con cái quyền được thất bại, giúp con đối mặt và chấp nhận sự thua cuộc một cách tích cực. Kỳ thi không phải tất cả, điều quan trọng là làm sao giúp các em có những kỹ năng ứng phó lành mạnh, đúng đắn.
Thực tế, nhiều vĩ nhân cũng từng gặp những thất bại trước khi thành công. Thomas Edison để phát minh bóng đèn đã trải qua hơn 10.000 lần thực nghiệm thất bại. Cứ mỗi lần thất bại ông lại tự nhủ với mình "A, vậy là ta đã tìm ra được thêm một cách thức mà bóng đèn không sáng".
Tôi rất ấn tượng với câu nói của một ai đó: “Không có bầu trời nào sập xuống chỉ vì bạn trượt một kỳ thi”. Mỗi người trẻ có những cách vào đời khác nhau chứ không phải chỉ duy nhất con đường học hết phổ thông rồi vào đại học mới là thành công.
Cha mẹ hãy nói để con hiểu rằng, thất bại là một phần của cuộc sống. Có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cánh cửa khác sẽ mở ra với các em. Vấn đề quan trọng là các em tiếp cận ra sao và thực hiện nó như thế nào trong những năm sắp tới. Cha mẹ cũng nên học cách đồng hành cùng con, để con không bị đơn độc sau cú sốc thi trượt.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng chỉ là một cuộc thi, không thể chỉ nhìn vào kết quả để đánh giá năng lực, phẩm chất của con người. Trong khi đó, những kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại rất quan trọng, giúp các em tự tin, bản lĩnh, trưởng thành hơn sau này. Mong các bạn trẻ hãy luôn nhớ rằng, mỗi lần thất bại là một cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, bởi vì "không có áp lực thì không có kim cương"...