Đại học Luật Hà Nội: Ông Thích Chân Quang có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo

Thứ tư - 26/06/2024 06:07
Trường Đại học Luật Hà Nội thông tin quá trình tuyển sinh, đào tạo và công nhận luận án tiến sĩ cho ông Thích Chân Quang (Vương Tuấn Việt).
Chiều 25/6, trường Đại học Luật Hà Nội phát đi thông báo liên quan việc ông Thích Chân Quang hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2 năm gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo đó, ông Thích Chân Quang sinh năm 1959, tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh năm 2001 tại trường Đại học Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Hà Nội).

Năm 2017, ông Thích Chân Quang trúng tuyển văn bằng 2 khoá 1 trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức) của trường Đại học Luật Hà Nội mở tại trường Cao đẳng Bách Việt, TP.HCM.

Tháng 1/2019, ông được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân tại chức, xếp loại giỏi.
 
D2024062604
Ông Thích Chân Quang. (Ảnh: Cổng thông tin Giáo dục Phật giáo Việt Nam)

Ngày 26/11/2019, ông Thích Chân Quang tiếp tục trúng tuyển nghiên cứu sinh khoá 25B (niên khoá 2019-2023) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường vào tháng 12/2021 chuyên ngành ngành Luật Hiến pháp – Hành chính.

Lý giải việc ông Quang tốt nghiệp cử nhân sau đó học thẳng lên tiến sĩ, trường Đại học Luật Hà Nội dẫn lại một số quy định của Luật Giáo dục đại học, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó, trường nhấn mạnh đến quy định, cử nhân Luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước đủ điều kiện học thẳng lên tiến sĩ.

"Ông Thích Chân Quang đủ điều kiện dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ", trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định. Ngoài bằng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, trường này cũng liệt kê thêm ông Thích Chân Quang là tác giả 1 báo cáo khoa học quốc tế năm 2017; có năng lực ngoại ngữ.

Về quá trình đào tạo, trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, từ tháng 12/2019 đến 6/2021, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 7 học phần của chương trình tiến sĩ.

Nghiên cứu sinh này cũng hoàn thành các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ; công bố 2 báo cáo quốc tế; được tập thể hoặc người hướng dẫn nghiên cứu sinh đồng ý cho đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn.

Trường này cũng làm rõ thêm, tháng 6/2021, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang đã hoàn thành góp ý luận án cấp bộ môn và bảo vệ cấp cơ sở sau đó 3 tháng.

Ngày 3/10/2021, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo. Sau đó 2 tháng ông được công nhận bảo vệ thành công luận án cấp trường.

Như vậy, tổng thời gian đào tạo của ông Thích Chân Quang tính từ khi được công nhận nghiên cứu sinh (tháng 12/2019) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ (tháng 3/2022) là 2 năm 3 tháng, "đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ theo quy định của Bộ GD&ĐT và trường". 

Chiều nay, Bộ GD&ĐT gửi công văn yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo liên quan vụ nghiên cứu sinh Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2 năm đang gây xôn xao dư luận.

PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho rằng, Quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Vị chuyên gia phân tích hai điểm bất thường trong trường hợp này.

Thứ nhất, thời gian đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang ngắn hơn rất nhiều so với quy định. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.

Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 - 8 môn (trung bình mỗi môn 2 - 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần 1 năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.

Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.

Một nữ giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngạc nhiên trước câu chuyện ông Thích Chân Quang hoàn thành bậc tiến sĩ chỉ trong 2 năm vì "thông thường ai nhanh nhất cũng phải hơn 4 năm, người nào 3 năm đã quá giỏi".

Ngoài việc học, nghiên cứu, các nghiên cứu sinh còn phải tự khảo sát, tham gia nhiều hội thảo, toạ đàm, bảo vệ trước hội đồng cấp khoa, cấp trường... rất vất vả mới có thể hoàn thành. Do đó, việc hoàn thành chương trình học tiến sĩ chỉ trong 2 năm là điều không khả thi, cần xem xét đánh giá lại chất lượng luận án của ông Thích Chân Quang.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Đoan - người được trường Đại học Luật Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Thích Chân Quang lại cho rằng nghiên cứu của ông Thích Chân Quang là vấn đề lớn và đột phá.

"Tôi từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng đây là trường hợp đặc biệt", vị này nói và chia sẻ rằng nghiên cứu sinh Thích Chân Quang thực hiện rất nhanh đề tài nghiên cứu.
 
HÀ CƯỜNG
Theo  VTC News

Link gốc: Đại học Luật Hà Nội: Ông Thích Chân Quang có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo (vtcnews.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây