Năm học mới với những tình huống mới

Thứ bảy - 04/09/2021 17:43
Tính chất “đặc biệt” trong bối cảnh dịch bệnh đã làm thay đổi, thậm chí xáo trộn kế hoạch năm học của không ít địa phương. Một số chuyên gia nêu cảnh báo, khuyến nghị cần sớm có giải pháp để tránh những hệ lụy bởi sự không đồng bộ trong kế hoạch năm học.
2021090409
Mùa khai giảng thứ hai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây không ít xáo trộn, cả những lo lắng cho người học, phụ huynh và nhà trường trước thềm năm học mới 2021-2022.

“Chia ca” khai giảng

Cho đến sát ngày khai giảng, ngành giáo dục liên tục tổ chức các cuộc họp trực tuyến cũng như phát đi các thông báo liên quan kế hoạch năm học mới, nhằm kịp thời chỉ đạo công tác tổ chức lễ khai giảng sao cho phù hợp trong bối cảnh “bình thường mới”.

Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hà Nội đã chốt phương án tổ chức lễ khai giảng theo hình thức truyền hình trực tiếp tại một trường và phát trực tiếp trên sóng của Ðài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội để tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh theo dõi. Lễ khai giảng chung cho toàn thành phố theo hình thức này sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 5/9. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến (thực hiện trên nền tảng dạy học của đơn vị) trong thời gian từ 8 giờ 45 phút đến 9 giờ 30 phút cùng ngày. Theo hướng dẫn của Sở, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học, các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, tổ chức dạy học ngay sau khai giảng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giống với Hà Nội, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tiếp tại duy nhất cơ sở giáo dục là Trường trung học cơ sở Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) và phát sóng truyền hình trực tiếp buổi lễ này.

Trong khi đó, nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng đã ra Thông báo số 6019/UBND-VX quy định Lễ khai giảng năm học 2021-2022 thống nhất trên toàn thành phố vào 7 giờ 30 phút ngày 5/9; tổ chức khai giảng tập trung đối với khối lớp 1, lớp 6, lớp 10; các khối lớp còn lại nhà trường tổ chức cho học sinh dự khai giảng bằng hình thức trực tuyến tại nhà; đối với bậc học mầm non, chỉ tổ chức khai giảng tập trung cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Tuy nhiên, do tình hình thực tế dịch bệnh ở mỗi khu vực mỗi khác nên nhiều địa phương, trên từng địa bàn đã có thông báo lùi lịch tựu trường, không khai giảng năm học mới cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, như: Hậu Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Sóc Trăng, Quảng Bình...

Riêng TP Hồ Chí Minh đề xuất cho học sinh khai giảng bằng hình thức trực tuyến vào giữa tháng 9, muộn hơn hai tuần so kế hoạch của Bộ. “Rõ ràng sẽ có ảnh hưởng lớn tới tâm lý và cả chất lượng học khi học sinh không được đến trường, nhất là với các cháu nhỏ tuổi. Tình huống dịch bệnh là bất khả kháng, song ngành giáo dục cần sớm có những biện pháp căn cơ hơn, xác định sống chung với dịch bệnh lâu dài”, GS Ðặng Ứng Vận đặt vấn đề.

Tính kế lâu dài

Từ thực tế, nhiều học sinh đã di chuyển về địa phương để tránh dịch, không kịp trở lại trường bắt đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản yêu cầu các địa phương tạo điều kiện, tiếp nhận các em vào học. Các địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ trước mắt phù hợp, kịp thời bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh.

Cùng đó, không ít địa phương cũng đã có những đề xuất, thay đổi, điều chỉnh trong chính sách liên quan giáo dục nhằm ứng phó tình huống và cả lâu dài. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh cho hay, Ủy ban nhân dân thành phố đã đồng ý với đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022. Ðây là chính sách hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông. Theo ông Hiếu, đối với học phí các trường trung học phổ thông ngoài công lập, Sở cũng đã có trao đổi trực tiếp với từng trường, chia sẻ với nhà trường cũng như các phụ huynh.

Bên cạnh nỗi lo học phí, vấn đề dạy và học trực tuyến ra sao, có bảo đảm chất lượng, yêu cầu giáo dục đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: Dạy online là một xu hướng tất yếu. Chúng ta phải xác định tinh thần sẽ sống chung với dịch. Việc xây dựng năng lực công dân số là cần thiết. Nhưng việc tổ chức học trực tuyến phải đưa ra nhiều hoạt động gây hứng thú cũng như hiệu quả với học sinh. Công nghệ giúp nhiều cho chúng ta, nhưng muốn gây hứng thú với học sinh thì cần phát huy sáng tạo, thầy cô và phụ huynh phải có trách nhiệm với con em mình trong việc học. Chúng ta khẳng định học trực tuyến là xu thế tất yếu. Vấn đề còn lại làm sao để các con học trực tuyến an toàn, hiệu quả.

Nhấn mạnh thông điệp “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Vấn đề giáo dục và đào tạo là vấn đề khó, vì tác động tới nhiều đối tượng, nhiều người, tới tất cả các gia đình. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội…

Những lo toan đang hiện hữu, song với những gì Chính phủ, ngành giáo dục cùng các địa phương trên cả nước đang nỗ lực thực hiện, có thể kỳ vọng, năm học mới 2021-2022 sẽ đạt chất lượng như mong đợi của toàn xã hội.
 
Phương Nam
Theo Nhân Dân

Link gốc: https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nam-hoc-moi-voi-nhung-tinh-huong-moi-663195/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây