Dạy trực tuyến lớp 1: Viết chữ có thể chậm hơn, không nên cứng nhắc lịch học

Thứ ba - 07/09/2021 05:47
Chuyên gia cho rằng, việc viết chữ có thể chậm hơn, các trường không nhất thiết áp dụng thời khóa biểu học trực tiếp vào học trực tuyến cứng nhắc.
Trước những ý kiến tranh cãi việc có nên tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 hay không, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh lớp 1 có thể học trực tuyến theo cách phù hợp. Tuy nhiên, để triển khai được phải có điều kiện cần và đủ như: đường truyền, thiết bị dạy học, bài học hấp dẫn và tạo điều kiện để các em tương tác dựa trên cơ sở vật chất hiện có.

Trong quá trình dạy học, các trường không thể bê nguyên chương trình trực tiếp ở lớp vào dạy trực tuyến, mà cần tiết chế thời gian, thời lượng, nội dung cho đảm bảo hơn. Không nên để học sinh lớp 1 tương tác liên tục hai giờ đồng hồ trên máy tính hoặc điện thoại.

Khi học trực tuyến, tốt nhất nên sử dụng màn hình lớn như máy tính và xen kẽ các hoạt động vận động để tránh ảnh hưởng đến mắt và cột sống của trẻ.
 
20210907007
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Các trường nên ưu tiên dạy hoạt động trải nghiệm, kỹ năng, nề nếp. Đối với môn Toán, Tiếng Việt cũng vậy, có thể giúp các em tương tác qua các trò chơi học tập, thực hành với dụng cụ, đồ dùng có sẵn trong gia đình. Tập đọc, rèn kỹ năng nghe, nói là hoàn toàn có thể làm được trong môi trường trực tuyến với sự giúp đỡ của người thân.

Khi đi học trực tiếp, chúng ta có thể tập trung rèn kỹ năng viết cho các em. Việc viết chữ có thể chậm hơn, thầy cô có thể điều chỉnh, các nhà trường không nhất thiết áp dụng thời khóa biểu học trực tiếp vào học trực tuyến một cách cứng nhắc.

PGS Thơ khuyến cáo giáo viên, khi chuyển đổi bài dạy từ trực tiếp sang trực tuyến cần dựa trên ý tưởng sư phạm và công cụ trực tuyến phù hợp. Không tổ chức các hoạt động đòi hỏi học sinh chú tâm, tư duy quá 10 phút khi dạy trực tuyến.

Trong một tiết dạy, giáo viên nên tổ chức tối thiểu 3- 4 hoạt động để học sinh tương tác. Đồng thời, cần khai thác việc tự học của học sinh bằng cách giao các nhiệm vụ: trước và sau giờ học hiệu quả, tránh chỉ tập trung cho giờ học.

Ở độ tuổi lớp 1, các em bắt đầu làm quen với việc học, mục tiêu quan trọng nhất là hình thành nề nếp, thái độ và kỹ năng cơ bản để tự chủ, tự quản, tự chăm sóc bản thân. Trên thực tế, điều kiện học trực tuyến ở các cấp độ gia đình, nhà trường, hệ thống… còn nhiều bất cập, gây ra không ít khó khăn cho đảm bảo chất lượng.

Tuy chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy học trực tuyến nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn cần nỗ lực để các em có thể duy trì việc học tập. Điều đó phần nào sẽ đáp ứng nhu cầu của các em bằng cách điều chỉnh nội dung, phương pháp, các yêu cầu cần đạt.

Ở trẻ em, nhiều thói quen sẽ dần mất đi nếu bị “bỏ quên” trong khoảng 3 tháng, có nghĩa rằng các nề nếp, kỹ năng liên quan đến việc học khó được duy trì nếu học sinh không rèn luyện thường xuyên. Do đó, việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch kéo dài như hiện nay giúp giảm một số nguy cơ gây ra trạng thái tâm lý tiêu cực, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, hoạt động.

Với phụ huynh, chúng ta cần xác định “có nhiều sự cố, nhiều điều bất bình thường” khi con học trực tuyến tại nhà. Nhà là lớp học, nên chúng ta có thêm vai trò “trợ giảng”cho các giáo viên. Chăm lo dinh dưỡng, thể chất và cả lối tư duy tích cực rằng: học sẽ là cách thức giúp các con và chúng ta thích nghi với bối cảnh dịch bệnh này. Quan tâm đến việc học của con, học cùng con cũng sẽ giúp chúng ta sống tích cực  hơn.

Các gia đình nên chú ý nâng cao trang bị thiết bị, đường truyền và học cùng con. Hãy tổ chức hoạt động sau giờ học cùng với người thân, đưa việc học diễn ra ngay trong chính đời sống gia đình. Như vậy sẽ làm cho việc học gần gũi, dễ triển khai và hạn chế được những bất cập của học trực tuyến đối với trẻ nhỏ.

Không dạy trực tuyến khi chưa đảm bảo
 
20210907008
Học sinh học trực tuyến.

Trước khi bước vào năm học mới, dù Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến đối với lớp 1, tuy nhiên nhiều nơi chưa vội áp dụng hình thức này với lý do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, khó đảm bảo chất lượng dạy và học.

Đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ nêu 3 lý do khi không tổ chức dạy học trực tuyến lớp 1. Thứ nhất, nếu học trực tuyến, yêu cầu cần đạt với học sinh lớp 1, dù chỉ ở mức độ căn bản nhất đọc thông, viết thạo, biết tính toán, sẽ không được như mong đợi, khó đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh lớp 1 chưa có kỹ năng cần thiết để học trực tuyến và làm chủ phương tiện công nghệ thông tin. Mặt khác, trẻ nhỏ tiếp cận phương tiện công nghệ thông tin sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý.

Thứ hai, phụ huynh và giáo viên chưa có mối liên hệ, trao đổi, hợp tác cùng dạy học cho trẻ lớp 1 tại nhà. Do đó phụ huynh không có đủ kiến thức, kỹ năng sư phạm để dạy con học. Nhiều gia đình còn khó khăn trong việc mưu sinh mùa dịch (đặc biệt là vùng nông thôn), chưa thể mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến.

Thứ ba, điều kiện nền tảng công nghệ thông tin tại hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học online. Nhiều giáo viên tiểu học chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng dạy học trực tuyến.

Tương tự, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương quyết định không xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến với lớp 1. Lý do, các em chưa biết chữ nên việc học trực tuyến rất khó khăn và không đảm bảo chất lượng. Nếu dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, tỉnh sẽ dạy qua truyền hình nhằm thuận lợi, công bằng cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.

HÀ CƯỜNG
Theo vtc.vn
 
Link gốc: https://vtc.vn/day-truc-tuyen-lop-1-viet-chu-co-the-cham-hon-khong-nen-cung-nhac-lich-hoc-ar635256.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây