Học trực tuyến - nỗi trăn trở của phụ huynh Nghệ An trước năm học mới. Ảnh minh hoạ
Nỗi niềm của phụ huynh
Trước diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch, lịch học trực tuyến đối với toàn bộ học sinh các khối lớp học trong năm học mới 2021 - 2022.
Sở GD&ĐT tỉnh đề ra lịch học trực tuyến cho các cấp học cụ thể như sau: Học sinh tiểu học sẽ học trực tuyến vào khung giờ từ 17 giờ đến 21 giờ, riêng thứ 7 và Chủ nhật sẽ bố trí thời gian khi thống nhất được với phụ huynh; Trung học cơ sở sẽ học từ 7 giờ đến 12 giờ; Trung học phổ thông sẽ học từ 13 giờ đến 17 giờ và sau 21 giờ hàng ngày.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các trường, địa phương rà soát, lập danh sách các trường hợp không thực hiện được việc học trực tuyến, có kế hoạch triển khai việc dạy học theo điều kiện, tình hình cho các em để bảo đảm chương trình học đúng kế hoạch
Đứng trước chủ trương này, nhiều phụ huynh hết sức băn khoăn, lo lắng. Đặc biệt là khoản kinh phí mua các thiết bị, máy móc để bảo đảm việc học cho các con. Nhiều gia đình có hai, thậm chí ba con cùng lịch học thì việc bắt buộc phải mua nhiều máy móc sẽ tốn khoản kinh phí không hề nhỏ. Đó là chưa kể các chi phí khác như lắp hệ thống đường truyền internet...
Chị Nguyễn Thi O. (TP Vinh) cho biết, hai vợ chồng chị đều là bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn. Trong thời điểm dịch đang phức tạp nên lịch làm việc của vợ chồng chị dày đặc.
"Tôi phải gửi hàng xóm trông con hộ. Người thân cũng chẳng có ai ở gần nên việc kèm cặp con học mỗi ngày, đêm theo chương trình học mà Sở GD&ĐT đặt ra là rất khó khăn. Con tôi hiện đang bước vào lớp 1, muốn học phải có người kèm cặp, mở máy, hướng dẫn, động viên, sát sao... Việc học trực tuyến đang khiến gia đình tôi hết sức đau đầu mà chưa thể tìm được phương án thích hợp", chị O. chia sẻ.
Ngoài ra, với số lượng học sinh, giáo viên tham gia học trực tuyến lớn, trong khi hạ tầng đường truyền còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng lớn tới việc học. Viện dẫn cho điều này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho rằng, việc học trực tuyến cũng đã được triển khai ở năm học trước nhưng chỉ hiệu quả ở khu vực thị trấn, trung tâm xã. Bởi nhiều địa bàn chưa có mạng internet, không có điện thoại... Thậm chí đến nay huyện này còn có 126 điểm bản thì trong đó khoảng một nửa điểm bản là chưa có điện thì rõ ràng việc học trực tuyến là bất khả kháng. Quan điểm của phòng giáo dục huyện này là sẽ xin Sở GD&ĐT tỉnh thực hiện các phương án riêng tại địa bàn phù hợp để tổ chức học trực tiếp tại các trường, điểm trường.
Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An nói gì?
Tại tỉnh Nghệ An, hiện có một số địa phương vùng cao khó khăn, đa phần người dân là đồng bào dân tộc thểu số, điều kiện kinh tế, xã hội hạn chế khó khăn như Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu... Việc áp dụng học trực tuyến với các địa phương này rõ ràng là một thách thức cực kỳ lớn và cần phải có giải pháp phù hợp hơn.
Trên các diễn đàn mạng hội trong thời gian gần đây tại tỉnh Nghệ An hết sức nóng về vấn đề triển khai dạy học trực tuyến. Họ cho rằng quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An là đúng chủ trương và phương án học tập là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh tại địa phương đang hết sức phức tạp. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó cần có những biện pháp tháo gỡ cụ thể hơn để phụ huynh an tâm, bớt trăn trở và thêm gánh nặng trong khi dịch dã phức tạp, khó khăn chồng chất. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng các giải pháp, an ninh mạng viễn thông, chất lượng phần mềm, bản quyền phần mềm, nền tảng hỗ trợ, để khi triển khai học sẽ không còn những hành vi xấu, sai trái, lệch lạc gây ảnh hưởng việc dạy học của giáo viên, học sinh như đã từng xảy ra.
Qua trao đổi, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thì phải xây dựng chi tiết, cụ thể, phải có sự tính toán hợp lý, dựa trên sự khảo sát, kiểm tra, số lượng đại đa số. Sở ban hành văn bản rất cụ thể, đó là tại thời điểm này việc thực hiện dạy học trực tuyến là giải pháp căn cơ, hiệu quả và đúng nhất, để vừa bảo đảm việc học nhưng bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cán bộ giáo viên... hơn hết là thực hiện tốt quy định, giải pháp trong phòng chống dịch cùng cấp ủy, chính quyền.
Tùy theo điều kiện thực tế, Sở yêu cầu các địa phương, các trường rà soát, thống kê danh sách những trường hợp bất khả kháng, khó khăn trong vấn đề học trực tuyến để Sở có hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp, sát với thực tế, bảo đảm quyền lợi và việc học tập của các em. Đó là điều tiên quyết, không áp dụng máy móc, thành tích, nóng vội, tất cả phải phù hợp và không để học sinh hay phụ huynh phải rơi vào trạng thái khó, bí bách. Sở đã quán triệt rất kỹ càng từng lãnh đạo quản lý, từng trường, từng hiệu trưởng về vấn đề này. Quan điểm luôn vì học sinh, hỗ trợ tối đa để các em học đủ, chất lượng.
“Trong điều kiện dịch đang phức tạp thì chúng ta phải tối ưu những phương án dạy học tốt nhất cho các em học sinh, đó là trách nhiệm và là điều tiên quyết. Khi dịch đã ổn định thì có thể tăng thời gian học ở trường, kể cả học ngày 2 buổi hoặc học thêm vào thứ 7, Chủ Nhật. Đây sẽ là thời gian vàng để bổ sung những lượng kiến thức còn thiếu hụt. Phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng, vì chúng ta xác định việc dạy và học sẽ làm từng bước, chậm nhưng chắc. Không áp dụng máy móc, không để các em phải chạy theo sự khó khăn, không nôn nóng...” - ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-day-hoc-truc-tuyen-khong-ap-dung-may-moc-phai-can-cu-dieu-kien-thuc-te-433018.html