Ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào
Theo các chuyên gia y tế, cơ thể con người không thể tiếp tục thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi mãi, mà lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Theo đó, tế bào lympho B sẽ phản ứng đầu tiên trong lần đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh (hoặc vaccine). Các tế bào B được kích hoạt sẽ phân chia nhanh chóng và biệt hóa thành các tế bào plasma tạo ra các protein gọi là kháng thể.
Các kháng thể có thể đánh dấu những kẻ xâm nhập đáng ngờ để tiêu diệt và một số có thể liên kết với một phần của mầm bệnh để ngăn chặn nó lây nhiễm hoàn toàn vào các tế bào. Đây là kháng thể "trung hòa".
Kháng thể trung hòa ngăn chặn trực tiếp virus xâm nhập tế bào và gây bệnh. Nhưng, các kháng thể sẽ suy yếu sau khi nhiễm bệnh, do lympho B tồn tại trong thời gian ngắn tạo ra kháng thể và sẽ chết đi nhanh chóng.
Dữ liệu từ Israel, quốc gia đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng tích cực bằng cách sử dụng vaccine mRNA Pfizer & BioNTech, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng của vaccine này giảm từ 95% xuống chỉ còn 39% trong suốt 5 tháng.
Từ những con số này, các nhà nghiên cứu thấy rằng: Theo thời gian, dù mất dần khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng vaccine vẫn giữ được khả năng ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng. Khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng có thể đang suy yếu, nhưng khả năng bảo vệ khỏi nhập viện dường như đang được duy trì.
Vaccine liều thứ 4 có thể làm tăng cao mức độ kháng thể "trung hòa", điều này có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào.
Và bất kể loại vaccine nào, liều thứ 4 có thể làm tăng cao mức độ kháng thể "trung hòa", điều này có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, đồng nghĩa với việc tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức ổn định. Hiện nay, WHO khuyến khích các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 (mũi tăng cường thứ 2) vaccine ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Cụ thể, tại Canada, Ủy ban Tư vấn tiêm chủng quốc gia (NACI) Canada khuyến nghị các tỉnh và vùng lãnh thổ của nước này cần chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường thứ hai trong vài tuần tới. Đối tượng ưu tiên là người sống tại trung tâm dưỡng lão, người trên 80 tuổi...
Tại châu Á, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai vào tháng 3; trong khi Singapore thông báo kế hoạch tiêm cho người từ 80 tuổi trở lên.
Về hiệu quả của mũi vaccine tăng cường thứ hai ở người cao tuổi, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel, mũi vaccine thứ 4 ngừa Covid-19 bằng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ dường như chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.
Tại Mỹ, trước đó, quốc gia này đã phê duyệt tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người có hệ miễn dịch suy yếu và những người từ 50 tuổi trở lên. Mũi vaccine thứ 4 ngừa Covid-19 cần tiêm ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm thứ 3. Quy định này là với những người đã tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.
Khi nào Việt Nam cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?
Để triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 4, Việt Nam cần đánh giá mức độ dịch bệnh, tính miễn dịch và sinh kháng thể ở người tiêm vaccine như thế nào. Theo đó, nếu kháng thể suy giảm thì sẽ cần phải tiêm theo chiến lược chống dịch hoặc thực hiện tiêm vaccine hằng năm như đối phó với cúm mùa.
Đây là ý kiến đề xuất của các chuyên gia liên quan đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
“Chúng ta cần phải có đánh giá cụ thể những yếu tố miễn dịch và sinh kháng thể, đồng thời, tham khảo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 và những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các hoạt động du lịch, đi lại được mở cửa, do vậy người dân vẫn cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) chia sẻ.
Việt Nam cần đánh giá mức độ dịch bệnh, tính miễn dịch và sinh kháng thể ở người tiêm vaccine Covid-19 mũi 4.
Cũng theo ông Phu, nếu triển khai tiêm chủng mũi vaccine Covid-19 thứ 4 thì cần tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, những cán bộ y tế, nhân viên tuyến đầu… Việc thực hiện tiêm đại trà hay tiêm hằng năm vẫn cần dựa trên các đánh giá, tham khảo kinh nghiệm trước khi quyết định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với tiêm liều nhắc lại, Bộ hướng dẫn áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Liên quan đến việc tiêm mũi thứ 4 vaccine Covid-19, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 4 này ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3, nên mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà.
Với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nguy cơ do Covid-19, Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vaccine sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng, hoặc có thể chuyển nặng nếu bị nhiễm bệnh.
"Nên tiêm nếu năng lực cho phép"
Trao đổi với báo chí, BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng, mũi 4 chỉ nên tiêm khi thời hạn phát huy hiệu lực bảo vệ của mũi 3 đã trôi qua. Có nhiều ý kiến cho rằng người tiêm đủ 3 mũi đều có miễn dịch, do đó không cần thiết phải tiêm mũi 4 nhưng theo tôi, mấu chốt vẫn phải dựa trên báo cáo chính xác từ việc đo nồng độ kháng thể trong cơ thể cũng như các tư liệu khoa học cộng đồng.
Tôi cho rằng nếu năng lực (chi phí, vaccine, nhân lực...) cho phép thì việc tiêm vaccine mũi 4 là điều cần thiết, còn không có thể ưu tiên tập trung vào một số nhóm đối tượng nguy cơ. Thực tế hiện nay có Israel đã thực hiện tiêm chủng mũi 4 và đang có một số quốc gia cũng lưỡng lự.
Tuy vậy, để đi đến việc triển khai kế hoạch này, chúng ta cần theo dõi thêm về hiệu quả thực sự của vaccine đối với chủng Omicron, đặc biệt trong bối cảnh tại TP.HCM chủng này hiện đang chiếm ưu thế.
Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/tiem-vaccine-covid-19-mui-4-co-that-su-can-thiet-66024.html