Cuộc sống hai mặt của người trẻ

Thứ hai - 08/05/2023 05:49
Nỗi sợ giao tiếp với cộng đồng ở thanh niên Trung Quốc có dấu hiệu trầm trọng thêm, khi nhiều người cho hay việc nói chuyện trên mạng hay ngoài đời đều là thách thức lớn với họ.
D2023050806 1

Cuộc khảo sát mới nhất của China Youth Daily kết luận rằng nhiều thanh niên ở Trung Quốc cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với người xung quanh, từ xã giao cho đến thân quen.

Lúng túng là tâm trạng chung của thế hệ trẻ khi gặp gỡ mọi người ngoài đời thực, SCMP đưa tin.

Trước đó, trong một cuộc khảo sát khác cũng của trang này vào tháng 11 năm ngoái, khoảng 80% sinh viên đại học Trung Quốc tin rằng họ có các triệu chứng nhẹ của chứng sợ xã hội hoặc rối loạn lo âu xã hội.

Tìm mọi cách né tránh nói chuyện ngoài đời

Trên Internet, từ "shekong", có nghĩa là chứng ám ảnh xã hội (social phobia), đã trở thành từ thông dụng và thường xuyên được người dùng trẻ tuổi nhắc tới.

Sự lan rộng của từ này cho thấy "căn bệnh" sợ nói chuyện trực tiếp ở ngoài không bó hẹp trong một nhóm người ít ỏi, mà phổ biến trong thanh, thiếu niên của quốc gia tỷ dân.

Nhà tâm lý học Huang Jing (tỉnh Chiết Giang) tin rằng việc sử dụng mạng xã hội rộng rãi là lý do chính khiến nỗi sợ giao tiếp gia tăng.
 
D2023050806 2
Shekong trở thành thuật ngữ thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc trong những năm gần đây. Ảnh: Global Times.
 
“Nghịch lý nằm ở chỗ nhiều thanh, thiếu niên ngày nay, những người được cho là ở độ tuổi tò mò và thích khám phá, lại thường từ chối ra khỏi nhà và gặp gỡ bất kỳ ai", cô nói.

Li Li, nữ sinh 17 tuổi ở Thượng Hải, thường ở lì trong phòng ngủ, sau một tuần học tập ở trường.

“Tôi có thể nói rất nhiều trên mạng. Song, khi gặp mọi người ngoài đời thực, tôi ngại ngùng, không biết phải nói gì. Có lẽ bởi trao đổi online sẽ an toàn hơn, ít nhất tôi không phải lộ diện”, cô chia sẻ.

Cheng Qiang (29 tuổi), làm việc cho một tập đoàn truyền thông ở Bắc Kinh, phát hiện mình mắc bệnh sợ gặp người lạ từ khi học cấp 2.

Nói với China Daily, Chen cho biết luôn đeo khẩu trang trong văn phòng để tránh phải nói chuyện với đồng nghiệp. Anh cũng chọn con đường vòng mỗi khi đi vào nhà vệ sinh hay canteen, để tránh chạm mặt nhiều người.

“Rối loạn trở nên trầm trọng hơn khi tôi ở gần những người biết tôi nhưng không thân thiết”, anh nói.
 
D2023050806 3
Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc mắc chứng rối loạn lo âu xã hội tăng lên được nhiều chuyên gia tin rằng do có tác động của thời đại mạng xã hội. Ảnh: Reuters.
 
Tương tự, Liu Jin (Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) thừa nhận mình không thích giao du với người mới quen. Mỗi lần phải giới thiệu bản thân với người lạ, Liu Jin cảm giác mình thực sự phải "phá vỡ lớp băng" bên ngoài để tỏ vẻ thoải mái.

“Khi gặp người lạ, tôi thường không chủ động mở lời. Tôi chỉ phản ứng một cách thụ động", nam sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học, nói.

Guan Jian, giáo sư ngành Tâm lý học từ Đại học Nankai, đánh giá sự không thể thiếu của mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin đã khiến mong muốn, nhu cầu tiếp xúc trực tiếp ngoài đời suy yếu.

"Theo cách vận hành xã hội truyền thống, nhu cầu của mọi người về các hoạt động cộng đồng đều ở mức cao, bao gồm thăm người thân, bạn bè cho đến tổ chức các nghi lễ, ngày hội vào dịp quan trọng. Chúng ta dựa vào các sợi dây liên kết như vậy để củng cố tình cảm hay dựa vào khi gặp khó khăn trong cuộc sống", Guan phân tích.

Còn hiện tại, nhiều thứ đã thay đổi. "Ví dụ, nếu cần chuyển nhà, chúng ta có thể dễ dàng thuê dịch vụ vận chuyển, thay vì phải nhờ gia đình, bạn bè giúp đỡ như trước".

Hai thái cực trên mạng và ngoài đời

Với Chen Mo (29 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học ở Bắc Kinh, giọng nói nhỏ nhẹ lại là thứ khiến cô tự ti khi phải gọi điện hay trao đổi trực tiếp.

"Tôi trên mạng và tôi ngoài đời là hai thái cực khác nhau hoàn toàn. Tôi thích nhắn tin hơn vì có thể sử dụng meme để kết thúc cuộc trò chuyện hoặc tránh sự khó xử,” cô giải thích.

Trong cuộc khảo sát 2.000 người của China Youth Daily trong độ tuổi 18-35, 64% thừa nhận họ thấy mắc kẹt hoặc "đóng băng" trong các tương tác xã hội.

Trong số đó, 27% cho biết họ gặp vấn đề với các mối quan hệ đòi hỏi tương tác đời thực. 17% nói rằng ngay cả việc nhắn tin, trao đổi trên mạng cũng là một thách thức đối với họ. 20% khẳng định dù online hay offline, việc giao tiếp với người khác đều thấy khó khăn.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 40% thừa nhận bản thân cố gắng tránh những giao tiếp xã hội nhiều nhất có thể, trái với 30% nói 'không', trong khi 30% còn lại cho biết điều đó phụ thuộc vào tình huống thực tế.
 
D2023050806 4
Nhiều người trẻ thừa nhận họ có thể tự tin nói chuyện trên mạng, nhưng rụt rè và lo sợ khi phải tương tác mặt đối mặt. Ảnh: China Daily.
 
Đối với những người ngại giao tiếp xã hội, 60% cho biết họ không thích các sự kiện có mục đích rõ ràng, còn 50% nói họ quá căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống nên không còn năng lượng để giao tiếp.

Wang Wenda, giảng viên tâm lý học tại Đại học Ninh Hạ đánh giá những người dễ có xu hướng mắc chứng ám ảnh xã hội có thể có tính cách hướng nội, hoặc thiếu tự tin hay không có những kỹ năng giao tiếp cơ bản, ví dụ như không biết cách từ chối người khác.

“Một số người rất tích cực hoạt động xã hội trên mạng nhưng lại rụt rè trong cuộc sống thực vì giao tiếp mặt đối mặt đòi hỏi nhiều kỹ năng xã hội hơn là nhắn tin", ông nói.

“Tuy vậy, các ứng dụng nhắn tin tức thời không thực sự 'tức thì' như mọi người nghĩ, vì người nhận có thể chọn không trả lời tin nhắn hoặc mất thời gian để gửi lại phản hồi. Ngoài đời thực, hai bên cần đưa ra phản ứng kịp thời, biểu cảm và cử chỉ khác nhau trên gương mặt cũng thể hiện rõ", ông nói thêm.

Theo Wangda, chứng ám ảnh xã hội này, trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến các cơn hoảng loạn và gây ra các vấn đề tâm lý khác.

Ông gợi ý rằng những người thà nhắn tin còn hơn gọi điện nên ra ngoài và tiếp xúc với đông người khác, cố gắng thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản để vượt qua nỗi sợ.

Theo Ji Longmei, nhà tư vấn tâm lý cấp cao ở Thượng Hải, chính sách một con cũng là nguyên nhân gây ra "căn bệnh" này trong giới trẻ.

"Những người con một không có anh, chị, em, ngoài ra còn bị ông bà, bố mẹ bao bọc quá mức, đi kèm với kỳ vọng cao về thành tích. Do đó, chúng dành phần lớn thời gian nghỉ để học tập, thiếu đi các kỹ năng giao tiếp cần thiết", bà giải thích.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Theo Hiền Thy Newszing.vn
Link gốc: Cuộc sống hai mặt của người trẻ - Đời sống - ZINGNEWS.VN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây