Mỗi năm, một nửa số hàng hóa giao thương của thế giới đi qua Biển Đông, 1/3 lượng dầu thô và một nửa lượng dầu hóa lỏng thương mại toàn cầu cũng đi qua khu vực này. Chưa kể đến một lượng dầu dự trữ khổng lồ còn nằm dưới đáy đại dương. Đây chính là lý do khiến cho Trung Quốc trở nên ngông cuồng như vậy trên Biển Đông, Forbes nhận xét trong bài viết có tiêu đề "Trung Quốc và cuộc chiến chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2"
Đường lưỡi bò - tuyên bố chủ quyền ngông cuồng của Trung Quốc |
Tham vọng khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông của Bắc Kinh không có nghĩa là trong tương lai gần Trung Quốc sẽ đóng cửa vùng biển này, cô lập nó khỏi các tuyến đường thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đó sẽ là các bước mà Trung Quốc sẽ làm.
Điều đầu tiên mà Trung Quốc sẽ thực hiện là tìm kiếm một quyền hành rộng lớn trong việc điều tiết giao thông trên các vùng biển. Sau đó, ngay lập tức Bắc Kinh sẽ định nghĩa lại khái niệm “quyền qua lại không gây hại” (innocent passage) và sẽ yêu cầu sự xin phép của các tàu khi qua lại vùng biển này. Dĩ nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ làm tương tự với không phận. Trong khi đó, Biển Đông, giáp với 8 quốc gia, từ lâu đã được xem là vùng biển quốc tế.
Các nhà ngoại giao châu Á đã nhìn nhận bản đồ mới này là một hành động làm gia tăng căng thẳng khu vực. Ấn phẩm này hiện vẫn chưa được chính quyền Trung Quốc công khai, tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng Trung Quốc đang cố gắng tạo ra dư luận để “chính thức hóa dã tâm” của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ban hành bản đồ đường 9 đoạn. Một bản đồ tương tự như vậy đã được Tưởng Giới Thạch vẽ ra với những dấu gạch ngang ở rìa khắp Biển Đông vào năm 1947. Sau này, khi Tưởng Giới Thạch bị đánh bại vào năm 1949, Trung Quốc đã thông qua tham vọng này của họ Tưởng và mở rộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Việc Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) vào tháng 6/1996 đã khiến cho cả khu vực hy vọng Trung Quốc thực sự từ bỏ tuyên bố mở rộng năm 1947 của họ Tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, bất chấp nghĩa vụ phải thực hiện hiệp ước, Bắc Kinh từ lâu đã đặt nền móng để chiếm đoạt Biển Đông ra khỏi chủ quyền của các quốc gia khác.
Đáng chú ý, vào tháng 8/2011, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã cho đăng một ấn phẩm, trong đó nêu rõ Trung Quốc “có 3 triệu km2 lãnh hải”. Nước này sẽ không bao giờ có được con số đó mà không bao gồm cả tuyên bố chủ quyền với hầu hết 2,6 triệu km2 của Biển Đông. Một tuyên bố mang tính cướp giật và hiếu chiến.
Cuối tháng Năm vừa qua, tại sự kiện Đối thoại quốc phòng Shangri-la ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc đã ngang nhiên khẳng định các đảo ở Biển Đông và “các vùng nước xung quanh” là “một phần lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Bằng cách sử dụng "lợi ích cốt lõi", Bắc Kinh đã báo hiệu sẽ không bao giờ thỏa hiệp chủ quyền trên Biển Đông. Đây là hành động tìm cách xâm chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Cuối tháng Năm, tại Hội nghị Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc đã ngang nhiên khẳng định các đảo ở Biển Đông và “các vùng nước xung quanh” là “một phần lợi ích cốt lõi của Trung Quốc". |
Bản đồ mới của Trung Quốc đang khuấy bùn nổi khắp các quốc gia ở châu Á. Năm ngoái, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm đoạt bãi cạn Scarborough thuộc lãnh thổ Philippines ở Biển Đông. Mỹ, dù đã có hiệp ước bảo vệ Philippines, đã để cho Trung Quốc lấy những gì họ muốn. Nhà Trắng không muốn đối đầu với Bắc Kinh bởi những lợi ích mà Trung Quốc đem lại cho Mỹ đã đặt Mỹ vào thế cầm chân. Tuy nhiên, gần đây, Lầu Năm Góc đã cảnh bảo rằng Trung Quốc đang muốn “đá” quân đội Mỹ ra khỏi căn cứ Clark và Subic ở Philippines.
Nếu như việc Trung Quốc chiếm đảo của Philippines chỉ là một thách thức gián tiếp cho Mỹ, thì với việc phát hành bản đồ mới, Bắc Kinh đã trực tiếp thách thức Washington. Trong suốt 2 thế kỷ qua, chính sách đối ngoại nhất quán của Mỹ vẫn là bảo vệ tự do hàng hải cho toàn thế giới. Và tuyên bố của Trung Quốc đã đặt tự do hàng hải của toàn cầu vào sự chấm dứt và mở cửa cho một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Vào cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp người đồng nhiệm Trung Quốc của mình, ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo sẽ có 2 ngày đàm phán sâu về các “cách thức tăng cường hợp tác” giữa 2 quốc gia và tránh những bất đồng. Tuy nhiên, không dám chắc Bắc Kinh sẽ thỏa hiệp về các tuyên bố chủ quyền Biển Đông của mình. Với Trung Quốc, hoặc Biển Đông sẽ là của họ, hoặc sẽ trở thành vùng biển chung của quốc tế. Cuộc chiến tìm kiếm sự cân bằng ở Biển Đông sẽ không thể kết thúc sớm, ít nhất là trong thập kỷ này.