Những người “lái đò” vùng biển ngang

Thứ ba - 19/11/2019 18:05
“Đứng trước viễn cảnh giải thể, chúng tôi luôn tự động viên nhau, phải biến khó khăn thành lợi thế. Khi học trò là trung tâm của mọi hoạt động thì kết quả đầu ra sẽ là thước đo toàn diện nhất về nỗ lực, uy tín của nghề giáo”. Lời tâm sự mộc mạc nhưng chất chứa bao nghị lực của tập thể sư phạm mang tên Trường THPT Nguyễn Đình Liễn ở vùng bãi ngang huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
 
T2019112002
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn luôn gắn kết hoạt động dạy học với việc quan tâm đời sống tinh thần cho mỗi học sinh (Ảnh: HOÀNG NGÀ)

Từ trường “tốp cuối” đến lớp học “siêu nhân”

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn chính thức được ghi danh vào hệ thống giáo dục Hà Tĩnh năm 2010 trên cơ sở chuyển đổi từ mô hình trường THPT bán công. Những ngày đầu mới chuyển đổi, trường THPT Nguyễn Đình Liễn đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ thiếu giáo viên, thiếu học sinh, cơ sở vật chất tạm bợ (năm học 2012 – 2013, chỉ có 65 học sinh đăng ký xét tuyển vào trường). Trong bối cảnh cùng thời điểm, nhiều trường THPT bán công mới chuyển sang công lập đều phải giải thể, tâm lý đội ngũ giáo viên đều trở nên bất an. Những khóa học kế tiếp mặc dù số học sinh có tăng nhưng đa phần các em vào học ở đây có đầu vào thấp hơn so với các trường khác trên địa bàn nên “tiếng tăm” nhà trường vì thế cũng trở nên trầm lắng. Những năm học ấy dù cố gắng đến mấy trường THPT Nguyễn Đình Liễn cũng chỉ nằm ở “tốp cuối” trên bảng xếp hạng các trường THPT tại Hà Tĩnh.

Thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết, nhận diện rõ khó khăn, ngay từ đầu, Ban giám hiệu nhà trường đã lựa chọn việc ổn định tâm lý, động viên cán bộ, giáo viên phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân để tạo thành sức mạnh của tập thể nhà trường là giải pháp đầu tiên để duy trì sự ổn định của trường, lớp. “Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, nhà trường xác định với quy mô nhỏ thì nhà trường sẽ có điều kiện để kèm cặp học sinh được tốt hơn. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã phối hợp lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên quyết liệt trong việc phân luồng tuyển sinh. Nhờ đó, năm học 2013 - 2014, số học sinh đã tăng lên đáng kể với 145 em”, thầy Thắng nói.

Cùng với công tác tuyển sinh, việc xây dựng cơ sở vật chất nhà trường cũng được Hiệu trưởng Nguyễn Nam Thắng đặt lên hàng đầu. Mặc dù các nguồn lực để thực hiện dự án xây dựng trường hết sức khó khăn nhưng ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã vận dụng tối đa nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp để huy động nguồn lực xây dựng trường. Đến năm học 2015 – 2016, học sinh trường Nguyễn Đình Liễn đã có một ngôi trường mới khang trang trên diện tích 5 ha.

Vượt qua những khó khăn, năm học 2015 – 2016, trường THPT Nguyễn Đình Liễn trở thành đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục Hà Tĩnh và được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Những “quả ngọt” đầu tiên cũng đã bắt đầu “đơm trái” khi nhà trường có nhiều học sinh ghi danh tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, xếp thứ hạng cao. Đặc biệt, tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, có 100% học sinh lớp 12A8, trường THPT Nguyễn Đình Liễn đều đạt điểm xét tuyển đại học tổ hợp tự nhiên từ 21 điểm trở lên. Điều đáng nói, đa phần bố mẹ của các em trong lớp học “siêu nhân” là những gia đình nông dân, ngư dân vùng bãi ngang huyện Cẩm Xuyên, nơi cuộc sống còn lắm khó khăn.

Vai trò người “cầm lái”

Nếu ví các thầy cô giáo ở trường THPT Nguyễn Đình Liễn là những người lái đò thầm lặng thì thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng nhà trường xứng đáng với vị trí “thuyền trưởng” dạn dày kinh nghiệm.

Qua trao đổi với các giáo viên nhà trường, chúng tôi được biết, với vai trò là Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Nam Thắng luôn coi trọng và tập trung xây dựng môi trường dân chủ, công khai, minh bạch trong các hoạt động. Nhờ đánh giá đúng chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, hiểu rõ năng lực, sở trường của từng người để phân công nhiệm vụ cho phù hợp và luôn là người đứng sau thúc đẩy phong trào, Hiệu trưởng Nguyễn Nam Thắng đã đi tới thành công trong việc tạo sức bật mới ở trường THPT Nguyễn Đình Liễn.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1989), một trong 11 giáo viên trẻ về trường theo chính sách thu hút nhân tài chia sẻ: “Những ngày đầu về trường với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, rất may là chúng tôi được thầy hiệu trưởng chỉ bảo tận tình. Chính thầy Nguyễn Nam Thắng đã truyền cảm hứng, khơi dậy trong chúng tôi nhiệt huyết, sức trẻ và nền tảng kiến thức bài bản đã được đào tạo vào ứng dụng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học”.

Theo chia sẻ về bí quyết truyền lửa cho các giáo viên trong trường, thầy Nguyễn Nam Thắng cho biết: Ngoài việc tập trung đổi mới, phát triển sáng tạo cho học sinh, nhà trường còn quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, nhằm giảm sức lao động cho cán bộ, giáo viên. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn cũng là đơn vị trường học đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh tiếp cận và ứng dụng phần mềm quản lý giáo án online. Phần mềm quản lý giáo án online tiện ích giúp giáo viên chủ động chuẩn bị giáo án, bài dạy ở các dạng Word, Power point. Đây là một trong những hoạt động thay đổi căn bản nền nếp làm việc của giáo viên, của tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn. Thông qua phần mềm, tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng chuyên môn dễ dàng nắm bắt được tiến độ thực hiện, chất lượng soạn giảng của từng giáo viên. Trong quá trình thực hiện, những giáo viên có giáo án không đạt yêu cầu sẽ được nhận thông báo từ tổ trưởng, nhóm trưởng … để có sự khắc phục, điều chỉnh kịp thời. Ứng dụng thành công phần mềm quản lý giáo án online không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời đại công nghệ 4.0 mà còn giải phóng sức lao động cho giáo viên, tiết kiệm giấy mực...

Thương hiệu của trường THPT Nguyễn Đình Liễn còn được khẳng định bằng việc tạo môi trường thân thiện, góp phần rèn luyện nhân cách lối sống cho học sinh. Những sân chơi kiến thức bổ ích, những phong trào hướng về bạn nghèo như phong trào “mỗi ngày một việc tốt” được khởi đầu bằng sự gương mẫu của các thầy cô giáo trong từng lời nói, việc làm… đã tạo điều kiện cho học sinh có thêm nhiều cơ hội tích lũy hành trang, kiến thức, kỹ năng sống. Thầy Nguyễn Nam Thắng cho biết: “Toàn trường có tám tổ công đoàn thì mỗi tổ nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ chia sẻ với các em những khó khăn về vật chất, giáo viên còn là những người cha, người mẹ, bày dạy cho các em hình thành một con người nhân cách, đạo đức tốt”.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Nguyễn Quốc Anh, bằng tinh thần đổi mới, thầy giáo Nguyễn Nam Thắng đã truyền cảm hứng say mê, sáng tạo để khơi dậy và thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm dạy học, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, góp phần đưa trường THPT Nguyễn Đình Liễn từ một ngôi trường bộn bề khó khăn trở thành đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua của ngành giáo dục Hà Tĩnh.

NGÔ TUẤN
Theo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây