Theo đó, bài vị bằng chữ Hán có nội dung: “Đại Nguyên soái Nhập nội giao tham dự triều chính Bình Chương quân quốc Tri binh dân trọng sự Tư không Vũ Mục Chiêu Trưng, gia tặng Bình trung Phù chính Thượng đẳng thần” (Hình 1). Ngoài ra đạo sắc được vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), ban cho Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi nhằm ca ngợi công đức và tiến phong tước có nội dung như sau: “Sắc cho Đại Nguyên soái Nhập nội giao tham dự quốc chính Tri binh dân đồng, Bình chương sự Vũ Mục Lê Công Cai Nam giới Hải môn tặng phong Chiêu trưng Đại vương: Đất thiêng giáng thần, đức lớn trời sinh, che chở cho dân thấu tận trời xanh, công vững như bàn thạch ngàn năm. Nhìn không thấy hình nhưng sự anh linh thọ ngang trời đất mạch trời kế nối việc bao phong hả không rực rỡ. Nay tự Vương được tiến phong Vương vị, vào ngự chính phủ nên được gia ban lễ trật, phong thêm ba mỹ tự, cho nên gia phong là: “ Đại Nguyên soái Nhập nội giao tham dự triều chính Thiêm tri binh dân đồng Bình chương Vũ mục Lê Công Cai Nam giới Hải môn tặng phong Chiêu trưng Diên khánh tích hỗ hiển linh Đại vương. Nay ban sắc. (Ngày 28 tháng 7 năm Cảnh Hưng 44 (1783).
Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (? - 1446), tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc triều Lê sơ. Lê Khôi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu tiên, lập nhiều công lao, Lê Thái Tổ lên ngôi Vua phong cho ông là Kì Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu. Sau đó, Lê Khôi được giao làm Trấn thủ Hoan Châu, nhiều lần tham gia đánh Chiêm thành, lập được nhiều chiến tích, trên đường đem quân trở về, không may ông mắc bệnh và mất ở chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới. Nghe tin ông mất, triều đình bãi triều ba ngày, lệnh cho an táng thi hài trên núi Long Ngâm truy phong tước Nhập nội Đô đốc, thụy là Trung Hiển và lập đền thờ phụng. Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay, ngoài đền thờ chính tại núi Long Ngâm, có nhiều làng xã vùng biển Ngang đã lập đền thờ vọng Lê Khôi như: đền Thuận Nghĩa (xã Thạch Trị) đền Đại Hải, đền Đức thánh Chiêu trưng đại vương Lê Khôi (xã Thạch Hải), đền Nước Lạt (xã Thạch Bàn), đền Mai Lâm (xã Mai Phụ), đền Đông Phương (xã Thạch Kim) .v.v…
Có thể thấy, việc phát hiện các hiện vật cổ, quý hiếm nói trên đã khẳng định Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi là một nhân vật lịch sử kiệt xuất, lưu danh sử sách và có sức sống trường tồn trong lòng nhân dân Hà Tĩnh./.
Võ Đình Thi