Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng biên giới

Thứ hai - 21/10/2019 14:18
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, hiện nay, các đối tượng đầu nậu, lâm tặc đã thay đổi phương thức, thủ đoạn khai thác gỗ trái pháp luật trong các vùng rừng giàu nguyên sinh biên giới.

Trao đổi với Báo Nghệ An trong ngày 20/10/2019, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác trái phép gỗ rừng biên giới, trong các vùng rừng quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong).


Các lực lượng huyện Quế Phong bắt quả tang 2 đối tượng người Mông Lào khai thác trái phép gỗ sa mu trong Khu BTTN Pù Hoạt hồi đầu năm 2019. Ảnh: CTV

Về phương thức thủ đoạn để khai thác trái phép gỗ các vùng rừng biên giới đã thay đổi. Các đối tượng đầu nậu, lâm tặc không còn trực tiếp thực hiện hành vi khai thác trái phép gỗ rừng, mà thuê người dân thực hiện. Các đối tượng này cũng không thuê người dân Nghệ An ở các vùng rừng biên giới, mà móc nối, thuê người dân Lào khai thác gỗ trái phép cho chúng.

Lý do bởi tỉnh Nghệ An có sự kiểm soát chặt chẽ tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh gỗ trái pháp luật. Trong khi đó, một số tuyến đường biên giới của Lào đã được khơi thông, thuận lợi cho các hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và việc kiểm soát của các huyện giáp biên của nước bạn Lào còn chưa chặt chẽ, thậm chí còn lỏng lẻo.


Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nêu thực trạng và đề ra các giải pháp bảo vệ rừng biên giới tại cuộc họp trực tuyến ngày 16/10/2019. Ảnh: Thành Duy

Qua một số biện pháp điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, một số đối tượng đầu nậu gỗ, trong đó có đầu nậu người Nghệ An đã sang nằm vùng tại các huyện giáp biên nước bạn Lào để móc nối, thuê người dân Mông Lào thực hiện hành vi khai thác, tổ chức vận chuyển, kinh doanh gỗ trái phép.

Đối tượng cây rừng thường bị chúng khai thác trái phép chủ yếu là cây sa mu, là loại cây quý hiếm được pháp luật Việt Nam quy định phải bảo vệ nghiêm ngặt. Loại cây này còn khá nhiều tại các điểm cao, thuộc các vùng rừng biên giới Tây Nghệ An, trong Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.


Đoàn công tác tỉnh Nghệ An phát hiện gỗ sa mu khai thác trái phép tập kết tại bản Nậm Táy (Lào). Ảnh: Nhật Lân

Nhằm bảo vệ rừng nguyên sinh biên giới, tháng 6/2019, được sự đồng ý của tỉnh, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức một đoàn công tác sang các huyện giáp biên, thuộc tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào để khảo sát, đánh giá tình hình. Tuy nhiên sau chuyến đi cũng chưa thể chủ động thực hiện được những biện pháp hữu hiệu. Lý do vì để ngăn chặn được tình trạng này, không thể đơn độc một mình địa phương Quế Phong, mà cần phải có sự vào cuộc đồng đồng bộ trên địa bàn rất rộng, kể cả ở phía Lào.

Vì vậy, cần phải có những biện pháp hữu hiệu, và phải tập trung thực hiện quyết liệt. Thứ nhất, cần phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch đánh trực tiếp vào các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh gỗ trái pháp luật. Lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ này, trước hết là kiểm lâm, các đơn vị bảo vệ rừng Pù Hoạt, Pù Mát, biên phòng, công an cùng với các huyện có liên quan.

Thứ hai, qua công tác điều tra đã xác định sau khi các đối tượng chặt hạ cây gỗ, thì đưa gỗ về tại các bản Mông Lào vùng giáp biên. Sau đó sẽ vận chuyển theo các lối mở, không chỉ ở Nghệ An mà cả các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa… để đưa gỗ về Việt Nam. Vì vậy, rất cần một sự thống nhất kế hoạch giữa Nghệ An với hai tỉnh bạn Hà Tĩnh và Thanh Hóa để kiểm soát chặt chẽ tất cả các cửa khẩu, lối mở với nước bạn Lào.


Đoàn công tác tỉnh Nghệ An phát hiện gỗ sa mu khai thác trái phép tập kết tại bản giáp biên Nậm Táy, huyện Xăm Tảy, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Nhật Lân

Thứ ba, để nắm bắt các diễn biến, hoạt động của các đối tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh gỗ trái phép thì các lực lượng tham gia phải có những hoạt động trên đất Lào. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất với các tỉnh của Lào để chỉ đạo các lực lượng chức năng của hai bên có sự phối hợp chặt chẽ.

“Những nội dung này, tôi đã nêu ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 16/10 của Thường trực Tỉnh ủy với các Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc. Trong đó yêu cầu UBND tỉnh cùng các ngành cấp tỉnh quan tâm thực hiện vì chỉ có cấp tỉnh chủ trì thì việc giải quyết vấn đề này mới có hiệu quả. Chúng ta phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ. Có như vậy, các vùng rừng giàu nguyên sinh biên giới mới được bình yên…” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.

Theo Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây