Ngày 4/6, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp lực lượng chức năng vừa phá đường dây lừa bán tượng giả cổ để chiếm đoạt tiền tỷ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Công an làm việc với Võ Văn Kiên.
Trước đó, Công an huyện Nghi Lộc phát hiện trên địa bàn này mới xuất hiện một hình thức lừa đảo mới bằng cách rao bán các pho tượng giả cổ hình Thánh Giuse, Đức Mẹ mân côi, Đức Mẹ ban ơn để chiếm đoạt tiền. Nạn nhân mà các đối tượng hướng tới là người dân, các chức sắc, chức việc tại nhà thờ, giáo xứ trên địa bàn huyện và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng thời gian này, Công an huyện Nghi Lộc nhận được tin báo của một người phụ nữ trú tại huyện Nghi Lộc về việc đã bị lừa bằng hình thức bán tượng nói trên. Cụ thể, tháng 4/2024, có 2 người đàn ông lạ mặt tiếp xúc và giới thiệu vừa đào được các tượng cổ hình Thánh Giuse, Đức Mẹ mân côi, Đức Mẹ ban ơn. Sau khi thuyết phục, 2 đối tượng bán cho người phụ nữ này với giá 177 triệu đồng. Chỉ đến khi các đối tượng rời đi, người này mới phát hiện mình bị lừa nên lên cơ quan công an tố cáo.
Những bức tượng giả cổ mà Kiên và Tâm đã lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt khoảng 2 tỷ đồng.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định 2 đối tượng lừa bán các tượng giả cổ nói trên là Võ Văn Kiên (SN 1990, trú tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) và Nguyễn Chí Tâm (SN 1991, trú tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Kiên và Tâm cũng là 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo bán tượng giả cổ tại các tỉnh thành trên khắp cả nước.
Ngày 30/5, Công an huyện Nghi Lộc phối hợp lực lượng Công an tỉnh Nghệ An, Công an các địa phương tỉnh Tây Ninh bắt giữ thành công Võ Văn Kiên khi đối tượng đang lẩn trốn tại thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Quá trình bắt giữ Kiên, Công an thu giữ: 9 pho tượng bằng đồng, 3 điện thoại di động và nhiều vật chứng có liên quan khác.
Công an Nghi Lộc đang mở rộng điều tra vụ án.
Tại Cơ quan Công an, Võ Văn Kiên khai nhận từ đầu năm 2024 đến nay đã cùng với Nguyễn Chí Tâm mua nhiều pho tượng đồng với giá từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng. Cả 2 sau đó tự chế tác thêm các chữ, số: “24-12-1728”; “GOLD 14K” để đánh lừa là tượng cổ làm bằng vàng có giá trị cao. Cả 2 sau đó mang những bức tượng này tìm đến các nhà thờ, giáo xứ để lừa bán lại với giá từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng/1 pho tượng.
Với hình thức trên, cả 2 đã lừa nhiều người dân tại các tỉnh thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và chiếm đoạt khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng thừa nhận đã lừa bán tượng cho người phụ nữ ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rồi chiếm đoạt 177 triệu đồng.
Vụ việc đang được Công an huyện Nghi Lộc mở rộng điều tra làm rõ.
Theo Ngọc Tú Tiền phong