Nhằm minh bạch hóa công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 67 trong đó quy định, người dân được giám sát, ghi âm, ghi hình công an, cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường. Thông tư có hiệu lực từ hôm nay 15/1. Bên cạnh hoan nghênh quy định trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nên có thêm quy định xử lý người lợi dụng việc ghi hình, ghi âm cản trợ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ...
CSGT xử lý một trường hợp vi phạm, được giới truyền thông ghi hình giám sát Ảnh: T.Đảng
Dân chủ, vì dân phục vụ
Cụ thể, Thông tư số 67 có nội dung Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ký, nêu rõ, mục đích của thông tư là: Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ.
Cùng với quy định về các nội dung tổ chức tuần tra, kiểm soát của công an phải công khai, minh bạch, tại chương II của thông tư này cũng nêu 5 điều về việc nhân dân được tham gia ý kiến, giám sát về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Cụ thể, điều 5, nêu rõ: các hình thức nhân dân được giám sát bao gồm: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ...
Về hiệu lực thi hành, điều 12 Thông tư nêu rõ, thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 1 năm 2020. Thông tư này cũng thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BCA ngày 2/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trước đó, với nội dung ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ, năm 2013 Cục CSGT, Bộ Công an từng đề xuất thông qua quy định “người dân muốn ghi hình, quay phim CSGT làm nhiệm vụ phải xin phép”, do không phù hợp thực tế và bị dư luận phản ứng, sau đó đề xuất này đã bị tuýt còi, không được ban hành.
Ghi hình nhưng không được cản trở...
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra xử lý tai nạn giao thông (TNGT), Cục CSGT cho biết, thực tế trước khi Thông tư 67 có hiệu lực, khi còn là dự thảo, sau đó được Bộ trưởng Bộ Công an ký vào ngày 28/11/2019, Cục CSGT đã thông tin, tuyên truyền và giao nhiệm vụ cho CSGT tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Theo đó, từ sáng 15/1, cùng với thực hiện nghiêm các quy định trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trên đường, CSGT trên cả nước sẽ áp dụng các điều khoản, quy định mới tại Thông tư 67.
Tuy nhiên, với nội dung ghi âm, ghi hình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cũng lưu ý: để người dân được giám sát thuận lợi và không gây ảnh hưởng đến công việc, thậm chí có thể gây ức chế cho lực lượng thực thi pháp luật, thông tư còn có quy định về việc ghi âm, ghi hình của người dân.
Cụ thể, tại mục 5 điều 11 nêu rõ: Khi thực hiện giám sát bằng hình ảnh, người dân phải đảm bảo các điều kiện, gồm : Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan...
Là đơn vị quản lý trật tự giao thông trên nhiều tuyến đường cửa ngõ và có các bến xe lớn, trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, ông ủng hộ việc có thêm các kênh giám sát CSGT làm việc từ người dân. Việc này sẽ làm cho cán bộ, chiến sỹ làm việc ngoài đường luôn ý thức được rằng mình có thể bị người dân giám sát mọi lúc, mọi nơi khi làm việc, từ đó mỗi cán bộ, chiến sỹ phải tự nâng cao trách nhiệm, giữ hình ảnh, tác phong đúng mực.
Cho ý kiến về việc người dân được phép ghi âm, ghi hình CSGT làm việc, ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: Hoan nghênh quy định trên vì nó giúp cho mỗi tài xế, lái xe yên tâm hơn khi đi lại và có thể được phép ghi lại hình ảnh (nếu cần) khi bị lực lượng CSGT xử lý vi phạm trên đường.
“Trước đây việc này chưa được quy định rõ, thậm chí Cục CSGT còn có đề xuất quy định phải xin phép nên tài xế, lái xe muốn ghi lại hình ảnh để làm căn cứ báo cáo lại chủ doanh nghiệp hoặc đôi khi làm tư liệu, bằng chứng cho mình thường rụt rè, không dám công khai. Nay Bộ Công an có quy định như vậy là rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự dân chủ, công khai và văn minh”, ông Quyền nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa cũng cho rằng, cùng với quy định cho người dân được phép ghi hình ảnh CSGT làm việc, Bộ Công an cũng nên có thêm chế tài xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc này để gây cản trở, thậm chí cắt ghép, bóp méo hình ảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Cho phép lực lượng chức năng được ghi lại hình ảnh và là căn cứ để xử lý “nóng”, “nguội” các trường hợp cản trở, chống đối và vi phạm các lỗi giao thông trên đường.
Quyền ghi hình phải trong khuôn khổ
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng lưu ý, quyền giám sát, ghi hình phải diễn ra trong khuôn khổ, trật tự, chuẩn mực chung.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) không chỉ của riêng lực lượng công an, cảnh sát mà còn là nhiệm vụ của toàn dân, do vậy việc Bộ Công an ban hành Thông tư 67 cùng với cho phép người dân được giám sát công khai lực lượng thực thi công vụ trên đường, thông tư cũng nhấn mạnh mỗi người dân cũng ý phải ý thức được trách nhiệm, hành vi của mình với những quy định cụ thể.
Cùng với được quyền giám sát, người dân cũng có phải nghĩa vụ thực hiện các quyền ấy đúng mực, chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, có trách nhiệm thông báo, hỗ trợ CSGT đảm bảo, trật tự an toàn giao thông.
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa cũng cho rằng, cùng với quy định cho người dân được phép ghi hình ảnh CSGT làm việc, Bộ Công an cũng nên có thêm chế tài xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc này để gây cản trở, thậm chí cắt ghép, bóp méo hình ảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Cho phép lực lượng chức năng được ghi lại hình ảnh và là căn cứ để xử lý “nóng”, “nguội” các trường hợp cản trở, chống đối. |
Trọng Đảng
Theo Tiền phong
Link gốc: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dan-ghi-hinh-ghi-am-csgt-lam-nhiem-vu-can-dieu-kien-gi-1509292.tpo