Xôn xao việc lâm tặc câu kết kiểm lâm

Thứ năm - 08/06/2017 10:18
(Hatinhnews) - Giám đốc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết sẽ nghiêm túc xem xét thông tin đang rộ lên trong dân là lâm tặc câu kết với kiểm lâm để đưa gỗ sưa ra khỏi rừng.

Chốt kiểm soát của kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: Lam Giang

Ngày 7-5, chúng tôi trở lại khu vực Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi vừa xảy ra cuộc hỗn chiến tranh giành gỗ sưa đêm 5-5.

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, một thợ rừng ở Khe Gát, vừa từ rừng Phong Nha thoát hiểm trở về rạng sáng 7-5 sau khi chạm trán một nhóm người lạ mang theo dao, mã tấu, bình xịt hơi cay. Anh Quỳnh cho hay hiện người dân ở Khe Gát không đổ xô vào rừng nữa, mà chỉ đứng ở cửa rừng chờ những người vận chuyển gỗ ra để cướp.

Chính quyền không quản nổi

Sáng 7-5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với UBND xã Phúc Trạch để làm rõ nhóm 11 người ở Thanh Sen được cho là đã đốn ba cây gỗ sưa trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lương, chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết vẫn chưa thể xác định được danh tính 11 người này, bởi hiện hàng trăm người dân Thanh Sen vẫn còn ở trong rừng. “Rất nhiều người ở đây đã được nhận tiền công từ các đầu nậu thuê gùi gỗ sưa, có người được nhận hàng chục triệu đồng. Tiền công thuê gùi gỗ sưa từ điểm khai thác ra khỏi bìa rừng khoảng 150.000-200.000 đồng/kg” - ông Lương nói.

Ngày 7-5, các cơ quan đoàn thể ở xã Phúc Trạch tiếp tục đến nhà các hộ dân ở khu vực Thanh Sen vận động người dân không nên vào rừng vì nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ông Lương nói vì món lợi quá lớn, người dân vẫn liều mạng đổ xô vào rừng. Trong khi đó địa bàn sinh sống của người dân quá rộng nên chính quyền quản lý không nổi. UBND xã Phúc Trạch đã yêu cầu công an huyện khẩn trương tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, bởi tình hình đã vượt quá khả năng kiểm soát của xã.

Có chăng việc lâm tặc “mua đường”?

Đến cuối chiều 7-5, Tuổi Trẻ đã gặp ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và đặt lên bàn làm việc của ông những câu hỏi mà dư luận đang nóng lòng chờ đợi. Ông Thành nói:

- Những ngày qua vườn đã phối hợp với các địa phương như Phúc Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch để vận động và ngăn chặn người dân không tiếp tục vào rừng tìm gỗ, không tham gia mua bán gỗ, không vận chuyển gỗ cho đầu nậu phá rừng... Công việc này đang được duy trì thường xuyên và có hiệu quả.

* Ông nói rằng các biện pháp ngăn chặn đã có hiệu quả, nhưng thưa ông, tại sao những ngày qua vẫn có hàng trăm người dân tiếp tục vào rừng?

- Ba xã trên có hàng chục ngàn dân, trong khi vườn có tổng diện tích hơn 120.000ha với nhiều ngõ ngách, đường núi, đường rừng... thì không tránh khỏi việc người dân vẫn lén lút tìm cách vào rừng.

* Ba cây sưa bị đốn hạ đã diễn ra gần một tháng nhưng đến ngày 22-4 vườn mới triển khai công tác ngăn chặn người dân vào rừng, vậy có chậm quá không?

- Không chậm, vì trước đó ngay khi nhận được thông tin chặt hạ gỗ sưa thì vườn đã triển khai ngay các công tác liên quan. Nhưng do vụ việc không phải đơn thuần như các vụ chặt phá cây rừng khác, vì loại cây gỗ sưa này có giá trị quá lớn, nên nhiều người dân tìm cách vào rừng khai thác mong kiếm được nhiều tiền. Phải có biện pháp, phương án cụ thể mới ngăn chặn được. Ngay sau khi UBND tỉnh họp về vấn đề này (ngày 22-4) thì vườn đã triển khai trên diện rộng, đến nay vườn đã huy động thêm tất cả lực lượng tự vệ của vườn và các cơ quan trực thuộc gồm 30 người làm nhiệm vụ cơ động và sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

* Thưa ông, những ngày qua đã có thông tin rộ lên rằng lâm tặc và thương lái đã “mua đường” của kiểm lâm vườn và đã đưa được gần hết gỗ sưa ra khỏi rừng. Ông có ý kiến gì về thông tin này?

- Tôi có đọc báo cũng như nghe dân bàn tán về thông tin này, nhưng đến hôm nay điều này tôi chưa nắm được. Chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc chuyện này, và nếu có những thông tin cho thấy có dấu hiệu là sự thật thì tôi sẽ báo ngay với các cơ quan chức năng và đề nghị họ làm rõ để nhanh chóng loại những đối tượng xấu này ra khỏi lực lượng kiểm lâm của vườn.

* Vậy thưa ông, vì sao lượng gỗ sưa đã ra khỏi rừng Hung Trí khá nhiều nhưng kiểm lâm vườn chỉ mới bắt giữ được đúng một mẩu?

- Đúng là đến nay vườn chỉ thu được một mẩu gỗ loại đe (gốc cây). Trong những ngày qua, kiểm lâm vườn phát hiện và bắt giữ một số vụ vận chuyển gỗ, nhưng do sưa là loại gỗ có giá trị lớn nên thường bị lâm tặc huy động nhiều người bao vây, hăm dọa để tẩu tán gỗ. Có vụ người dân kéo tới cả trăm người bao vây kiểm lâm. Vụ khai thác gỗ sưa ở rừng Hung Trí được tổ chức khá tinh vi, chặt chẽ từ khâu khai thác ban đầu đến vận chuyển, mua bán, thậm chí thuê người lên giữ gỗ. Vườn đã tổ chức tìm hiểu, theo dõi và truy tìm nhưng do quá tinh vi nên rất khó vây bắt và thu giữ gỗ.

LAM GIANG - NGUYÊN LINH

Đắk Lắk cử người bảo vệ sưa

Trước nạn chặt trộm cây sưa, ngày 7-5 Công ty Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường Đắk Lắk cho biết đã lập đội bảo vệ gỗ sưa, đội này sẽ thay phiên nhau túc trực từ 18g30 hôm trước đến 5g30 hôm sau tại các cây sưa trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Theo tuoitre.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây