"Tôi đi bộ đội bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Năm 2004, tôi phải điều trị đa thanh quản ở Bệnh viện K. Ổn định được một thời gian thì xạ trị bắt đầu phá cơ thể khiến tôi bị loét một mảng da dưới tai phải, dài 6 cm, rộng 4 cm, sâu 2 m luôn bốc mùi khó chịu", ông Bình kể.
Ông Bình không thể ngờ chỉ sau một thời gian ngắn nhập viện, vết loét ở cổ của ông đã lành. Ảnh: Phan Dương. |
Vết thương nằm sát đe dọa thủng động mạch cảnh nên dù đi nhiều bệnh viện, ông Bình chỉ nhận được cái lắc đầu. Một lần nghe người nhà giới thiệu lên Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, ông Bình tìm đến.
"Các bác sĩ quyết định chữa cho tôi nhưng đều xác định đây là một ca khó. Quả thực như vậy, tôi đã 3 lần suýt chết. Lần đầu, tôi được chuyển vạt da ở lưng vá lên vết hở ở cổ và để nuôi dưỡng vùng bị tổn thương do tia xạ chiếu. Sau nửa tháng, bác sĩ làm tiếp thì bị vỡ động mạch. Chỉ thay băng thôi, tôi cũng bị vỡ động mạch cảnh một lần nữa".
"May được cấp cứu kịp thời nên tôi vượt qua được. Bây giờ tôi đã khỏe, chuẩn bị được xuất viện rồi", người đàn ông 63 tuổi sung sướng đã thoát khỏi căn bệnh quái ác.
15 năm nay, bà Nguyễn Thị Lý (60 tuổi, Quảng Bình) phải sống chung với cánh tay trái to gấp 2, 3 lần tay bên phải, do tác động của xạ trị sau khi cắt bỏ ung thư vú ngực trái. Bà không thể ngờ gần cuối đời lại được giải phóng khỏi nó.
Bà Lý kể cắt u vú năm 1992, rồi sợ tái phát nên nạo vét hạch nách. Năm 1997, cánh tay của bà bắt đầu bị phù. Bà đi nhiều bệnh viện nhưng không nơi đâu có thể giúp bà.
"Cuộc sống của tôi vô cùng bất tiện với cánh tay to, nặng gần gấp ba cánh tay bình thường, đêm ngủ không ngon, ngày cũng không làm được việc gì do cánh tay tê bì không thể cầm nắm được. Vì nó quá to và nặng, nhiều khi tôi phải lấy tay nọ đỡ tay kia", bà Lý nói.
Sau khi điều trị ung thư vú, nhiều bệnh nhân bị phù bạch hạch, hay còn gọi là bệnh "phù tay voi". Ảnh do bệnh viện cung cấp. |
Tiến sĩ Vũ Quang Vinh, khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác xác định đây là bệnh phù bạch hạch. Nguyên nhân phù bạch mạch có thể do vét hạch nách trong điều trị và dự phòng di căn của ung thư làm tổn thương hệ thống bạch huyết, dẫn đến dưỡng chấp sẽ ứ đọng trong các mô kẽ ở tay mà không đổ vào tuần hoàn chung.
"Bệnh nhân giơ cao tay thì sự phù nề này sẽ hết, nhưng lâu dần hệ bạch mạch bị xơ hóa và dịch ứ đọng nhiều dẫn đến bị phù vĩnh viễn. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ có hình dạng tay voi. Khi vào giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các vết loét, tê bì và hạn chế vận động", Tiến sĩ Vinh cho biết thêm.
Ứng dụng kỹ thuật siêu vi phẫu (sử dụng kỹ thuật vi phẫu đối với các động mạch, tĩnh mạch có đường kính dưới 0,7 mm), các bác sĩ đã nối thông từ bạch mạch sang tĩnh mạch, để dưỡng chấp trở về tuần hoàn chung qua các tĩnh mạch ở tay.
Khó khăn nhất trong phương pháp này là tìm ra hệ thống bạch hạch, vì theo bác sĩ, bạch mạch có màu trong suốt, kích thước vô cùng nhỏ bé chỉ 0,3-0,8 mm. Bên cạnh đó, quá trình nối bạch mạch và tĩnh mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối từ phẫu thuật viên.
Chỉ sau 2 tuần điều trị bằng công nghệ siêu vi phẫu, bệnh phù bạch mạch đã được cải thiện khiến tay bệnh nhân trở lại bình thường. Ảnh do bệnh viện cung cấp. |
"Phù bạch mạch là bệnh thường gặp sau điều trị ung thư vú, từ trước tới nay y học nước ta chưa có cách nào chữa trị. Bệnh nhân thường phải chịu đựng sự bất tiện, 'sống chung với lũ' cả đời", bác sĩ Vinh cho biết thêm.
Cũng do tác động của xạ trị vì cắt ung thư vú, bà Hoa (Hà Nội) bị phá ngực bên ngực phải, dẫn đến lộ màng phổi.
Bà kể, vào năm 1988 phải cắt ngực phải, 9 năm sau bà phải cắt luôn bên trái. Nhưng sau 22 năm kể từ khi cắt lần đầu cơ thể bà bắt đầu bị lở loét.
"Tôi dùng kháng sinh không khỏi. Nghe người ta mách dùng thuốc nam, tôi dùng càng làm vết thương ăn sâu hơn. Các bệnh viện chỉ giúp tôi chăm sóc vết thương nhưng không thể làm nó lành. Tôi bị cắt bỏ 3 xương sườn do tia xạ làm hoại tử. Tổn thương không dừng lại tiếp tục ăn sâu xuống màng phổi đe dọa thủng và lộ tim. Tôi đã tưởng mình sẽ chết vì nó", bà Hoa cho biết.
Vết thương của bà Hoa càng ngày càng loét nặng. Lúc nhập Viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ đã xác định bà đã bị hoại tử vào xương (từ xương sườn thứ năm đến thứ mười) và lộ màng phổi.
"Các bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ xương sườn bên phải của tôi. Lấy vạt da sau lưng đắp lên vùng hoại tử. Giờ vết thương đã bình thường, chỉ có vùng da bị lấy sau lưng còn hơi đau một chút", bà Hoa nói.
GS Lê Năm - Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đánh giá kỹ thuật dùng chất liệu tạo hình lấy từ da lưng để ghép mặt, vá các vết thương loét do tác dụng phụ của tia xạ là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Nó giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh suốt đời, không như phương pháp ghép mặt đồng loại.
"Phương pháp này mở ra một triển vọng rất tốt cho bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh hay bị tai nạn. Kỹ thuật này cũng rất khó, phải cần đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm mới làm được. Ghép những cái nhỏ thì nhiều bệnh viện trong nước ta làm được nhưng ghép những vạt lớn hiện chỉ có Viện Bỏng làm được", GS Lê Năm nói.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không biết đến thế mạnh này vì ai cũng nghĩ Viện Bỏng chỉ trị bỏng chứ không làm được tạo hình. Thực tế, bằng công nghệ vi phẫu, Viện Bỏng có thể tạo hình vú bằng vạt da DIEP cho phụ nữ cắt bỏ vú sau ung thư, chuyển ngón chân, thay thế ngón tay cái bị cắt cụt, tạo hình dương vật bị cắt cụt do tai nạn hoặc ung thư...
"Khoa Phẫu thuật tạo hình mới thành lập và phát triển rất nhanh, là thế mạnh của Viện Bỏng hiện ít bệnh nhân biết mà tìm đến. Lúc đến thì bệnh tình họ đã rất nặng, gây khó khăn cho chúng tôi. Nếu nói là chúng tôi vẫn phải đang đi tìm bệnh nhân cũng không sai", GS Lê Năm cho biết thêm.
Theo vnexpress.net
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn