“Ông trùm cướp giật” khét tiếng Sài Thành một thuở

Thứ sáu - 09/06/2017 00:05
(Hatinhnews) - Đảo ngũ nhiều lần, từ tay hành nghề "bốc đổng" (giật đồng hồ), Nguyễn Văn Tân trở thành một tay cướp giật siêu hạng.
Hơn 60 tuổi đời, từ Canada trở về sau 30 năm xa cách, ông Nguyễn Văn Tân nhận thấy Sài Gòn có quá nhiều đổi thay. Với con mắt người có nghề "bốc đổng", ông thấy giờ người Sài thành đi xe máy không còn lo bị giật đồng hồ. Trong các cuộc dạo phố, dưới mác Việt kiều sang trọng, ít người biết ông Việt kiều Tân bây giờ có một thời nổi tiếng là tay "bốc đổng" gan lì thượng hạng.

Bằng kỹ thuật siêu hạng, một thời Tân đã giật được nhiều đồng hồ đắt tiền

Số mệnh trộm cướp

Xuất thân trong một gia đình Hoa lai ở quận 6, từ tuổi thiếu niên, Tân (còn có biệt danh Tân lùn) đã tỏ ra có "năng khiếu" chôm chỉa. Tính Tân ham chơi học hành lớt phớt. Cha mẹ la mắng, dạy dỗ khuyên nhủ cũng như "nước đổ đầu vịt". Nghỉ học sớm. Tân được gia đình cho đi học nghề thợ tiện. Nhưng với bản tính ương bướng, lì lợm nên học được mấy hôm, Tân bỏ ngang. Suốt ngày, trong đầu kẻ ham chơi này chỉ nghĩ đến cách kiếm nhiều tiền mà không phải lao động vất vả.

Nhiều người còn nhớ, một lần Tân lấy xe máy Sachs của cha chạy chơi. Cậu không ngần ngại vào một tiệm sửa xe, cho thợ gắn nguyên bộ máy cũ rệu rạo đổi cho máy còn mới của chiếc xe nhà. Bù lại, thợ sửa xe phải trả tiền cho Tân. Cậu mang xe về trả cho cha rồi im ỉm giữ số tiền đổi máy để tiêu xài. Chưa tới tuổi thành niên, Tân nổi tiếng trộm vặt trong xóm. Cậu quơ quào mọi thứ, từ cái quần, chiếc áo, con gà nào mà chủ để hớ hênh miễn sao bán được và có tiền. Tân ham chơi bỏ quên ngày tháng, trong khi anh em ruột đều lương thiện, chăm học.

Tới tuổi quân dịch, Tân đăng lính biệt động quân. Nhưng chưa được bao lâu, vì cuộc sống của lính tráng khổ cực, gò bó nên Tân sớm đảo ngũ. Về nhà chưa ấm chỗ, Tân lại tiếp tục bị đăng vào lính không quân. Chứng nào tật nấy, con ngựa chứng, không thể theo quân lệnh nên hắn lại tiếp tục đảo ngũ. Tân trốn lính, nhưng không dám về nhà vì sợ lại bị bắt đi lính nên theo một đàn anh dân ken (nghiện ma túy) tập tành nghề "bốc đổng". Khi có chút mánh khóe, kinh nghiệm và mong muốn làm giàu, Tân tách ra làm ăn riêng, với sở trường cướp giật dọc trên công lộ.

Mỗi ngày, Tân chạy Honda 67 xoáy nòng 65cc cốt tứ trên đường phố Sài Gòn. Mắt dáo dác "ngánh" (quan sát) kỹ đồng hồ đeo trên tay những người chạy xe trên công lộ. Với con mắt của một tay "bốc đổng" đã có hạng, Tân dễ dàng nhận ra những chiếc đồng hồ nào có giá trị cao. Khi chọn được "con hàng", Tân chạy xe theo sau khổ chủ, có cơ hội là ra tay ngay lập tức. Và gần tới ngã tư, Tân trả lùi về số mạnh, rà xe Honda, cập gần con mồi..., rồi bằng kỹ thuật tinh xảo, Tân lùa mấy ngón tay dưới mặt đồng hồ, vặn mạnh, làm bung cốt dây đồng hồ. Khi khổ chủ chưa kịp hoàn hồn, Tân nhanh chóng thu chiến lợi phẩm, bỏ gọn vào túi quần, đồng thời, rồ máy xe, sang số trớn phóng nhanh, quẹo liền vài cua (giao lộ) mất hút, bỏ lại đằng sau khổ chủ đang hớt hải tri hô: "Cướp, cướp" nhưng chỉ biết đứng lặng nhìn theo.

Nhiều người Sài Gòn từng biết về tay "bốc đổng" này vẫn nhớ như in hình ảnh, một thanh niên mặc áo trắng, cưỡi chiếc Honda ngày ngày chạy trên đường phố. Tân có một điểm lạ là mỗi khi đi hành nghề, hắn luôn mặc áo sơ mi trắng để tránh bị nhận diện. Có lần, đang trên đường hành sự, gặp cảnh sát thổi còi, chặn bắt lính, Tân phóng xe bạt mạng cho đám cảnh sát cay đắng ngửi khói.

Hầu hết số đồng hồ giật được Tân giải hết cho một tay thầu đồ gian, lấy nhiều tiền tiêu pha một cách hoang phí. Để "làm ăn" đáng đồng tiền bát gạo trong mỗi cuộc mạo hiểm, Tân chuyên canh me, giật các loại đồng hồ Rolex trên tay các xì thẩu (nghiệp hủ) người Hoa giàu có. Một đồng hồ Rolex giải được khoảng 20.000 đồng tiền (thời ấy giá vàng 10.000 đồng mỗi lượng). Cứ như vậy, với nghề "bốc đổng" siêu hạng, Tân sống như đế vương một thời gian dài.

Vào tù, ra tội

Sau một thời gian hành nghề "bốc đổng" và kiếm chác được chút tiền, Tân nghĩ nghề này sống được. Cũng chính vì nạn cướp bóc hoành hành nên chính quyền đã thực hiện nhiều cuộc trấn áp. Qua theo dõi và trình báo của các nạn nhân, cảnh sát đã ngắm tới Tân. Tuy cảnh sát lập nhiều phương án nhưng không bắt được Tân vì hắn hành sự quá điệu nghệ và thoắt ẩn, thoắt hiện nhanh như chớp. Tới năm 1972, Tân bị lực lượng hình cảnh Tổng nha cảnh sát Sài Gòn theo dõi "bắt nguội" (không có tang chứng) trên công lộ. Nhân viên hình cảnh tống Tân vào nhà lao Tổng nha. Các thẩm vấn viên thay nhau tra tấn, nhưng Tân nhất quyết không nhận tội. Mãi không có thông tin gì và cũng như không có chứng cứ, cảnh sát Ngụy nhốt Tân vào khám Chí Hòa đợi ngày ra tòa xét xử.

Ở trong khám Chí Hoà, bằng nhiều cách và mánh khóe, Tân được làm trật tự viên có uy quyền đối với đám tù thường phạm. Trong tù, Tân được đám giang hồ nể nang vì những "chiến tích" trên công lộ. Do vậy, trong tù Tân được xếp "chiếu trên" so với bọn trộm vốn nhát gan. Ngày ra tòa, Tân được một nữ luật sư danh tiếng biện hộ. Với những lời lẽ sắc bén của nữ luật sư và do không có tang chứng, vật chứng, kết cục, Tân được phóng thích vì toà không đủ căn cứ buộc tội.

Sau khi được phóng thích, nhiều người nghĩ Tân sẽ quay lại con đường lương thiện, nhưng ngược lại, Tân lại hoạt động cướp bóc gan lì hơn trước. Khi Sài Gòn được giải phóng, trưa ngày 30/4/1975, lợi dụng tình trạng hỗn loạn, Tân cùng một đồng bọn thực hiện nhiều vụ cướp bóc táo tợn. Sau đó không lâu, Tân trở lại nghề ruột "bốc đổng". Nhưng lúc này an ninh trật tự đã được kiểm soát, những tên trộm cướp như Tân nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của công an. Một thời gian sau Tân bị bắt và phải đi cải tạo.

Hết hạn cải tạo, Tân vẫn nhất quyết không hoàn lương. Tiếp tục nghiệp "bốc đổng", Tân dành dụm được chút tiền rồi cưới vợ. Hạnh phúc chẳng tày gang, Tân lại bị bắt và lại phải đi cải tạo. Sau khi được tha, Tân bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp bằng việc thuê xe Honda 67 của một tay hảo hán làm phương tiện để tiếp tục hành nghề "bốc đổng".

Theo nhiều người cao tuổi tại Sài Gòn, vào thời đó, người Sài thành có tiền mua sắm cũng là lúc khối lượng lớn đồng hồ đời mới được nhập lậu vào Việt Nam. Chính vì có nhiều người đeo nên mỗi ngày, Tân giật được vài đồng hồ trị giá nhiều chỉ vàng. Có tiền, Tân mua được xe Honda 67. Không chỉ thế, Tân còn sắm thêm nhiều của cải cho vợ con. Ỷ vào thành tích nhiều năm không "thua nóng" (bị bắt quả tang) và cái nghề "hái ra tiền", Tân tiếp tục lao vào con đường giật dọc chuyên nghiệp. Sau một thời gian hành nghề, Tân đã tích lũy được gần 10 cây vàng.

Tuy nhiên, sau một thời gian hành nghề, Tân xác định đây không phải là nghề nghiệp lâu dài và không thể thách thức pháp luật mãi, Tân đã "chuyển hướng" làm ăn. Năm 1981, Tân xuống tàu vượt biên sang Malaysia. Sau đó, Tân qua Canada định cư. Ở xứ người, tình hình an ninh trật tự rất tốt nên Tân đành an phận với nghề tài xế taxi nhiều năm liền.

Sau nhiều năm sống ở Canada, Tân trở về Việt Nam. Về quê hương, Tân mới nhận ra mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp "bốc đổng" ngày trước. Nhiều người trong số đó đã chết sớm vì nghiện ma tuý. Tại quê hương, tay “bốc đổng” thượng hạng thuở nào giờ mái tóc đã bạc phơ chân thành khuyên nhủ các bạn trẻ đua đòi, ăn chơi chớ lao vào con đường phạm pháp. Ông bảo, "của thiên trả địa", tiền bạc bất lương dễ kiếm nhưng hết cũng rất nhanh. Ai lỡ sa chân vào chốn giang hồ thì sớm muộn gì cũng lâm cảnh tù tội.

                                                                                                                   Theo nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây