Hiệu trưởng chưa từng tới tận nơi chế biến, vẫn kí hợp đồngTheo một số phụ huynh, ngày 18/5, bà Nguyễn Thị Thu Hải – Giám đốc điều hành công ty TNHH MTV Citymart Company, người đang giữ vị trí hiệu trưởng nhà trường đã có cuộc họp khẩn cấp với một số phụ huynh ở cơ sở Golden Westlake, nhưng không giải quyết được vấn đề.
Chị V, mẹ bé P lớp Koala Bear 2 kể lại: “Qua cuộc họp với phụ huynh cơ sở Golden Westlake, cô Hải thừa nhận chưa bao giờ đến khảo sát bếp của Công ty Cơm Việt. Càng tệ hơn khi nhà trường không hề giám sát chất lượng thường xuyên.
Các mẹ còn thấy các cô nấu bếp bốc thức ăn bằng tay không đeo găng, rồi lau tay vào tạp dề bẩn. Theo hợp đồng, một ngày các bé được ăn 42.000 đồng/ 2 bữa phụ, 1 bữa chính (chưa VAT), nhưng có mẹ hỏi ở bếp, người ta nói chỉ 10.000 đồng/bữa thôi.
Như vậy thì chuyên gia dinh dưỡng bậc thầy chắc cũng không làm cho bữa ăn của các con phong phú và dinh dưỡng được.
Đáng nói là công ty Cơm Việt đã cung cấp thức ăn từ tháng 12/2010, cả một thời gian dài như vậy con chúng tôi như những con heo bị cho ăn cám bẩn ấy.
Vậy mà họ còn nói, đây là chỗ tốt nhất trong 3 chỗ họ định thuê, vậy không hiểu từ "tốt" ở đây nên hiểu thế nào. Cô Hải thậm chí còn nói phụ huynh có thể tự chuẩn bị đồ ăn cho con trong giai đoạn này.
Vậy chúng ta đóng tiền học phí cao để hàng ngày lại lọ mọ mang cơm cháo đến lớp, và ai cũng mang đến thì để vào đâu, bảo quản thế nào?”.
|
Phụ huynh bức xúc phản pháo ban giám hiệu nhà trường trong cuộc họp ngày 21/5 (Ảnh: KV)
|
Đến buổi họp thứ 2 (diễn ra ngày 21/5), vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Tại cuộc họp này, một phụ huynh khác bức xúc nói: “Gần hai năm qua, con chúng ta bị chính nhà trường đầu độc. Họ chỉ quan tâm tới chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, còn trên thực tế, con chúng ta phải ăn những thức ăn mà đến chó, mèo, chim bồ câu tôi cũng không dám cho ăn, thì họ không quan tâm”.
Ngoài ra, phụ huynh còn cho biết, nhà trường đã không đảm bảo tốt các yêu cầu về học tập khác như việc thay đổi quá nhiều giáo viên trong một thời gian ngắn, không có cơ sở y tế để điều trị cho các con...
Trong khi đó, ông Thomas Chan, Tổng giám đốc trường Maple Bear nói, những hình ảnh mà các mẹ đưa ra trong cuộc họp không chứng tỏ được việc thức ăn có bị ô nhiễm và là thực phẩm được chế biến cho học sinh trường Maple Bear hay không?
Vị lãnh đạo này còn nhấn mạnh: “Tôi cũng không phải là chuyên gia dinh dưỡng nên không thể biết được thực phẩm bẩn có vào trong trường và đi vào trong dạ dày của các em hay không?
Chúng tôi chọn đơn vị cung cấp thức ăn này vì họ đảm bảo những yêu cầu về giấy tờ, chứng nhận, bằng cấp. Chúng tôi trả 48.400 đồng/ngày tiền thức ăn là đã cao hơn mức hiện nay, vì mức tiền ăn của các trường công lập chỉ 25.000đ/ngày”.
|
Khu chế biến đồ ăn nhếch nhác cho các bé trường Mapble Bear
|
Nhà trường và phụ huynh: Cuộc chiến không cân sức?Bày tỏ lo ngại trước tình trạng sức khỏe của các bé theo học ở đây, một số phụ huynh yêu cầu nhà trường đổi đơn vị cung cấp thức ăn trong lúc chờ trường xây bếp ăn riêng.
“Đó phải là nhà cung cấp thức ăn uy tín như Aden – nơi cung cấp thức ăn cho trường quốc tế Pháp, đồng thời cung cấp dịch vụ vệ sinh cho Sheraton, Megastar…”, một phụ huynh nhấn mạnh.
Tối 21/5, nhà trường đã trình chiếu cho phụ huynh xem những giấy tờ chứng minh về công ty thực phẩm đó đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận bảo hiểm suất ăn cho trẻ, hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm và hóa đơn mua hàng tại một số siêu thị của họ…
Đồng thời nhà trường cũng xin lỗi phụ huynh vì việc lựa chọn nhà cung cấp chưa đạt được mong muốn của phụ huynh và đưa ra giải pháp là: Ngừng sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp này, Khách sạn Hà Nội sẽ nấu cho trẻ trong thời gian 3 ngày chờ nhà cung cấp mới (Nhà cung cấp mới có thể là Aden).
Nhà trường và phụ huynh sẽ cùng lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm cho các con; Nhà trường, phụ huynh và bếp trưởng của trường khách sạn mà trường đang làm cùng xây dựng một quy trình về kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, các phụ huynh cho rằng, câu trả lời của đại diện nhà trường không thỏa đáng.
|
Nhiều phụ huynh chưa đồng tình với cách giải quyết của nhà trường (Ảnh: KV)
|
“Việc nhà trường nói mình không phải là chuyên gia về thực phẩm chỉ để thoái thác trách nhiệm. Mỗi người đều phải ăn thức ăn hàng ngày, chỉ cần nhìn cách chế biến cũng có thể nhận biết chất lượng thực phẩm như thế nào. Vấn đề là phải thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm chứ không phải ký hợp đồng rồi là phó mặc cho nhà cung cấp”, một phụ huynh bức xúc phản pháo.
Ngòai ra, đa số phụ huynh còn đề nghị nhà trường bồi thường bằng việc không thu học phí học kì tới, nhà trường thanh toán khoản phí khám sức khỏe toàn diện cho các bé đã theo học ở đây từ tối thiểu 3 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, nhóm phụ huynh còn yêu cầu thay hiệu trưởng và ban giám hiệu hiện nay, gửi toàn bộ nội dung các vụ việc kiến nghị đến Ban giáo dục, văn hoá Đại sứ quán canada tại Việt Nam và trường Maple Bear Canada (nơi bán bản quyền thương hiệu cho Maple Bear Vietnam) để họ nắm được việc thực thi tiêu chuẩn của phí Việt Nam.
Bà N, người có 2 con đang theo học ở đây nói: “Ngay việc ông Thomas ủy quyền cho một luật sư đứng ra giải trình sự việc đã cho thấy nhà trường không hề có thiện chí hợp tác với phụ huynh. Ở đây cần phải bàn tới hai việc: thứ nhất cái tình, thứ hai là cái lý.
Tôi cho rằng đây là một cuộc chiến không cân sức. Phía phụ huynh đuối hơn hẳn về lý nếu khởi kiện nhà trường. Tuy nhiên, tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều là các vị làm gì cũng cần phải có lương tâm! Đừng bao giờ đặt lợi nhuận cao hơn lương tâm!”.
Đáp lại hàng loạt yêu cầu trên, ông Thomas Chan khẳng định, vào ngày 1/8 tới, trường sẽ có một hiệu trưởng mới từ Canada tới. Và đương nhiên, bà Hải sẽ phải từ chức Giám đốc điều hành hiện tại.
Không chỉ thế, trong suốt phần mở đầu của cuộc họp, ông Thomas Chan không hề nhắc tới hai từ “xin lỗi”. Và vị lãnh đạo này chỉ “xin lỗi thay cho công ty Cơm Việt” khi nhiều phụ huynh tỏ ra phẫn nộ, cho rằng nhà trường chưa có văn hóa ứng xử.
Theo vtc.vn