Bí ẩn hồ khổng lồ chỉ một đêm cạn trơ đáy

Thứ năm - 08/06/2017 21:37
(Hatinhnews) - Đối với người dân bản địa, thời điểm duy nhất trong một năm hồ Thang Hen (Cao Bằng) cạn trơ đáy chính là lúc bà con dân bản lũ lượt mang dụng cụ đi "hôi" cá trong hồ. Điều kỳ lạ nhất mà chính họ cũng không thể giải thích, đó là chỉ trong một đêm, chiếc hồ nước ngọt tự nhiên rộng hàng ha nước bị rút cạn chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Túi nước khổng lồ "thủng" trong vòng một đêm

Trong bản đồ du lịch của tỉnh miền núi Cao Bằng, địa danh hồ Thang Hen được nhắc đến như là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái nổi bật và quan trọng của vùng địa đầu Tổ quốc. Cùng với điểm du lịch lịch sử cách mạng Pác Bó, cổng trời Trà Lĩnh, rừng thông Phia Oắc - Phia Đén (huyện Nguyên Bình), thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh)..., quần thể hồ Thang Hen là địa chỉ bỏ túi của những ai "đã lên Cao Bằng không thể không qua".

Hồ Thang Hen thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng với quần thể 36 hồ tự nhiên được thông nhau bởi hệ thống hang động ngầm. Từ lâu, nó đã trở thành "vựa nước" cho cả một vùng rộng lớn, vừa có chức năng điều tiết nước tưới tiêu sinh hoạt, đồng thời còn là nơi tích nước cho những đợt bão lũ bất thường xảy ra.

Tuy nhiên, câu chuyện về hồ Thang Hen chỉ trong một đêm duy nhất trong năm đã rút cạn sạch hàng ngàn m3 nước là một bí ẩn mà không phải ai cũng biết.

Đối với bà con bản Lũng Táo, bản nằm ngay chân hồ chính Thang Hen, thời điểm hồ cạn chính là lúc cả làng đổ xô mang các dụng cụ đi bắt cá trong hồ. Từ nhiều năm nay, hiện tượng tự nhiên này được lặp đi lặp lại và trở thành một "sự kiện" thường xuyên chứ không phải bất thường.

Lục Thế Huấn, anh thanh niên sinh năm 1984, người quản lý khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen cho biết: thời điểm hồ cạn nước rơi vào quãng tháng 9, tháng 10 - giai đoạn lập thu. Vào quãng thời gian này, trong một đêm, nước hồ Thang Hen bị rút cạn chỉ trong vài ba giờ đồng hồ.

Trữ tình chiều trên hồ Thang Hen.

Huấn ở ngoài Thị xã, nên đối với anh, được chứng kiến hiện tượng kỳ lạ này là một điều cực kỳ may mắn, bởi một lẽ, người dân bản địa bằng kinh nghiệm quan sát chỉ có thể  áng chừng được thời điểm chứ không chắc chắn chính xác đêm nào hồ Thang Hen sẽ cạn nước.

Thời điểm năm 2011, tình cờ vào khu du lịch sinh thái, Huấn đã được tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ bí này.

"Khi đó, em thấy rất nhiều người dân mang theo dụng cụ bắt cá chạy ra hồ. Lúc ấy là đêm, em rất tò mò. Về sau biết chuyện, vội vàng chạy ra nên được xem "túi nước" khổng lồ bị "thủng".

Huấn kể: "Nước hồ rút từ từ nhìn thấy được, bắt đầu từ khoảng 01h sáng, kéo dài vài tiếng đồng hồ. Khi nước bắt đầu rút đến đáy, chỉ còn xăm xắp, người dân đua nhau xuống dưới hồ bắt cá. Tụi em cũng tranh thủ bắt được mấy con cá to, về nướng ăn, rất đặc biệt!

Điều kỳ lạ, hàng ngàn m3 nước hồ cứ dần dần tụt xuống, tuy nhiên, mọi thứ xung quanh vẫn không có gì thay đổi: nước bị rút xuống dưới lòng đất, hệt như ai đó tháo khúc gỗ trám lỗ thủng ở đáy chiếc chảo lớn. Chỗ mép hồ em đứng vẫn khô ráo, không có biểu hiện nước bị tràn ra.

Những hủm đất ở sát mép hồ là những cột nước tự nhiên từ dưới lòng đất phun lên khi nước trong hồ dâng.

Trước, cứ nghĩ như người ta tát ao, múc nước bên này đổ sang bên kia, chứ không bao giờ em nghĩ lạ lùng và kỳ diệu như thế này. Chỉ tiếc một điều, khi đó em không kịp quay lại cảnh hồ rút nước để làm kỷ niệm" - Huấn tiếc rẻ.

Anh Trương Văn Thắng, người dân xóm Lũng Táo (xã Quốc Toản, Trà Lĩnh) nhà ở ngay chân hồ. Anh Thắng cũng là công nhân làm việc trong khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen, khẳng định: hiện tượng kỳ bí trên là có thật.

Anh Thắng cho hay: quần thể hồ Thang Hen có 36 hồ tự nhiên, nhìn bề ngoài tưởng như tách biệt vì mỗi hồ cách xa nhau vài chục, thậm chí vài trăm mét; mỗi hồ đều có bờ ngăn riêng, tuy nhiên, tất cả đều thông nhau bởi các hang động ngầm dưới lòng đất.

36 hồ nước ngọt tự nhiên này nằm trong một thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (huyện Hoà An). Những tên hồ được đặt theo tiếng địa phương như hồ Thăng Moỏng, Thang Tè, Kỳ Rằng, Thăng Khung, Thang Luông, Thang Vạt, Thang Hoi, Thang Kiều, Thang Ngả Nôi... có từ hàng trăm năm nay.

Hồ Thang Hen là hồ lớn nhất trong quần thể 36 hồ, rộng hàng chục ha, vào mùa nước lớn có độ sâu tới 40 mét. Các hồ tự nhiên này còn là nguồn cá, tôm, tép khổng lồ của người dân bản địa. Món mắm tép nổi tiếng của xóm Lũng Táo chính là tép tự nhiên đánh bắt từ hồ.

"Chiếc hồ bị cạn nước chỉ trong một đêm duy nhất là hồ Thang Moỏng, hồ liên kề với hồ Thang Hen. Thang Moỏng có diện tích gần chục ha, và có độ sâu trên dưới 30 mét. Hồ Thang Hen là hồ lớn nhất, giữ nước lâu nhất trong các hồ. Khi hồ Thang Hen cạn nước, nước trong các hồ khác đều rút rất nhanh. Khu quần thể hồ tự nhiên này có hai mùa rõ rệt: mùa nước đầy rơi vào mùa mưa, đến lập thu nước hồ rút cạn trơ đáy kéo dài 5 - 6 tháng liền" - anh Thắng kể chuyện.

Bản Lũng Táo hiền lành dưới chân hồ Thang Hen.

Huyền thoại về quái thú hồ "đuôi ong"

Thang Hen, theo tiếng bản địa của người Tày có nghĩa là "đuôi ong". Điều này cũng gợi sự liên tưởng đến hình dáng của hồ Thang Hen giống như phần thân bầu bĩnh và mơn mởn của cong ong bầu.

Trong những câu chuyện đẫm chất liêu trai của người dân nơi đây, hiện tượng hồ Thang Hen chỉ một đêm cạn nước gắn với loài thuỷ quái bị giam giữ trong thung lũng nhiều năm, trong cơn vật vã và cuồng loạn đã dùng móng vuốt tạo nên những hang động ngầm dọc ngang dưới lòng đất.

Truyền rằng, thuở xa xưa, thung lũng Lũng Táo là một mảnh đất tươi đẹp, màu mỡ. Một ngày kia, có một quái thú kỳ lạ từ đâu tìm về làm đảo lộn cuộc sống yên lành.

Dân làng đã tập hợp tìm kế đối phó với loài quái thú. Người ta giăng một cái bẫy khổng lồ là hàng rào chông được dựng ngay trước cửa hang lớn thông từ phía dưới lên trên đỉnh núi. Con quái vật được dụ ra miệng hang, các trai đinh khoẻ mạnh nhất trong làng dùng cung tên, giáo mác... đẩy con quái thú xuống hố. Bị dính bẫy chông, con quái thú lăn lộn vùng vẫy. Trên miệng vực, người dân khua chiêng đánh trống, dùng thanh la, mã não... gõ liên hồi càng làm con quái thú thêm hoảng loạn. Và, kết quả của cơn hoảng loạn con quái thú gây ra là những hang động ngầm dọc ngang dưới lòng đất như bây giờ...

Anh Thắng chỉ cho tôi xem miệng hang lớn ở ngay trước cửa hồ lớn Thang Hen: miệng hang cao chừng 20 mét thông thẳng lên đỉnh núi. Nước hồ Thang Hen mùa này vẫn chưa rút cạn, nước vẫn còn ngân ngấn nửa miệng hang càng khiến chiếc hang thêm kỳ bí.

Chiều chầm chậm buông xuống khu thung lũng yên tĩnh. Ánh hoàng hôn chuyển sang màu đỏ tía hắt lên những đỉnh núi xa xăm khiến một bên núi bừng sáng như ai đó quạt than hồng, nửa còn lại khuất nắng chuyển sang màu xanh thẫm.

Cả khu thung lũng rộng mênh mông đủ diện tích để hình thành hai xã đông đúc như xã Quốc Toản đang ôm ấp những chiếc hồ xanh trong văn vắt, ánh lên một màu canh hến giữa điệp trùng núi... Thêm một điều kỳ lạ khiến tôi cứ ngơ ngẩn mãi, đó là màu nước hồ hệt như màu nước của con sông Son dềnh dàng từ mãi thủ phủ Trùng Khánh xa xôi.

Nếu cứ theo mô phỏng "bình thông nhau" thì quần thể hồ Thang Hen là một túi nước khổng lồ nối thông với nhiều sông suối trên Cao Bằng bằng những hang động ngầm kỳ bí.

                                                                                                                             Theo VNN


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây