“Phút biết người mắc kẹt trong đầu tàu là anh trai mình, anh ấy khóc nghẹn, ngã quỵ xuống. Chúng tôi phải động viên, dìu anh ấy về nhà”, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn tâm sự.
Vụ tai nạn trên chuyến tàu năm mới
Một buổi sáng đầu năm 2018, chúng tôi tìm đến xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Ở đây, chúng tôi đã gặp gỡ và được nghe nhiều chuyện phiền muộn đeo đẳng suốt cuộc đời những người lái tàu.
Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn (SN 1966), XN Đầu máy Hà Nội, chia sẻ, trong 34 năm cầm vô lăng, kinh nghiệm quý giá nhất đối với ông là mắt luôn phải quan sát và tay liên tục phải bấm còi khi thấy có chướng ngại vật đe dọa.
Ngoài ra, lái tàu còn phải biết phán đoán tình huống thật tốt để xử lý. Với tốc độ chạy cho phép, việc phanh gấp tránh tai nạn như lái ô tô là không thể. Bởi, muốn dừng cả đoàn tàu, phải phanh trước đó 800m.
Thế nên, khi lái tàu nhìn thấy người dân mắc kẹt trên đường ray thì không còn cách nào để tránh được tai nạn. Việc hãm phanh đột ngột chỉ là cầu may, hy vọng trong một tích tắc ngắn ngủi, người qua đường sẽ may mắn thoát được.
“Đời lái tàu, sợ nhất là gặp phải mấy thanh niên choai cứ thích phóng nhanh, vượt ẩu, thấy đoàn tàu chạy đến vẫn cố gắng để lao qua đường ray. Tôi hú còi thế nào thì họ vẫn mặc kệ”, ông Sơn nói.
Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn kiểm tra đầu máy trước khi vào ca làm.
Lái tàu Hoàng Ngọc Sơn kể rằng, có lần vào sáng mùng 4 Tết năm 2006, ông được giao nhiệm vụ lái tàu SE500 chở hàng trăm hành khách từ Hà Nội vào Ga Vinh.
“Chuyến tàu đặc biệt, chuyến tàu những ngày đầu năm mới và cũng là chuyến tàu về Nghệ An - quê hương của tôi nên lúc đó tâm trạng tôi rất lạ. Tôi vừa vui, phấn khởi lại đan xen một chút hồi hộp, lo lắng.
Khi đoàn tàu bắt đầu đến địa phận xã Nghi Liên, TP.Vinh (Nghệ An) thì không may gặp sự cố.
Lúc đó, khoảng 9h30, tàu đang chạy, tôi và người lái phụ phát hiện thấy phía trước có một chiếc ô tô con 6 chỗ màu trắng đang dừng ngay cạnh đường tàu.
Khi đoàn tàu tiến lại gần hơn thì bất ngờ, người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi từ trong chiếc ô tô thản nhiên bước ra, trên tay cầm một chiếc điện thoại. Vừa nói chuyện, ông ta vừa chậm rãi bước lên đường ray.
Thấy ông ta như vậy, tôi bắt đầu bấm còi báo hiệu, nhưng ông ta không để ý mà vẫn đứng đó tiếp tục cuộc nói chuyện. Thấy tình hình nguy cấp, tôi rung chuông để cảnh báo và dùng hệ thống phanh khẩn cấp để dừng đoàn tàu.
Thế nhưng chuyện đau lòng đã xảy ra, do khoảng cách quá gần, tàu không thể dừng bánh kịp và đâm vào người đàn ông kia. Kết quả, ông ta tử vong, thi thể không nguyên vẹn”, ông Sơn nhớ lại.
Lúc này, người lái tàu Hoàng Ngọc Sơn như sững sờ vì sự cố vừa xảy ra. Trưởng tàu đã đứng ra để giữ trật tự và ổn định hành khách, đồng thời báo cho các lực lượng chức năng đến giải quyết.
Ông Sơn cho biết, sau mỗi vụ tai nạn thương tâm, ông đều bị ám ảnh một thời gian dài.
Theo ông Sơn, sau khi nghe có vụ tai nạn trên địa bàn, vợ và con gái đến nhận thi thể người đàn ông xấu số.
Trong dòng nước mắt nghẹn ngào, người vợ không giấu nổi cảm xúc cho biết, sáng nay chồng bà ngủ dậy thì vội vàng lái chiếc xe đi chúc Tết. Bà thấy linh cảm có chuyện chẳng lành nên ngăn chồng ở nhà. Vậy mà, chồng bà không nghe vẫn quyết định đi. Khi chồng bà vừa rời nhà được khoảng 30 phút thì xảy ra chuyện đau đớn này.
“Ngày hôm đó, nghe bà ấy nói như vậy, tôi rất đau lòng. Tôi cố nén cảm xúc của mình để lái chiếc tàu về ga Vinh an toàn. Sau khi hoàn tất thủ tục, tôi xin nghỉ ở nhà ít hôm để ổn định tinh thần”, ông Sơn nói.
Vết thương không bao giờ lành
Một lần khác, ông Sơn cũng ám ảnh vì gặp phải vụ tai nạn thương tâm khi chuẩn bị về đến ga Hà Nội.
“Đó là một lần chạy tàu gần ga Gôi, Nam Định, thấy dòng xe cộ đông đúc đang băng ngang đường ray tự mở, tôi hoảng hốt hãm ga hết sức để đoàn tàu chạy chậm lại.
Lúc tàu gần đến nơi cũng là lúc một chiếc xe máy leo lên, chết máy và dừng trên đường ray. Tôi vội mở cửa, nhoài người rồi hét cô gái hãy tránh ra. Nhưng tất cả đã quá muộn, nhìn thân thể cô gái văng ra xa, tôi rất đau buồn.
Khi tàu dừng hẳn, tôi vừa bước chân xuống đầu tàu thì một người thanh niên trẻ nhận là bạn trai của nạn nhân lao tới gây gổ. Anh ta nói do tôi mà bạn gái anh ta chết thảm. Hôm đó, có nhiều người đến can ngăn, tôi mới thoát khỏi cuộc ẩu đả”, ông Sơn nhớ lại.
Khi mọi thủ tục, giấy tờ hoàn tất, người lái tàu mới biết hôm ấy cô gái kia đi thử váy cưới với người yêu. Sau khi thử xong, bạn trai cô gái bận việc nên để cô tự đi xe máy về. Trên đường cô trở về thì không may chiếc xe gặp trục trặc, chết máy ngay giữa đường ray, vừa lúc đó thì đoàn tàu lao tới. Đó là nỗi ám ảnh mà có lẽ không bao giờ ông Sơn quên được.
Ông Sơn cho hay, “Làm nghề lái tàu, sợ nhất là khi đi qua những con đường ngang được người dân tự mở ra chi chít. Tôi thử nhẩm tính cả quãng đường đi của mình có bao nhiêu con đường như vậy được mở ra, nhưng rồi không thể. Cứ cách ít mét, lại có một con đường".
Có những chuyến tàu, người lái tàu an toàn trở về nhưng cũng có những chuyến tàu họ ra đi mãi mãi.
Với những lái tàu như ông Sơn, sau mỗi chuyến đi, có thể họ đều may mắn trở về an toàn. Thế nhưng, nhiều lái tàu trong cuộc hành trình của mình cũng đã ra đi mãi mãi, để lại sau đó là vết thương, nỗi ám ảnh khôn nguôi. Trường hợp của một người lái tàu tên Phú là điển hình.
“Vào một ngày tháng 3.2015, lúc đó là 10h đêm, lái tàu Phú điều khiển chiếc tàu SE5, tại Km đường sắt 639 qua địa phận tỉnh Quảng Trị, thì bất ngờ gặp sự cố.
Khi tàu đang chạy với tốc độ khoảng 80km/h thì phát hiện có chiếc xe tải chở đá cùng chạy song song phía đầu tàu. Đến đoạn có đường ngang dân sinh, chiếc xe tải đột ngột rẽ chắn ngang đường ray.
Vì tính mạng và tài sản của hành khách, anh Phú đã không bỏ vị trí mà cố gắng kéo tay hãm khẩn đồng thời hô to, kêu phụ lái tránh ra sau đỡ xảy ra va chạm mạnh với xe Ben.
Cú tai nạn khiến anh Phú thiệt mạng, thi thể dập nát kẹt trong đầu tàu. Người lái phụ trên tàu lúc đó cũng bị gãy chân, thoát chết trong gang tấc.
Nhận được thông tin có vụ tai nạn gần ga của mình, người trưởng ga đã chỉ huy anh em ra tàu hỗ trợ đưa thi thể người lái tàu ra ngoài.
Thấy chị dâu và các cháu đứng khóc ngất ở cabin chiếc tàu, người trưởng ga vô cùng bất ngờ. Anh không nghĩ người lái tàu gặp nạn kia lại chính là anh trai ruột của mình
Nghe chị dâu kể, anh ấy đau đớn, khóc nghẹn rồi ngã quỵ xuống. Ai biết được rằng lần cuối cùng hai anh em gặp nhau lại trong hoàn cảnh hết sức thương tâm như thế này. Sau đó chúng tôi phải động viên, đưa anh ấy về nhà.
Sau khi làm tang lễ cho anh trai xong, anh ấy xin nghỉ phép cả tháng vì vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn của anh trai.
Theo dự kiến, đây cũng là chuyến tàu cuối cùng trước khi anh Phú nghỉ hưu”, ông nhớ lại.
Theo ông Sơn, những lái tàu bị tai nạn và may mắn thoát chết thì nhiều nhưng sau vụ việc của lái tàu Phú, anh em có phần dao động, muốn từ bỏ nghề, số khác thì bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, phải nghỉ hàng tháng trời mới ổn định.
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn