Người vợ 90 tuổi, 51 năm mòn mỏi chờ đợi ngày chồng được công nhận liệt sĩ

Thứ tư - 23/05/2018 13:44
Đã 51 năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Nguyễn Phi Lý (Thạch Xuân, Thạch Hà, Hà Tĩnh) hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, 13 năm được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng đến nay gia đình vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách nào.

51 năm mòn mỏi chờ ngày công nhân liệt sĩ

Theo hồ sơ về thân nhân liệt sĩ cũng như gia đình liệt sĩ Nguyễn Phi Lý thuật lại: Sáng ngày 26/6/1967, ông Nguyễn Phi Lý (SN 1928, trú tại xã Thạch Xuân, Thạch Hà, Hà Tĩnh) và nhiều dân quân du kích xã Thạch Xuân được chính quyền xã giao nhiệm vụ đi chặt lá ngụy trang phục vụ chiến đấu của trận địa pháo Cầu Đông. Sau đó, kết hợp gánh vôi về giao cho hợp tác xã tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực cho bộ đội đánh đế quốc Mỹ. Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, sau khi bàn giao lá ngụy trang cho bộ đội trận địa pháo, ông Lý cùng đoàn gánh vôi về đến điểm cách trận địa pháo 2km thì bị máy bay của Mỹ đánh bom và đã hi sinh.

Đến năm 2004, hồ sơ liệt sĩ Lý được xác lập, ngày 25/7/2005 được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng điều phi lý là kể từ đó, 51 năm hi sinh, 13 năm được Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công, nhưng cho đến nay gia đình chưa hề được nhận một chế độ chính sách nào của Nhà nước theo quy định.

Bà Biện Thị Niên (vợ ông Nguyễn Phi Lý, áo vàng) và bà Nguyễn Thị Thanh (con gái bà Niên, áo trắng) đang trả lời phỏng vấn PV báo chí về vụ việc.

Vợ liệt sĩ Nguyễn Phi Lý, bà Biện Thị Niên (90 tuổi) kể lại trong nước mắt: Chồng tôi là dân du kích địa phương, được cấp trên giao phó đi lấy lá ngụy trang phục vụ chiến đấu rồi hi sinh. Thế nhưng, gia đình ông vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách dành cho người có công.

“Đơn thư kiến nghị chúng tôi đã gửi nhiều lần từ cơ quan chức năng địa phương đến Trung ương đề nghị xem xét nhưng đến nay vẫn vô vọng. Trớ trêu hơn nữa, bằng Tổ quốc ghi công của ông ấy "nằm” trong kho của Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh bao năm qua”- bà Niên nói.

"Kể từ ngày bố tôi hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mẹ tôi ở vậy nuôi 6 đứa con khôn lớn, trưởng thành. Nay bà đã ngoài 90 tuổi, cái tuổi đã gần đất xa trời, bà cũng chỉ mong mỏi, chờ đợi đến ngày bố tôi được Nhà nước công nhận là liệt sỹ” – bà Nguyễn Thị Thu Thanh (69 tuổi, con gái ông Lý) nói trong nghẹn ngào.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) cho biết, việc ông Nguyễn Phi Lý được lãnh đạo tiền nhiệm của UBND xã này điều động gánh lá ngụy trang phục vụ cho trận địa pháo cao xạ Cầu Đông đánh giặc Mỹ và sau đó gánh vôi về cho hợp tác xã sản xuất, đảm bảo lương thực cho tiền tuyến đánh giặc là một thực tế. Điều này có sự xác nhận bằng văn bản và có nhiều đồng đội của ông Lý chứng kiến, có đơn thư xác nhận cụ thể.

Cũng theo ông Hà, nguyên nhân chính dẫn đến việc “ách tắc” trên là do trong quá trình cán bộ chức trách về địa phương xác minh lại nhân chứng, nguồn hồ sơ thì một số người dân phường Thạch Linh (nơi ông Lý hi sinh) lại cho rằng ông Lý ngã xuống trong lúc gánh vôi cho hợp tác xã Thạch Xuân chứ không phải lúc gánh lá ngụy trang phục vụ cho trận địa pháo cao xạ.

“Tôi chỉ thấy cơ quan chức năng bắt bẻ ở việc “gánh vôi” hay gánh “lá ngụy trang” phục vụ trực tiếp cho trận địa. Theo tôi, dù hi sinh trong tình huống công việc gì đi nữa, thì rõ ràng là ông ấy đang thực thi nhiệm vụ do cấp trên giao, mục đích là hỗ trợ, phục vụ cho công cuộc đánh Mỹ cứu nước. Vì vậy cần phải ghi nhận sự hi sinh cao cả đó”, ông Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Thạch Hà cho biết, quá trình xác nhận hồ sơ, việc ông Nguyễn Phi Lý hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ là một thực tế. “Các cơ quan chức năng cần sớm hoàn tất hồ sơ để giải quyết các chế độ chính sách cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Phi Lý”, bà Loan nói.

Lỗi ở đâu?

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 15/12/2017, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chủ trì cuộc tiếp công dân định kỳ, cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng thân nhân liệt sĩ Nguyễn Phi Lý để giải quyết.

Tại đây, ý kiến chung đều thống nhất việc ông Nguyễn Phi Lý hy sinh trong khi phục vụ chiến đấu và việc công nhận, truy điệu liệt sĩ là có cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Minh (con rể bà Niên) trong cuộc trao đổi với Sở LĐ,TB&XH về vụ việc diễn ra tại trụ sở xã Thạch Xuân, ngày 20/5

Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng: Để xảy ra việc tồn đọng trong hồ sơ giải quyết chế độ liệt sĩ cho ông Nguyễn Phi Lý kéo dài tới hàng chục năm là do lỗi ở cơ quan chức năng.

“Việc xác lập hồ sơ liệt sĩ cơ bản là đúng nhưng vẫn còn ý kiến hoài nghi vì quá trình làm chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, chưa tuyên truyền tốt cho nhân dân để tạo sự đồng thuận từ cơ sở” – ông Sơn nói.

Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu Sở LĐ,TB&XH tỉnh thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh, soát xét hồ sơ chính xác, khách quan, đầy đủ căn cứ pháp lý, đồng thời chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan thẩm tra, xác minh làm rõ, báo cáo UBND tỉnh. Phải giải quyết dứt điểm để trả lời cho gia đình, người thân ông Nguyễn Phi Lý có được công nhận liệt sĩ hay không và nếu đúng là hy sinh khi đang phục vụ chiến đấu thì phải thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trước Tết Nguyên đán năm 2017.

“Điều mà tôi bức xúc nhất là việc Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã trì trệ, giữ bằng Tổ quốc ghi công của bố tôi tại kho hồ sơ suốt 13 năm ròng, khiến gia đình bao năm qua trông ngóng, chờ đợi. Vậy, đến bao giờ cấp có thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh mới giải quyết dứt điểm vụ việc?”  – bà Nguyễn Thị Thu Thanh con gái ông Nguyễn Phi Lý đưa ra câu hỏi.

Để xác minh cụ thể thông tin từ gia đình phản ánh cũng như dựa vào hồ sơ xác lập, PV báo điện tử Infonet đã liên hệ, đặt lịch làm việc nhiều lần với Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh nhưng đều nhận câu trả lời Sở đang xác minh, tìm hiểu thêm.

PV sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây