Hoang mang vì bệnh ung thư

Một ngày đầu tháng 5, tôi đến xã An Lộc. Dưới cái nắng chói chang đầu hè, tôi nhìn thấy một đoàn người đang chầm chậm bước theo chiếc xe tang, tấm di ảnh đặt phía trước là một người đàn ông còn rất trẻ. Theo ông Nguyễn Duy Hiển - cán bộ tư pháp xã, đó là nạn nhân thứ 2 của căn bệnh ung thư quái ác đã vĩnh viễn ra đi trong hơn một tuần qua.

Vài ngày sau đám tang đó, tôi được ông Hiển đưa đến nhà chị Nguyễn Thị Ý (ở thôn Quyết Thắng). Chị Ý năm nay ngoài 40 tuổi, người gầy rộc, khuôn mặt hốc hác vì vất vả chăm sóc cho người chồng bị ung thư gan. Dẫn tôi ra chiếc giếng khoan ở sau nhà, chị cắm điện rồi bơm nước lên thùng phuy nước. Thùng nước màu đục ngầu, đầy cặn, chị thở dài: “Đây chứ mô nữa. Nước bẩn như ri thì mần răng yên tâm mà sống được. Chú ngửi mà coi, mùi khó chịu lắm”.

Trước đó, bỗng nhiên chồng chị Ý lên cơn đau bụng, ốm nặng, người gầy rộc. Đi khám, bác sĩ kết luận, anh bị ung thư giai đoạn cuối. Chị bán hết trâu bò, gà lợn, rồi vay mượn anh em làng xóm thêm ít tiền đưa chồng đi khám, mong tìm đường sống cho chồng. Thế nhưng, sau cùng chị vẫn phải đưa chồng về trong vô vọng và gần một tháng sau thì chồng chị mất. “Sống chết không biết mô được. Lo lắm, nghe nói cấp trên sắp xây dựng cái nhà máy nước sạch mà chờ mãi…”, chị Ý chia sẻ.

Nằm co ro trên giường, ông Nguyễn Đình T (thôn Quyết Thắng) bị ung thư gan giai đoạn cuối đang ngày ngày phải chống chọi với từng cơn đau và cái án tử treo lơ lửng trước mặt. Biết là không sống được bao lâu nữa nên cách đây một tuần, ông xin về nhà điều trị. Mới đây, ông bảo cậu con trai bán con trâu, vài con lợn để vào TP.Hà Tĩnh sắm cái máy lọc nước. “Tui cũng nghi ngờ là nguồn nước bị ô nhiễm lâu lắm rồi nhưng chủ quan quá. Hơn chục năm trước, có lúc nước giếng múc lên cứ ngửi thấy mùi thuốc sâu, sau đó nhiều gia đình vay tiền về khoan giếng sâu vài chục mét để lấy nước sạch, nước có đỡ mùi hơn đôi chút, nhưng vẫn phèn và đục lắm. Mấy năm nay, người bị ung thư ngày một nhiều mới ngã ngửa ra là nước ô nhiễm nặng quá”, ông T nói.

Điều khiến lãnh đạo và người dân địa phương lo lắng là độ tuổi người bị bệnh ung thư ngày một trẻ. Theo ông Hiển, chỉ trong gần 10 năm trở lại đây, toàn xã có gần 40 người chết vì ung thư, riêng năm 2014 có đến 7 người. Trước đây, người bị bệnh thường ngoài 40 tuổi, nhưng hai năm nay, có người mới 30 tuổi đã phát hiện bị bệnh. “Hiện có khoảng 10 người ung thư giai đoạn cuối, bị bệnh viện đã trả về. Thực tế, số người mắc bệnh còn lớn hơn nhiều nhưng vì tâm lý nên gia đình đang giấu. Cứ đà này thì chết vì ung thư hết”, ông Hiển lo lắng nói.

Năm nay, đã gần ở cái tuổi 70, nhưng bà Nguyễn Thị B (thôn Quyết Thắng) vẫn ngày ngày còm cõi bê từng rổ rau ra chợ bán. Gần 10 năm trước, con trai bà B ra đi vì căn bệnh ung thư gan. Hai năm sau, con dâu bà cũng qua đời vì ung thư dạ dày. Khoản tiền lo điều trị, mai táng cho con trai chưa trả hết thì tiền lo cho con dâu lại đè nặng lên đôi vai còm cõi của bà B.

Trong căn nhà cấp 4 cũ nát, bà chỉ tôi xem từng tấm giấy khen của 3 đứa cháu nội mà ngậm ngùi: “Cả 3 đứa đều học giỏi nhưng tiền đâu mà cho đi học, xong cấp hai đứa nào đứa nấy xin bỏ học hết”. Vừa nói bà vừa móc trong túi ra một tấm giấy ghi nợ rồi bảo: “Gần chục năm rồi mà vẫn chưa trả hết nợ đưa con trai đi viện điều trị chứ chưa nói đến tiền cho con dâu. Còn khoản tiền vay nộp học phí cho 3 đứa cháu mấy năm trước nữa chứ…”.

Biết căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi con trai và con dâu, nhưng ngày ngày bà B và 3 đứa cháu vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng đục ngầu, tanh hôi. Dẫn chúng tôi ra cái bể nước nhỏ trước sân nhà, xung quanh bể bám một màu vàng của phèn, bà B tiếp lời: “Lo cho mấy đứa cháu lắm, nhưng nghèo quá không làm gì được, thôi thì đến đâu hay đến đó, phải dùng tạm nước giếng chứ tiền đâu mà mua nước bình về dùng, cái bể nước mưa cũng chỉ dùng được dăm bữa nửa tháng là hết”.

Nguồn nước ô nhiễm do đâu?

Mới đây, theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức (giai đoạn 1) có công bố nghiên cứu rằng, xã An Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một trong 10 xã có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất Việt Nam. Thời gian qua, rất nhiều tổ chức, đơn vị đã về xã An Lộc lấy nguồn nước đi kiểm tra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thành - Chủ tịch UBND xã, đến nay xã vẫn chưa nhận được một kết luận cụ thể nào, vẫn chưa biết nguồn nước ô nhiễm do đâu, mức độ nặng nhẹ ra sao và chưa có một dự án cụ thể nào được triển khai tại xã.

Theo ông Thành, rất có thể nguyên nhân ô nhiễm là do trước đây vùng đất xã An Lộc gánh chịu rất nhiều bom đạn của chiến tranh, trong thời gian qua, một phần bom mìn (mảnh vỡ bom mìn) rỉ sét hòa vào nguồn nước gây ô nhiễm.

Một nguyên nhân khác có thể là do kho thuốc sâu của hợp tác xã trước đây. Dẫn chúng tôi ra một khu đất ngổn ngang ngói, đá nằm ngay trong khuôn viên UBND xã, ông Thành bảo: Ngày trước, ở đây là kho đựng thuốc sâu của hợp tác xã, về sau, trong quá trình xử lý kho, một phần thuốc sâu đã bị chôn xuống đất. Rất có thể đây là nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Quyết Thắng là thôn nằm gần kho thuốc sâu nhất và là thôn có số người bị bệnh ung thư nhiều nhất của xã. “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên xin ý kiến về nhà máy nước sạch nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc nghiên cứu, giúp đỡ để người dân được yên tâm làm ăn, sinh sống và tránh được căn bệnh ung thư quái ác. Đừng để người dân phải mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng”, ông Thành khẩn thiết.

Đáng lo hơn là kho thuốc sâu cũ chỉ cách trường mầm non, trường tiểu học xã chưa đầy 100m. Hàng ngày, nguồn nước được sử dụng trong hai ngôi trường này chủ yếu vẫn lấy từ nước giếng khoan và nước mưa tích trữ trong bể. Mới đây, nhà trường có đầu tư mua máy lọc nước, xây dựng hệ thống lọc nước nhưng đến nay dự án này vẫn đang dang dở, máy lọc nước mua về vẫn nằm nguyên trong kho. Theo một lãnh đạo trường mầm non xã An Lộc, họ đang chờ kết luận về độ ô nhiễm nguồn nước và nguyên nhân ô nhiễm rồi mới sử dụng máy lọc nước cho hợp lý.