Cha sứt môi đạp xe thồ xin ăn, bán thóc tươi nuôi ba con đi học

Chủ nhật - 29/04/2018 09:22
Đó là gia cảnh của ông Trần Quốc Vận (SN 1956) ở xóm Ích Mỹ, xã Hậu Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Hàng ngày, dáng người khắc khổ ấy vẫn lọc cọc trên chiếc xe đạp thồ cũ kỹ đi từ xã này qua xã khác để xin ăn từng bữa về nuôi ba con đến trường, ông không muốn các con phải bỏ học.

Ông Vận bị sứt môi bẩm sinh và mắc căn bệnh thần kinh co giật khiến sức khỏe ông cứ yếu dần. Lúc nào, người đàn ông ấy cũng nghĩ rằng mình sẽ phải sống một cuộc đời cô độc.

Lúa chín chưa kịp phơi khô đã phải bán tươi lấy tiền

Nhưng duyên lành đã đến với ông, năm 2005 được một người bạn nối sợi tơ hồng, ông kết duyên cùng bà Hồ Thị Chanh (SN 1956) ở xã bên cạnh.

Tình yêu đơm hoa kết trái từ những người cùng cảnh ngộ, bà Chanh cũng bị hỏng một mắt và măc chứng thần kinh nên thỉnh thoảng không được bình thường.

Trời thương, hai ông bà sinh ra được ba người con là Trần Quốc Thủy (hiện đang học lớp 5B), Trần Thị Nhung và Trần Thị Tuyết (song sinh, đang học lớp 3C) của trường tiểu học Hậu Lộc.

Thương bố mẹ, Thủy, Nhung, Tuyết luôn chăm ngoan học giỏi. Nhưng giấc mơ tới trường của ba em có lẽ sẽ bị dang dở vì không có tiền đi học, trong khi cả bố mẹ đều bị dị tật, sức khỏe ngày một yếu đi và ba em còn quá nhỏ.

Gia đình ông Vận  thuộc diện hộ nghèo trong xã nhiều năm nay. Cả năm nhân khẩu chỉ trông chờ vào hai sào ruộng.

“Nhưng cứ trái gió trở trời là việc đồng áng phải nhờ hàng xóm làm giúp, vợ chồng tui bệnh ốm suốt, không đủ sức làm.

Có hôm, ba con đi học về bụng đói lắm mà nhà không còn gì để ăn, tui lại gượng đạp xe đi xin ăn ở các xã lân cận về nuôi con. Hôm nào tui bệnh không đi được thì các con đi xin ăn.

Hai sào lúa khi chín thu hoạch về chưa kịp phơi khô đã phải bán tươi cho người buôn để lấy tiền nộp học cho các con. Thế mà cũng chẳng được là bao, rồi các con lại đói.

Giờ tôi sợ lắm, sợ các con không được đến trường với các bạn nữa”, ông Vận nghẹn lòng.

Vợ chồng ông Vận bên căn nhà trống hoác.

Ông Vận sụt sịt bảo, nghề đi ăn xin là bần cùng rồi, nhưng có phải ông cứ đi ăn xin là người ta thương mà cho đâu. Có hôm không được nắm gạo nào. Có hôm vì trời mưa ông đang đi giữa đường lại phải tìm chỗ trú mưa.

Gặp hôm trời nắng ráo, ông xin được chừng 2kg gạo, hôm nhiều nhất được 5kg.

"Có lần tui đi xin ăn về muộn, đến đoạn đường vắng còn bị hai thanh niên chặn xe giữa đường để lấy gạo và 30 nghìn tiền lẻ của tui, sợ quá nên tôi chỉ biết lặng lẽ đưa cho chúng", ông Vận gạt nước mắt.

Người đàn ông nghèo khổ ấy sợ nhất là những lúc bệnh tái phát bởi không đi xin ăn được thì các con ông sẽ nhịn đói.

"Lâu rồi nhà cháu không được ăn thịt"

Khi nghe bố mình nói, em Thủy kể ba anh em chưa bao giờ mơ tới bộ quần áo mới.

Hàng ngày, tranh thủ buổi nghỉ học, Thủy lại dắt hai em đi qua xã bên ăn xin, ai thương thì cho cân gạo, con cá, chút tiền lẻ, nhưng đôi khi cũng bị người ta hắt hủi đuổi đi.

Nhiều lúc, Thủy chỉ biết ngồi khóc bởi thương bố mẹ bị bệnh mà không giúp được gì. "Ba anh em cháu không muốn nghỉ học đâu...", Thủy buồn rầu.

Ngồi kế bên, hai em song sinh Nhung, Tuyết nói xen vào: "Lâu rồi nhà cháu không được ăn thịt, dịp Tết vừa rồi được bác hàng xóm biếu cho một cân thịt ba chỉ để ăn thôi!".

Ông Vận cùng 3 con và cô giáo chủ nhiệm của em Nhung.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Phong (cán bộ chính sách xã hội của xã Hậu Lộc) chia sẻ: “Gia đình ông Vận thuộc hộ nghèo của xã.

Năm 2010,  gia đình ông được hỗ trợ xây ngôi nhà tình nghĩa.  Vì đây là gia cảnh có thể nói là nghèo nhất của xã nên hàng năm các khoản đóng nộp ở xã đều được miễn giảm".

Cô Võ Thị Hoài (giáo viên chủ nhiệm của em Nhung và em Tuyết) bộc bạch, ba anh em Thủy, Nhung, Tuyết đều là học sinh rất chăm ngoan, học giỏi của trường. Nhưng hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất so với học sinh toàn trường.

Nhà trường có chính sách ưu tiên, miễn giảm các khoản đóng nộp giúp các em tiếp tục đến trường nhưng thời gian này, thầy cô giáo sợ nguy cơ bỏ học giữa chừng của các em là rất lớn...

Vợ chồng ông Vận.

Được biết, các em ông Vận cũng khó khăn lại lập gia đình xa nên không giúp được gì.

Tháng 8/ 2014, ông Vận được một người gieo duyên Phật pháp. Từ đó tới nay, ông hàng ngày ăn chay, niệm Phật,  thỉnh thoảng đi ăn xin được đồng tiền lẻ, ông mua cá phóng sinh.

Ông Vận nói: "Từ khi tôi biết tới Phật, tôi lại không muốn đi ăn xin nữa, nhưng không đi thì ba đứa con tôi lại đói, sợ chúng nó bỏ học".

Không khí chùng xuống ảm đạm hiu hắt trong ngôi nhà nhỏ.  Ra về mà chúng tôi thấy lòng trĩu nặng. Nghĩ tới ước mơ tới trường của ba em nhỏ và mong những bữa cơm có thịt không phải nhịn đói của các em mà không khỏi ái ngại...

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội.

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hoặc gửi trực tiếp: Gia đình ông Trần Quốc Vận, Xóm Ích Mỹ, Hậu Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây