Cơ quan chức năng Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm, tìm nguyên nhân ngao chết.
Trước đó, từ ngày 6 đến 11/2, hiện tượng ngao, hàu chết xuất hiện tại vùng nuôi thuộc xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) và xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) với tổng diện tích gần 100ha. Nhận được thông tin, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh tiến hành khảo sát thực địa, nắm thông tin từ người nuôi, lấy mẫu xét nghiệm tại 2 địa phương nói trên. Số mẫu được lấy gồm 5 mẫu nước, 9 mẫu ngao, 5 mẫu đất bùn.
Theo kết quả của báo cáo, hầu hết các chỉ tiêu đưa ra phân tích đều có giá trị trong ngưỡng giới hạn, phù hợp với môi trường nuôi trồng thủy sản; không phát hiện các tác nhân gây bệnh Perkinsus olsemi, Herphesvirus. Do đó, hiện tượng ngao chết hàng loạt ở 2 địa phương này không phải do các loại vi rút, vi khuẩn, kí sinh trùng gây nên.
Qua xem xét, mật độ nuôi ngao tại các điểm này rất cao, cao hơn 7,5 - 19 lần so với mật độ khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản. Ngao nuôi dày, nguồn nước có mật độ thực vật phù du thấp, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thức ăn và chỗ trú ẩn (khi nhiệt độ xuống thấp) làm ngao bị yếu, giảm sức đề kháng.
Mặt khác, theo kết quả hồi cứ diễn biến thời tiết trước thời điểm ngao chết thì vào ban đêm, nền nhiệt tại Hà Tĩnh xuống thấp (từ 12 - 21 độ C), chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn (4 - 11 độ C) và có sương mù dày đặc làm ngao dễ bị chết hơn. Khi ngao gặp điều kiện môi trường bất lợi thì những con yếu sẽ bị chết trước, chưa được thu gom gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi và làm tăng thêm tỷ lệ ngao chết trong những ngày sau đó.
Theo kết luận của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, hiện tượng ngao chết tại Hà Tĩnh thời gian qua là do nuôi mật độ quá dày, nguồn thức ăn phù du trong tự nhiên thấp, gặp thời tiết lạnh làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm.
Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, các địa phương cần sớm thu gom hết xác ngao vào chôn lấp theo quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, người nuôi ngao cần cải tạo lại môi trường nuôi, khi thả giống phải đúng mật độ theo quy định, có kế hoạch nuôi trồng phù hợp để đảm bảo ngao phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh.
Theo Hạnh Nguyên Đại đoàn kết
Link gốc: http://daidoanket.vn/nguyen-nhan-khien-ngao-chet-hang-loat-o-ha-tinh-5711151.html