Nguyễn Túc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Huy Cận sinh năm 1919 trong một gia đình nhà nho nghèo, gốc nông dân ở xã Đức Ân (xã Ân Phú), huyện Đức Thọ, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông kể: Đây là vùng đất hoang sơ, nằm dưới chân núi Mồng Gà bên bờ sông Ngàn Sâu thuộc thượng nguồn sông La - một vùng đất nổi tiếng về hát ví dặm và có truyền thống về kể truyện thơ Nôm. Theo Huy Cận kể với các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày sinh thực của ông là 29 tháng Chạp năm Bính Thìn tức ngày 22.1.1917. Do khi thi vào Quốc học Huế, sợ quá tuổi, cậu ông đã làm lại giấy khai sinh giảm bớt 2 tuổi.
Bố ông là một nhà Nho, đậu tam trường, làm Hương sư. Chán cảnh phải xa vợ con, ông bỏ việc trở về quê dạy chữ Hán cho bọn trẻ trong làng. Mẹ ông là cô gái quê Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ giỏi nghề dệt lụa. Cả hai người đều yêu văn chương và đều mê Truyện Kiều.
Sự đam mê văn chương của bố mẹ đã ảnh hưởng lớn đến ông khi còn thơ ấu.
Lúc nhỏ, ông học ở trường làng. Tốt nghiệp sơ học yếu lược, ông thi đỗ vào Quốc học Huế. Ở đây ông làm quen với Xuân Diệu và trở thành đôi bạn tâm giao, gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời. Tốt nghiệp tú tài, ông ra Hà Nội, thi đỗ vào trường Cao đẳng Canh nông và cùng Xuân Diệu thuê chung căn gác nhà số 40 Hàng Than.
Năm 1942, ông đến với Cách mạng thông qua việc tham gia các hoạt động yêu nước do Tổng hội Sinh viên của Dương Đức Hiền - một thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh. Yêu thơ và say mê lý tưởng được ánh sáng cách mạng soi đường, Huy Cận sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao và trở thành một thành viên nòng cốt của Tổng hội, đặc biệt trong lĩnh vực tuyên truyền, cổ động. Tháng 8.1945, Huy Cận được Tổng hội Sinh viên cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng, được cử cùng Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng vào Kinh đô Huế để chấp nhận Lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại.
Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập, Huy Cận được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Canh nông kiêm thanh tra đặc biệt của Chính phủ. “Thanh tra đặc biệt của Chính phủ thời đó vẻn vẹn chỉ có 2 người: Tôi và cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Thượng thư Bộ hình của Triều đình Huế. Nhiệm vụ chủ yếu của thanh tra đặc biệt lúc đó là chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước, bảo đảm cho chính thể Hồ Chí Minh là chính thể thực sự dân chủ, chính thể của Nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân”, ông nói.
Sau Tổng tuyển cử thành công, ngày 25.2.1946, Hội nghị liên tịch giữa các chính đảng ra nghị quyết thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Ngày 2.3.1946, Quốc hội Khóa I họp phiên đầu tiên. Thay mặt Chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã nhất trí mở rộng thêm đại biểu Quốc hội cho Việt Quốc và Việt Cách như đã thỏa thuận. Và Chính phủ liên hiệp kháng chiến lúc này gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần và 10 bộ trưởng. Đại biểu Việt Quốc, Việt Cách làm Bộ trưởng 4 bộ là: Ngoại giao, Kinh tế, Cứu tế và Canh nông. Hai đại biểu không đảng phái là cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì thế, chức Bộ trưởng Bộ Canh nông mà Huy Cận đang đảm nhiệm phải bàn giao lại cho ông Bồ Xuân Luật.
Theo nhà thơ Huy Cận kể lại trong buổi họp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 46 Tràng Thi, Hà Nội: “Một hôm, Bác gọi tôi đến Chủ tịch phủ và bảo:
- Từ mai chú thôi làm Bộ trưởng, xuống làm thứ vậy.
Tôi đáp:
- Thưa Cụ, Cụ và cách mạng giao nhiệm vụ gì thì con làm nấy.
Sau đó Bác nói tiếp:
- Chú vẫn công tác tại Bộ Canh nông, chỉ không làm Bộ trưởng. Nhưng mọi việc chú vẫn phải làm như hiện nay. Chỉ khác là khi nào cần ký thì chú đưa ông Bồ Xuân Luật ký. Ông ấy được mời làm Bộ trưởng thay chú”.
Từ đó cho đến ngày nhà thơ từ biệt chúng ta, Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao việc gì, ông sẵn sàng nhận và làm tốt công việc được giao.
Trong những lần họp Mặt trận, các Ủy viên Ủy ban Trung ương cùng lứa với ông thường đùa và gọi ông là “Nhà thơ đa tài, đa tình và đa năng”. Vì ngoài chức Bộ trưởng rồi xuống làm Thứ trưởng Bộ Canh nông, ông còn lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ tá đặc biệt cho Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng; Thứ trưởng Bộ Kinh tế; Thứ trưởng Bộ Văn hóa rồi Bộ trưởng đặc trách công tác văn hóa - văn nghệ tại văn phòng Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam...
Ông là đại biểu Quốc hội các Khóa I, II, VII và VIII, là Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Khóa VII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Khóa VIII. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1942 và là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ Việt Minh cho đến khi Việt Minh - Liên Việt hợp nhất, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ II (1983 - 1988) và nhiệm kỳ III (1988 - 1994).
Qua những hội nghị, hội thảo quốc tế, Huy Cận đã thể hiện rõ sự hiểu biết uyên thâm trong lĩnh vực văn hóa và bản lĩnh chính trị vững vàng của một lãnh đạo tầm cỡ của Đảng và Nhà nước ta, đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè và Nhân dân thế giới, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc mình.
Là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Huy Cận vẫn không từ bỏ thi ca như ông từng thú nhận. Ông là một nhà thơ lớn được đánh giá là đạt tầm cao dân tộc và thời đại. Điểm mới trong thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám là có sự thay đổi căn bản về cách nhìn nhận con người và cuộc đời. Như một nhà phê bình văn học đã từng nhận xét: “Nếu như trước đây nhà thơ nhìn con người trong vũ trụ, con người giữa thiên nhiên, thì giờ đây ông nhìn con người giữa cuộc đời, con người gắn bó trong các mối quan hệ xã hội hòa hợp và tin yêu”.
Huy Cận không chỉ là đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới, ông còn là một nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, một thi sĩ có tên tuổi trên diễn đàn quốc tế. Chính vì thế, tháng 6.2001, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ thế giới.
Con người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ đã đột ngột qua đời ngày 19.2.2005 tại Hà Nội để lại sự tiếc thương vô hạn cho mọi người.
Ghi nhận công lao to lớn của nhà thơ lớn, nhà cách mạng, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Sao Vàng cho ông vào ngày 23.2.2005 chỉ 4 ngày sau khi ông mất.
Ông cũng đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
Nguyễn Túc
Theo daibieunhandan.vn
Link gốc: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/nha-tho-huy-can-uy-vien-tong-bo-viet-minh-i292481/