Trung tá Nguyễn Danh Tuệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La:“Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân”
Khi về nhận nhiệm vụ trên cương vị Đồn trưởng năm 2016, tôi rất vui mừng vì mô hình “Bữa sáng cho em” mà đơn vị đã triển khai trước đó đã phát huy được hiệu quả, giúp đỡ thiết thực cho các cháu nhỏ. Tuy nhiên, cần phải sắp xếp, tổ chức lại mô hình cho phù hợp với giai đoạn mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đó là, thay vì trích 1 khẩu phần bữa ăn sáng cuối tuần ngày thứ Bảy và Chủ nhật của bộ đội, chúng tôi phải tạo ra nguồn kinh phí ổn định hơn. Thông qua việc tổ chức họp Hội đồng quân nhân, kết quả rất mừng là 100% cán bộ, chiến sĩ thống nhất tự nguyện ủng hộ đóng góp quỹ chung cho chương trình. Triển khai nấu cơm tại đơn vị, cán bộ, chiến sĩ ăn như thế nào thì các cháu ăn như vậy. Từ đây, chúng tôi đã nuôi dưỡng được nhiều cháu học sinh hơn, trọn vẹn trong cả năm học.
Ngoài mô hình này, chúng tôi còn nhận đỡ đầu trực tiếp 3 cháu học sinh, trong đó có 2 cháu ở xã biên giới, 1 cháu ở nước bạn Lào với mức đỡ đầu mỗi cháu 500.000 đồng/ tháng, cho đến khi học xong lớp 12. Tất cả những nỗ lực này đã giúp các cháu học sinh đi học đều, không còn tình trạng đứt quãng, bỏ học giữa chừng.
Chúng tôi cũng là những người cha trong mỗi gia đình, do điều kiện phải đóng quân xa nhà, nên chúng tôi coi các cháu nhỏ trên địa bàn như chính con em mình vậy. Niềm vui sướng khi nhìn các con có những bộ quần áo sạch sẽ, lành lặn, có bữa cơm no bụng để đánh được vần, học được phép toán. Đó là phần thưởng tinh thần quý giá nhất cho chúng tôi.
Thượng tá Nguyễn Văn Giáp, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Hà Tĩnh: “Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”
Thời gian qua, hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Hà Tĩnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng thủ đoạn dùng tiền bạc, vật chất để mua chuộc, cám dỗ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đấu tranh tội phạm ma túy. Mặt khác, chúng tôi luôn phải đối mặt với sự hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; phải chấp nhận hy sinh thời gian dành cho gia đình; phải vượt qua tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sợ hy sinh, thiếu kiên quyết trong đấu tranh trấn áp tội phạm, đồng thời trấn an tâm lý bất an, lo lắng của gia đình, người thân...
Thực tế, lúc đầu gia đình tôi rất lo lắng, vì thỉnh thoảng thấy báo, đài đưa tin các trường hợp hy sinh, bị thương khi bắt tội phạm ma túy, thấy tôi thường xuyên vắng nhà, tiếp xúc với các đối tượng nghiện, có HIV..., nhưng tôi đã kiên trì động viên, giải thích nên giờ gia đình tôi luôn tin tưởng, ủng hộ.
Vợ con đồng đội tôi cũng vậy. Câu chuyện làm tôi nhớ mãi, đó là cuối năm 2018, chúng tôi phối hợp với Công an Lào đấu tranh chuyên án, lúc đó là 11 giờ đêm, khi đang trên xe ô tô theo dõi đối tượng vận chuyển ma túy, tôi thấy đồng chí cấp dưới của mình điện thoại mấy cuộc về nhà, tôi nhắc: “Sao, có việc gì mà điện thoại nhiều thế”, đồng chí ấy nói: “Mừng quá anh ạ, vợ em vừa sinh xong, mẹ tròn, con vuông”. Tôi lặng đi một lúc mới nói được câu chúc mừng.
Tôi luôn nhớ lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội, năm 2016 căn dặn: “Hôm qua là anh hùng, nhưng biết đâu hôm nay là tội phạm” để không bao giờ cho phép mình được tự mãn, phải tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện và cống hiến, góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên của nhân dân.
Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó Thuyền trưởng tàu ngầm 184 Hải Phòng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân: “Viết tiếp truyền thống của gia đình”
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, bố tôi là sĩ quan Hải quân, mẹ tôi là giáo viên dạy văn. Chính vì vậy, ngay từ ngày nhỏ, tôi luôn ao ước được trở thành sĩ quan Hải quân. Năm 2004, khi biết tin mình thi đậu vào Học viện Hải quân, tôi rất tự hào khi được viết tiếp truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, lúc đó bố tôi đã tâm sự với tôi rất nhiều điều, trong đó, bố tôi có căn dặn, con đừng quá vui mừng với những kết quả đã đạt được, mà phải biết đón nhận và vượt qua những khó khăn sắp tới như phải sống xa gia đình, phải chịu sóng gió trên biển.
Đến năm 2010, tôi vinh dự được lãnh đạo Quân chủng Hải quân lựa chọn đi đào tạo chuyên ngành hàng hải tàu ngầm tại Nga. Lúc đó, tâm trạng của tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết mình có hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao hay không. Những khó khăn về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa nước ngoài, khí hậu khắc nghiệt... Nên tôi đã tận dụng mọi cơ hội để học tiếng Nga mọi lúc, mọi nơi, dần dần khả năng giao tiếp ngoại ngữ của tôi được nâng lên, qua đó, nắm vững kiến thức, làm chủ trang bị tàu ngầm.
Đặc biệt, như các đồng chí đã biết, tàu ngầm là phương tiện hoạt động độc lập, dài ngày trên biển, trong môi trường đặc biệt. Vì vậy, tôi và đồng đội luôn phát huy truyền thống của Lữ đoàn 3, đó là “Trung thành đặc biệt, đoàn kết đặc biệt và kỷ luật đặc biệt”. Với tinh thần như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tôi cùng đồng đội đã kết thúc khóa học tập chuyển giao, đủ khả năng độc lập làm chủ trong khai thác, vận hành trang bị kỹ thuật hiện đại trên tàu ngầm, được chuyên gia Nga đánh giá cao, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người sĩ quan QĐND Việt Nam với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, hăng say học tập, hòa đồng, thân thiện với đồng nghiệp quốc tế.
Trung tá, Tiến sĩ Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ gen và di truyền tế bào, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y: “Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năm 2008, chúng tôi đã bắt tay vào nhiệm vụ mới với mong muốn sớm phát hiện ung thư cho người dân. Tuy nhiên, đến giữa năm 2009, chúng tôi hoàn toàn không thu được kết quả như mong đợi, bản thân tôi lúc đó rất hoang mang, lo lắng khi kế hoạch ban đầu không đạt được. Chính lúc đó, truyền thống “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội, của những y, bác sĩ đi trước đã tiếp tục hun đúc, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.
Chúng tôi luôn suy nghĩ, các thế hệ đi trước còn đói khổ, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, chỉ là nhà tranh, vách đất, nhưng họ vẫn hoàn thành được nhiệm vụ. Còn chúng tôi được sống trong hòa bình, được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất có thể sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế mà mình lại không làm được. Vì vậy, không có lý do gì để chúng tôi bỏ cuộc.
Từ những thất bại, chúng tôi đã vượt qua những giới hạn của bản thân, những giới hạn của công nghệ trên thế giới để tìm ra giải pháp công nghệ mới và chúng tôi đã thành công. Hiện nay, với công nghệ này, người bệnh chỉ cần lấy máu xét nghiệm, sau 3 giờ là có thể nhận được kết quả xem mình có bị hay không bị đột biến gen liên quan đến một số bệnh ung thư thường gặp như ung thư phổi, vòm họng, tuyến giáp... Qua đó, kịp thời phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, đây là điều kiện quan trọng giúp cho các bác sĩ có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Tôi là tác giả đầu tiên của ngành quân y Việt Nam được Cục Bản quyền và Thương hiệu của Mỹ cấp bằng sáng chế trong công nghệ phát hiện đột biến gen có độ chính xác vượt trội. Qua đó, giúp các bác sĩ chẩn đoán cũng như có phương hướng điều trị kịp thời cho nhiều bệnh lý ung thư và di truyền tại Việt Nam.
Trần Đức (lược ghi)